Theo thông tin trên VietNamNet, nữ điều dưỡng Dương Thị Hồng (32 tuổi) hiện đang công tác tại khoa Nội tiết - Cơ xương khớp Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Ngay khi phát hiện bé trai bị đuối nước ở khu nghỉ dưỡng nhưng được sơ cứu sai cách, bằng phản xạ của nhân viên y tế, chị Hồng chạy tới, giới thiệu mình là điều dưỡng và quyết liệt yêu cầu đặt cháu bé xuống mặt phẳng cứng để tiến hành cấp cứu.
Sau khi kiểm tra thấy bé trai không còn dấu hiệu sinh tồn, chị nhanh chóng thực hiện ép tim, thổi ngạt trong khoảng 3-4 phút, cháu bé nôn ra nhiều nước, có ý thức trở lại và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhất. Hiện, sức khỏe của cháu ổn định, mọi sinh hoạt, học tập trở lại bình thường.
Lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tặng giấy khen và phần thưởng để ghi nhận, biểu dương hành động đầy ý nghĩa của nữ điều dưỡng viên Dương Thị Hồng. Ảnh: VietNamNet
"Nếu không có chị Hồng ở đó, không biết giờ con trai tôi sẽ ra sao! Gia đình tôi thật quá may mắn", chị Hảo, mẹ bé trai được cứu sống, bày tỏ.
Nữ điều dưỡng chia sẻ thời điểm đó, điều duy nhất thôi thúc chị hành động quyết liệt là làm sao để cấp cứu kịp thời, đúng cách, giữ tính mạng cháu bé đang nguy kịch.
Ngày 23/5, để ghi nhận, biểu dương hành động đầy ý nghĩa của nữ điều dưỡng viên Dương Thị Hồng, lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tặng giấy khen và phần thưởng cho chị.
Bên cạnh đó, Chi hội Điều dưỡng của bệnh viện cũng dành tặng một phần quà chúc mừng chị Hồng đã vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vào tình huống khẩn cấp cứu người tại cộng đồng.
Các bác sĩ cho biết, với trường hợp đuối nước, sơ cứu ban đầu ngay tại hiện trường rất quan trọng. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Vì thế, để cứu sống trẻ trong khoảng thời gian "vàng”, người cứu đuối đặc biệt chú ý, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, không mạch (không bắt được mạch cảnh, mạch bẹn), cần đặt trẻ trên một mặt phẳng cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi ngay.
Tuyệt đối không dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy, làm các dịch dạ dày trào ngược, hít vào đường thở, mất thời gian "vàng" cấp cứu trẻ; không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở.
VTC News đưa tin, người đàn ông 47 tuổi ở Hà Nội có tiền sử khoẻ mạnh. Khi đang ăn tối có món cá (cá ngạnh) cùng bạn bè, người này bất ngờ khó nuốt, nuốt vướng, nghi bị hóc xương. Anh đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh), kết quả chẩn đoán có dị vật trong hầu họng.
Nội soi vào vùng hạ họng – thanh quản, sát gốc lưỡi, bác sĩ phát hiện có mảnh xương cá găm sâu vào gốc lưỡi, niêm mạc xung quanh phù nề. Sau 15 phút, các bác sĩ gắp ra ngoài mảnh xương cá dài xấp xỉ 2,5cm, 1 đầu nhọn.
ThS.BS Nguyễn Tất Thành - khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, sau thủ thuật nội soi, mảnh dị vật là xương hóc được lấy ra an toàn, sau lấy dị vật không chảy máu. Bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường.
Hóc dị vật đường tiêu hóa thường gặp ở thực quản, dạ dày. Nếu không được xử lý kịp thời nó sẽ để lại một số biến chứng như tạo ổ áp xe, chảy máu, thủng.
Bác sĩ khuyến cáo, khi nghi có dị vật đường tiêu hóa, người bệnh nên đến cơ sở y tế để gắp dị vật qua nội soi. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả. Người bệnh được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Sau đó, ekip sẽ gắp dị vật qua nội soi gây mê đường tiêu hóa đảm bảo an toàn, không đau.
Người dân tuyệt đối không nên chữa hóc dị vật bằng các mẹo dân gian bởi nếu dị vật để lâu có thể gây thủng ruột, nhiễm trùng, áp xe và nguy hiểm đến tính mạng.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin các bác sĩ Khoa Ung bướu 1 Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) mới đây đã thực hiện phẫu thuật điều trị "hai trong một" cho nữ bệnh nhân mắc đồng thời hai căn bệnh ung thư (ung thư trực tràng và ung thư buồng trứng).
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân B.T.T. T. (61 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bị đau bụng hạ vị nhiều tuần nên theo dõi tại nhà, tự sờ bụng dưới và phát hiện có một cục cứng như khối u nên đã đi khám tại Bệnh viện Bãi Cháy.
Tại đây, qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu.., kết quả chụp Ctscanner ổ bụng cho thấy có khối u lớn trong ổ bụng từ buồng trứng bên phải, nội soi đại trực tràng có tổn thương niêm mạc phù nề nhiễm cứng, gây hẹp toàn bộ lòng trực tràng.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa kết luận chẩn đoán ban đầu là u buồng trứng nghi ung thư xâm lấn trực tràng, tiên lượng bệnh cảnh nặng nề và chỉ định phẫu thuật điều trị cho người bệnh.
Đánh giá đây là ca phẫu thuật đặc biệt phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao khi phải xử trí triệt căn hai tổn thương ung thư riêng biệt trong một cuộc phẫu, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật.
Trong quá trình mổ, ekip phẫu thuật nhận thấy xuất phát từ buồng trứng phải có khối lớn đường kính 20cm, thành phần hỗn hợp dịch và u đặc, xâm lấn tiểu khung nên cho tiến hành sinh thiết tức thì khối u này. Kết quả tiếp tục cho thấy bệnh nhân bị ung thư buồng trứng.
Cụ thể, buồng trứng trái có nhân cứng chắc, sần sùi, tử cung teo nhỏ. Trực tràng cao có khối 4x5cm cứng chắc thâm nhiễm thanh mạc, hạch mạc treo đại trực tràng cứng chắc.
Chẩn đoán trong phẫu thuật kết luận, bệnh nhân mắc đồng thời 2 loại ung thư trực tràng và buồng trứng. Ekip phẫu thuật đã tiến hành cắt tử cung toàn bộ, hai phần phụ kèm mạc nối lớn, ruột thừa; Cắt đoạn trực tràng, vét hạch, làm miệng nối đại trực tràng.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công loại bỏ triệt để các tổn thương ung thư, bệnh nhân được chăm sóc, điều trị hậu phẫu tích cực. Kết quả giải phẫu bệnh phẩm sau phẫu thuật xác định ung thư biểu mô tuyến trực tràng kém biệt hóa, ung thư thanh dịch buồng trứng. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp tục quá trình điều trị hóa xạ bổ trợ.