Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao
Theo TTXVN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ ngày 24/11 đến ngày 1/12, toàn thành phố ghi nhận 1.715 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 522 ca. Tuần qua, thành phố ghi nhận 33 ổ dịch tại 13 quận, huyện, thị xã, giảm 16 ổ dịch so với tuần trước đó.
Các địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần gồm: Hà Đông (180 ca), Đống Đa (170 ca), Thanh Oai (161 ca), Phú Xuyên (134 ca), Hoàng Mai (109 ca).
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Các địa phương có nhiều bệnh nhân gồm: Hà Đông, Thanh Oai, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Đống Đa, Thanh Trì. Hà Nội ghi nhận 1.923 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 88 ổ dịch đang hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ảnh minh họa: TTXVN
Về kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành, năm 2023, Hà Nội ghi nhận 14 mẫu dương tính DEN1, 17 mẫu dương tính DEN2, 1 mẫu dương tính DEN3.
CDC Hà Nội cho biết, qua giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) đã giảm dưới ngưỡng quy định.
Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại các khu vực có ổ dịch; tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch bùng phát rộng.
Đốt than sưởi ấm, 3 người trong một gia đình ngộ độc khí CO
Báo Công Thương dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và cấp cứu cho 3 bệnh nhân nghi bị ngạt khí khi đốt than trong phòng kín. Các bệnh nhân gồm: bà Hoàng Thị H. (59 tuổi), chị Nguyễn Thị Thanh T. (27 tuổi) và bệnh nhi khoảng 15 ngày tuổi, đều trú ở xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo thông tin ban đầu, khoảng 8h45 ngày 4/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận 3 bệnh nhân trên trong tình trạng lơ mơ, khó thở. Sau khi tiến hành thăm khám, các bệnh nhân được chuẩn đoán ngộ độc khí CO.
Người thân của các nạn nhân kể vào sáng cùng ngày, người nhà phát hiện các nạn nhân nằm bất tỉnh trên giường trong căn phòng rộng khoảng 10m2 và đóng kín cửa, bên cạnh có một chậu than đang ấm. Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Ích Hậu và nhân viên y tế đã đến hiện trường, sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân và nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân H. Ảnh: Báo Công Thương
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bản thân khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.
Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Do ảnh hưởng của đợt rét đậm kéo dài, liên tục trong những ngày vừa qua, cuộc sống của người dân từ thành phố đến nông thôn, đặc biệt là vùng núi cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong cái lạnh như cắt da cắt thịt, nhiều người đã phải "cố thủ" trong nhà.
Vì vậy, để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Nguyên khuyên người dân trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm. Từ trước đến nay, đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra do sưởi ấm bằng than củi, than tổ ong…
Bé trai bị hoại tử toàn bộ mu bàn tay, mặt căng tay trái nghi do rắn cắn
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 4/12, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, vừa phẫu thuật, điều trị thành công, bảo tồn bàn tay trái của bé trai 8 tuổi bị hoại tử toàn bộ mu bàn tay và mặt cẳng tay trái nghi do bị rắn cắn.
Trước đó, bệnh nhi X.B.C. (8 tuổi, ở Tương Dương, Nghệ An) vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, nhưng phần mềm ngón thứ 2, mu bàn tay, các ngón tay còn lại và mặt sau cẳng tay trái bị sưng nề, hoại tử kèm viêm mủ, đau nhức nhiều và hạn chế vận động.
Qua khai thác thác bệnh sử được biết, bé C. là người dân tộc H.Mông, bố mẹ đi làm ăn xa, C. ở nhà với ông bà. Ngày nghỉ, C. theo ông bà lên rẫy gặt lúa, đào củ rừng ăn, đến trưa C. vào lán dựng tạm phụ ông bà cất lúa và ngủ trưa.
Trong lúc bé đang ngủ, ông bà bỗng nghe tiếng hét lớn, vội chạy vào kiểm tra thấy trên tay bé xuất hiện 2 dấu răng cắn đang rỉ máu (nghi bị rắn cắn). Ngay lập tức, C. được ông bà đưa vào bệnh viện tuyến huyện khám, điều trị.
Sức khỏe bệnh nhi hiện tiến triển tốt, được chỉ định xuất viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau 5 ngày theo dõi, tay C. xuất hiện thêm tình trạng sưng nề, tím tái tăng dần nên bé được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục điều trị. Sau khi tiếp nhận, thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, nhận định đây là trường hợp hoại tử mô mềm nghi do nọc độc của rắn nên đã chỉ định mổ cấp cứu để xử trí tổn thương.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã cắt lọc loại bỏ phần hoại tử vùng ngón tay và mu bàn tay, rạch rộng để dẫn lưu mủ vùng cẳng tay và để hở, thay băng hàng ngày.
Sau 2 tuần điều trị tích cực, vùng khuyết da mu bàn tay và ngón tay sau cắt lọc hoại tử đã mọc tổ chức hạt sạch. Bệnh nhi C. tiếp tục được chỉ định phẫu thuật lần 2 để khâu kín da vùng cẳng tay, vá da dày che phủ vùng mu bàn tay và ngón tay.
Sau 7 ngày, da ghép vùng mu bàn tay và ngón tay đã bám tốt, hồng, vết mổ khâu da vùng cẳng tay khô, liền mép. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt và được chỉ định xuất viện.
XEM THÊM: Hà Nội: Cụ bà U80 lập kỷ lục xoay 80 vòng dưới nước liên tục với 8 tư thế Yoga trên mặt nước
Qua trường hợp này, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo, trẻ em hoặc người lớn đều không nên nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ tại các lán trại tạm bợ, nơi rừng núi hoặc nơi hoang vắng có nhiều cây cối, bụi rậm vì rất có thể đó là môi trường của rắn, rết, hoặc côn trùng độc hại sinh sống.
Ngoài ra, với các trường hợp bị rắn cắn, côn trùng hoặc bất cứ con vật gì nghi có độc…, cần được xử trí ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, sau đó chuyển đến các bệnh viện chuyên sâu để được thăm khám, điều trị kịp thời, giảm các nguy cơ tổn thương lan rộng, nặng nề hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Đinh Kim (T/h)