Phẫu thuật lấy khối u xơ nặng hơn 6kg cho bệnh nhân ở Tiền Giang
VOV đưa tin ngày 3/12, Bệnh viện Quân y 120 (Cục hậu cần, Quân khu 9 tại tỉnh Tiền Giang) cho biết, đơn vị vừa phẫu thuận thành công cho 2 bệnh nhân có khối u lớn. Đây là 2 trường hợp hiếm gặp, chứng minh sự tiến bộ trong điều trị bệnh nhân của y bác sĩ của bệnh viện này.
Cụ thể, Bệnh viện Quân y 120 vừa tiếp nhận điều trị, phẫu thuật thành công cho bệnh nhân V.T.N.N. (SN 1974, ngụ ở Đa Phước Hội, Mỏ Cày Nam, Bến Tre) có khối u xơ tử cung nặng 4,5 kg và bệnh nhân N.T.T. (ở An Hữu, Cái bè, Tiền Giang) có khối u xơ tử cung nặng 6,2kg.
Trước đó, 2 bệnh nhân này vào khám tại Bệnh viện Quân y 120 trong tình trạng bụng to giống như người mang thai 8 tháng, đau bụng vùng hạ vị, tiểu buốt, rong kinh, được bác sĩ chỉ định nhập khoa Chăm sóc và Điều trị theo Yêu cầu.
Trong đó, bệnh nhân T. phát hiện khối u gần 7 năm nay, có mua thuốc về điều trị nhưng không giảm. Thời gian gần đây, bệnh nhân phát hiện bụng dưới ngày càng to, đi lại khó khăn, kèm theo đau bụng thường xuyên vùng hạ vị, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, hoa mắt chóng mặt. Người bệnh có đi khám và điều trị nhiều phòng khám nhưng không giảm nên vào Bệnh viện Quân y 120 xin nhập viện.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VOV
Bệnh nhân N. phát hiện khối u hơn một năm nay, có điều trị phòng khám tư nhưng không giảm, gần đây bụng dưới ngày càng to, kèm theo các cơn đau trằn bụng dưới, rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, chóng mặt, mệt mỏi nên vào khám tại Bệnh viện Quân y 120. Các bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra chỉ định phẫu thuật cắt khối u xơ tử cung.
Kíp mổ gồm 4 bác sĩ và 5 kỹ thuật viên do Trung tá, bác sĩ CK1 Huỳnh Thanh Tú - Trưởng khoa Sản Bệnh viện Quân y 120 làm trưởng ca mổ. Sau hơn 2 giờ, các bác sĩ đã bóc tách, cắt thành công khối u xơ nặng 6,2 kg ra khỏi cơ thể của bệnh nhân T. và khối u xơ nặng 4,5 kg của bệnh nhân N..
Trung tá, bác sĩ Huỳnh Thanh Tú chia sẻ, bệnh nhân có khối u tử cung kích thước rất lớn, nếu không được mổ sớm thì sẽ phát triển nhanh, chèn vào các tạng khác trong cơ thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết, thiếu máu nặng, thận ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, táo bón nặng kéo dài, trĩ…để lâu có thể gây ung thư hóa khối u, gây nguy hiểm đến tính mạng.
U xơ tử cung cần được chẩn đoán và điều trị sớm ngay từ đầu, nếu không khối u phát triển lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Người đàn ông bị bệnh mũi sư tử Rhinophyma
Theo báo Người Lao Động, nam bệnh nhân ngoài 50 tuổi cho biết cách đây nhiều năm ông đã phát hiện bị bệnh trứng cá đỏ. Khoảng 2 năm gần đây, vùng da ở mũi đỏ nhiều, tăng tiết nhiều bã nhờn, mũi gồ ghề, tiến triển phì đại che lấp đường thở.
Sau khi chữa trị bằng nhiều cách nhưng tình trạng khó thở không thuyên giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống, bệnh nhân mới đến bệnh viện thăm khám. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh mũi sư tử Rhinophyma. Đây là tình trạng biến dạng vùng mũi do sự tăng sinh, phì đại tuyến bã nhờn, mô liên kết và mạch máu ở mũi.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, mũi sư tử là một trong các dạng của trứng cá đỏ. Vị trí điển hình của mũi sư tử là ở đầu mũi với hình dáng mũi phì đại, biến dạng.
Vùng thương tổn có màu da hoặc màu đỏ. Các mao mạch giãn rộng nổi rõ trên da, có nhiều lỗ nhỏ, tiết bã… Bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Với bệnh nhân nói trên, sau khi phẫu thuật tạo hình lại đầu mũi và cánh mũi người bệnh đã không còn tình trạng nghẹt mũi, khó thở.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, trứng cá đỏ là một bệnh lý viêm mạn tính tương đối phổ biến với đặc điểm là mặt lúc nào cũng đỏ bừng, nhất là khi tiếp xúc ánh nắng. Ngoài ra, vùng da mặt có tình trạng giãn mạch, trứng cá nổi thành từng cục to có màu đỏ, sưng tấy...
XEM THÊM: Tác hại của bia rượu với thận, nên uống bao nhiêu bia rượu để tránh hại thận
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ của bệnh nhưng thông thường khi người bệnh được chẩn đoán bị trứng cá đỏ cần được điều trị và quản lý, bởi trường hợp nặng sẽ tiến triển thành bệnh mũi sư tử.
Các bác sĩ cũng cho biết, đa số trường hợp bị bệnh mũi sư tử là lành tính nhưng ở một số người, bệnh tiến triển nhanh gây loét, tiết dịch... Khi đó, bệnh có thể đi kèm với tình trạng ung thư biểu mô tế bào đáy nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.
Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc uốn ván từ đầu năm 2023 đến nay
VTV News dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân mắc uốn ván, nâng số mắc từ đầu năm 2023 đến nay là 25 trường hợp (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (10/0)), trong đó 3 trường hợp đã tử vong.
Bệnh nhân là nam, 66 tuổi, địa chỉ tại Ba Vì. Ngày 12/11, bệnh nhân bị vết thương ở ngón cái của chân phải và không tiêm phòng uốn ván. Đến ngày 14/11, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán mắc uốn ván. Bệnh nhân đang được các bác sĩ của bệnh viện điều trị tích cực.
Uốn ván có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vaccine đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng chủ động, trước khi bị vết thương. Ảnh minh họa: VTV News
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra.
Tuy vậy, bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vaccine đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng chủ động, trước khi bị vết thương. Với người lớn, dự phòng chủ động bằng cách tiêm liều cơ bản gồm 3 liều, 2 liều đầu cách nhau ít nhất 1 tháng và tiêm nhắc lại sau liều thứ hai từ 6-12 tháng, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
Khi đã tiêm đủ 3 liều cơ bản từ 5 đến 10 năm, nếu bị vết thương lớn và có nguy cơ bị uốn ván thì cần tiêm nhắc lại 1 liều vaccine.
Nếu khoảng cách từ liều tiêm nhắc lần cuối cùng đã quá 10 năm thì phải tiêm nhắc lại 1 liều vaccine kể cả với vết thương nhỏ, sạch. Với các vết thương lớn và có nguy cơ bị uốn ván, cần tiêm bổ sung 1 liều vaccine kết hợp với huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT).
Đinh Kim (T/h)