Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 31/5/2024: Bé 10 tháng tuổi nhiễm ký sinh trùng ăn não

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 31/5/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 31/5/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé 10 tháng tuổi nhiễm ký sinh trùng ăn não

VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngày 30/5 cho biết khoa Hồi sức Nhiễm đang cứu chữa một bệnh nhi 10 tháng tuổi (ở Bến Tre) nhiễm ký sinh trùng ăn não trong tình trạng rất nặng, nhập viện gần 1 tuần.

Trước khi đến bệnh viện, bé đã sốt cao 3 ngày kèm nôn ói nhiều, lừ đừ. Sau khi nhập viện 8 giờ, bé lên cơn co giật toàn thân kèm rối loạn tri giác, được đặt nội khí quản, sau đó hôn mê sâu, không đáp ứng kích thích.

Kết quả kiểm tra sọ não cho thấy giãn não thất cấp tính, nhiễm trùng tăng cao, dịch não tủy vàng đục... Các xét nghiệm nuôi cấy tác nhân thông thường trong máu và dịch não tủy đều âm tính.

Tình trạng bệnh nhi diễn tiến xấu rất nhanh. Bệnh viện tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử PCR xác định có ký sinh trùng, sau đó xác nhận lại bằng soi tươi phát hiện có amip ăn não trong mẫu dịch não tủy của bệnh nhi.

Hiện, bệnh nhi đang được điều trị tích cực với thở máy, dẫn lưu não thất ngoài để giảm áp lực nội sọ, chống phù não, kháng sinh phổ rộng nhưng tình trạng vẫn đang rất nặng.

Hình ảnh amip ăn não. Ảnh: NBC News

Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, đây là bệnh hiếm, hiện thế giới rất ít ca mắc. Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân nên sử dụng nguồn nước sạch, hạn chế sinh hoạt và tắm rửa ở những nơi có nguồn nước bẩn.

Amip sống được ở nhiệt độ trên 30 độ C và chịu được nhiệt độ lên đến 45 độ C trong môi trường tự do, thường được tìm thấy trong các khu vực nước ngọt ấm như ao, hồ, sông, suối nước nóng, đất ẩm, chưa ghi nhận tồn tại trong nước biển.

Amip xâm nhập não bộ của người thông qua niêm mạc đường mũi. Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không đặc hiệu và giống với các triệu chứng của viêm màng não như nhức đầu, sốt, nôn ói. Do đó, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu thường khó khăn và chậm trễ.

Tuy nhiên, sau đó bệnh tiến triển nhanh, hầu hết đều dẫn đến hôn mê và tử vong trong vòng 1 -18 ngày. Để xác định ra bệnh phải xét nghiệm chuyên sâu PCR.

Phẫu thuật cấp cứu trường hợp hiếm gặp thai làm tổ ở gan

Theo TTXVN, ngày 30/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân P.N.T.T (27 tuổi) trong tình trạng sốc mất máu do thai làm tổ ở gan - một hiện tượng hiếm gặp với tỷ lệ 1/15.000 ca.

Trước đó, chị T. có dấu hiệu chậm kinh 10 ngày và đau bụng nhưng không đi khám. Khi triệu chứng đau bụng dữ dội và khó thở, chị T. đã đến khám tại một bệnh viện tư nhân và được chẩn đoán thai bám tại gan. Sau đó, chị được chuyển đến khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: TTXVN

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Phụ sản đã tiến hành các biện pháp hồi sức cần thiết. Nhận thấy tính đặc biệt và phức tạp của ca bệnh, các bác sĩ đã xin ý kiến của Ban Lãnh đạo bệnh viện và mời các chuyên gia trong ngành hội chẩn; sau đó, quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu.

Các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp bằng cách bóc tách khối thai với sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ ngoại khoa. Kết quả, sức khỏe của bệnh nhân đã dần phục hồi, không có biểu hiện bất thường. Trước đó, chị P.N.T.T đã trải qua 2 ca sinh mổ.

Được biết, thai ngoài tử cung ở gan là một hiện tượng cực kỳ hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1/15.000 thai kì và có tỷ lệ tử vong cao hơn so với thai nằm trong tử cung hoặc vòi trứng. Nếu không được phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.

Cứu sống em bé sinh non 27 tuần tuổi

Theo thông tin trên tạp chí Gia Đình Việt Nam, người mẹ mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đến tuần thai thứ 27 thì có dấu hiệu chuyện dạ, ngôi ngang sa tay. Xác định đây là một trường hợp cấp cứu sản khoa, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai.

Ca phẫu thuật được chuẩn bị kĩ lưỡng từ bác sĩ khoa Sơ sinh Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh). Sau khi ca phẫu thuật diễn ra, trẻ chào đời trong tình trạng tím toàn thân, không có nhịp tự thở, phản xạ yếu. Các bác sĩ sơ sinh đã nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản và sau đó được điều trị hồi sức sơ sinh.

Bác sĩ Đoàn Thị Ngân – Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Sơ sinh cho biết, bệnh nhi H. do sinh non và phải đối mặt với rất nhiều biến chứng như bệnh màng trong do phổi non dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng sớm, rối loạn đông máu…

Các bác sĩ đã tiến hành chăm sóc đặc biệt cho trẻ tại khoa Sơ sinh bằng biện pháp thở máy, tiêm thuốc trưởng thành phổi, nuôi dưỡng tĩnh mạch, truyền máu, kháng sinh, lồng ấp...

Em bé sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Đến nay, sau hơn 2 tháng chăm sóc tận tâm của các bác sĩ, sức khỏe của trẻ đã ổn định, trẻ đã có thể tự thở, bú mẹ được và cân nặng hiện tại là 2.300 gram. Sau khi làm các xét nghiệm tổng quát và có kết quả ổn định, trẻ sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Cũng theo bác sĩ, đối với các trẻ sinh non, bệnh nhi phải đối mặt với nhiều biến chứng, nguy cơ tử vong cao như bệnh màng trong do phổi non dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng sớm, rối loạn đông máu, xuất huyết phổi, xuất huyết não, tim bẩm sinh, võng mạc mắt chưa trưởng thành... Do đó, việc tiến hành hồi sức cấp cứu nhanh chóng, chính xác ngay tại phòng sinh có ý nghĩa quyết định đến tính mạng của trẻ.

Tin nổi bật