Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 28/5/2024: Bé 3 tuổi bị viêm phổi nặng do cúm A/H1

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 28/5/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 28/5/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé 3 tuổi bị viêm phổi nặng do cúm A/H1

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều 27/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết một bệnh nhi 3 tuổi bị viêm phổi nặng do cúm A/H1 vừa được cứu chữa thành công.

Cụ thể, bệnh nhi là bé H.A. (ngụ quận 8, TP.HCM), sốt cao liên tục 3 ngày, ho và tiêu chảy nhiều lần. Đến ngày thứ 4, bé nhập bệnh viện địa phương với chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh, được đặt nội khí quản, thở máy. Kết quả xét nghiệm PCR dịch hút phế quản ghi nhận tác nhân cúm A/H1 của chủng đại dịch 2009 (cúm mùa). Các bác sĩ hội chẩn và chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Kết quả X-quang phổi ghi nhận tổn thương lan tỏa 2 bên phổi. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng li bì tím tái, SpO2 khoảng 80-82%. Kết quả Xquang phổi ghi nhận tình trạng tổn thương lan tỏa 2 bên phổi, xẹp đỉnh phổi. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi và suy hô hấp cấp tiến triển nặng do cúm A/H1.

Bệnh nhi được điều trị tích cực với thở máy thông số cao, tư thế nằm sấp, kháng sinh phổ rộng, sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan.

Sau khi hội chẩn, ê kíp quyết định áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Tuy nhiên, diễn tiến bệnh phức tạp, bệnh nhi nhiễm trùng nặng, viêm phổi bội nhiễm, bạch cầu tăng cao.

Ekip đã đổi kháng sinh, điều chỉnh thông số ECMO, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện, được cai ECMO, máy thở và dần tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Hạt hồng xiêm nằm trong phổi người phụ nữ hơn 20 năm

Chiều 27/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, một ekip y, bác sĩ của cơ sở y tế này vừa tiến hành nội soi, gắp di vật nằm trong phổi của một nữ bệnh nhân hơn 20 năm qua.

Theo đó, bệnh nhân là bà T.N.T.V (SN 1950, trú ở phường Phước Tân, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa với các triệu chứng ho có đàm, phổi giảm âm bên trái.

Khai thác thông tin từ bệnh nhân, bác sĩ được biết bà có tiền sử viêm phế quản mãn tính và thường xuyên tái khám. Bệnh nhân cũng chia sẻ, cách đây hơn 20 năm đã từng bị sặc hạt hồng xiêm (sapoche), cũng từ đó bà thường bị ho kéo dài, rồi xuất hiện cơn khạc có đàm, được chẩn đoán viêm phế quản mãn tính.

Thời gian gần đây, các triệu chứng nêu trên tái diễn nhiều hơn, kèm theo cơn mệt, nên phải nhập viện điều trị tại một cơ sở y tế ở TP.Nha Trang và được chẩn đoán viêm phổi, theo thông tin trên báo Công An Nhân Dân.

Ekip nội soi cẩn trọng thao tác kỹ thuật y khoa hơn 1 giờ, mới gắp ra dị vật là hạt hồng xiêm dài khoảng 4 cm. Ảnh: Công An Nhân Dân

Khi chụp CT Scan lồng ngực đã phát hiện thâm nhiễm phế bào, mô kẽ thùy dưới và giữa phổi phải, lòng phế quản thùy dưới phổi phải có cấu trúc ngấm cản quang không đều, nghi ngờ có dị vật, nên cơ sở y tế đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để điều trị chuyên sâu. Kết quả khám, chẩn đoán ban đầu bệnh nhân viêm phổi, chỉ định theo dõi dị vật đường thở và tiến hành nội soi phế quản.

Khi tiến hành nội soi đã phát hiện dị vật nghi ngờ gây tắc hoàn toàn phế quản thùy dưới phổi phải, niêm mạc sung huyết tăng tiết đàm, nhiều giả mạc bám xung quanh, chứng tỏ dị vật nằm trong phổi lâu năm.

Nhận định đây là ca khó, dễ chảy máu phế quản phổi, dễ đẩy dị vật sâu hơn, ekip nội soi cẩn trọng thao tác kỹ thuật y khoa hơn 1 giờ, mới gắp ra dị vật là hạt hồng xiêm dài khoảng 4 cm.

Sau khi di vật được gắp ra ngoài, phế quản phổi hai bên của bệnh nhân thông thoáng, tình trạng sức khỏe ổn định và đã được xuất viện.

Người đàn ông nhập viện sau khi uống rượu ngâm rễ cây rừng

Báo Lào Cai đưa tin, khoảng 7h ngày 25/5, gia đình nhà ông Hoàng Seo S. (ở thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) tổ chức bữa ăn sáng gồm 14 người. Các món ăn gồm: thịt gà luộc, thịt vịt luộc, thịt lợn treo gác bếp xào, rau bí xào.

Trong bữa ăn, có 3 người uống thêm rượu ngâm rễ cây (tiếng Mông gọi là cây Tẩu Hỏa Hảng). Sau khi uống một chén rượu, ông Vàng Seo C. có biểu hiện đau bụng, vã mồ hôi, buồn nôn, buồn đi đại tiện, người mệt mỏi, chóng mặt, rét run.

Đến 11h cùng ngày, ông Vàng Seo C. được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà với tình trạng: tiếp xúc chậm, vã mồ hôi, da niêm mạc hồng nhợt, sốt nhẹ, cảm giác khó thở…

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, ông Vàng Seo C. bị nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim, ngộ độc rượu ngâm rễ cây không rõ loại, hạ kali máu, suy thận cấp. Đến 21h30 ngày 26/5, ông Vàng Seo C. được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Chai rượu ngâm rễ cây được ông Vàng Seo C. sử dụng, cùng lá và rễ của cây Tẩu Hỏa Hảng. Ảnh: Báo Lào Cai

Hai người khác cũng có biểu hiện vã mồ hôi, đau bụng, chóng mặt. Tuy nhiên, do sơ cứu kịp thời nên tình trạng không nguy kịch và không phải nhập viện.

Qua điều tra cho thấy, đây là loại rượu được người nhà ông S. mua ở chợ với mục đích xoa bóp ngoài da để chữa trật khớp nhưng do không biết nên đã mang ra uống.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai lấy một mẫu rượu ngâm rễ cây đang uống dở; một mẫu cây tươi có cả rễ, thân, lá (là loại cây dùng để ngâm loại rượu nói trên) để gửi kiểm nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

Tin nổi bật