Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 22/5/2024: Thanh niên phải lọc thận sau khi chạy marathon

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/5/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 22/5/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Thanh niên phải lọc thận sau khi chạy marathon

Theo TTXVN, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa hồi sức tích cực, điều trị thành công cho một trường hợp bị hội chứng ly giải cơ vân (tiêu cơ vân) phải lọc máu khẩn cấp do vận động mạnh sau khi tham gia giải chạy marathon.

Cụ thể, chiều 21/5, TS.BS Phạm Minh Huy - khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, lúc 18h ngày 19/5, đơn vị này tiếp nhận nam thanh niên tên T.Q.T (21 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) trong tình trạng lơ mơ, bứt rứt, có cơn co giật, tự thở oxy qua mặt nạ và nước tiểu có màu nâu sậm. Được biết, trước đó nam thanh niên đã tham gia một giải chạy marathon.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng ly giải cơ vân (tiêu cơ vân) - một hội chứng chỉ tình trạng các tế bào cơ vân bị tổn thương và bị hủy hoại dẫn đến việc giải phóng các chất trong tế bào cơ vào máu như: kali, axit uric, axit lactic, myoglobin hay các enzym làm rối loạn điện giải, toan chuyển hóa gây suy thận cấp.

Các bác sĩ đã xử trí bằng bù dịch, kiềm hóa nước tiểu, thuốc chống co giật và cho lọc thận chậm CRRT (phương pháp siêu lọc máu liên tục).

Nam thanh niên bị hội chứng ly giải cơ vân (tiêu cơ vân) phải lọc máu khẩn cấp do vận động mạnh sau khi tham gia giải chạy marathon. Ảnh: TTXVN

Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, không còn co giật, tự ăn uống được, sinh hiệu ổn, mạch khoảng 60 lần/phút, huyết áp ổn định. Tuy nhiên, chức năng thận vẫn chưa hồi phục, tiếp tục được lọc thận CRRT. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi thêm 2 - 3 ngày nữa để chức năng thận ổn định hơn.

Để phòng ngừa hội chứng ly giải cơ vân do vận động nặng, TS.BS Phạm Minh Huy đưa ra lời khuyên, khi tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, mọi người lưu ý nên tập luyện nhẹ nhàng, sau đó tăng dần với cường độ một cách từ từ, không nên vận động quá sức ngay.

Với việc vận động quá sức, vận động mạnh kéo dài và vận động trong môi trường thời tiết nắng nóng, nguy cơ mắc phải hội chứng ly giải cơ vân cao. Trong quá trình tập luyện cũng cần phải bù đủ dịch, đủ điện giải và các chất dinh dưỡng.

Khi xuất hiện các triệu chứng của tiêu cơ vân như mệt mỏi quá sức, không giơ tay chân lên được và đặc biệt khi nước tiểu có màu sậm (giống màu xá xị) nên đến các cơ quan y tế để kiểm tra và xử trí kịp thời.

Điều trị cho bé 5 tuổi bị thủy đậu bội nhiễm

Tạp chí Gia đình Việt Nam dẫn thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho hay, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi (5 tuổi, trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cơn, ho, nổi ban, phỏng nước rải rác toàn thân, nhiều nốt loét, mụn mủ, da vùng bụng, mạn sườn trái, lưng, đùi phải viêm sưng nề lan tỏa rộng bán kính 4-5cm quanh mụn.

Theo kết quả khai thác bệnh sử, trẻ đã bị bệnh được 6 ngày trước khi vào viện. Qua thăm khám và các kết quả thực hiện cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm tấy lan tỏa, thủy đậu bội nhiễm, giảm Albumin máu nặng, hạ Kali máu. Các bác sĩ cũng hội chẩn và tiên lượng tình trạng bệnh nhi nặng, cần được chăm sóc, điều trị hồi sức tích cực.

Quá trình điều trị, trẻ được dùng kháng sinh liều cao, phối hợp kháng virus, phẫu thuật loại bỏ tổ chức hoại tử, nạo mủ, ổ áp xe, truyền Albumin, hạ sốt, bù nước điện giải, nuôi dưỡng tĩnh mạch bán phần và chăm sóc tích cực. Đến hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, các tổn thương da tiếp tục được chăm sóc thay băng hàng ngày.

Sức khỏe bệnh nhi hiện đã ổn định, các tổn thương da tiếp tục được chăm sóc thay băng hàng ngày. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, thủy đậu là bệnh do vi rút varicella zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vaccine.

Để phòng bệnh thủy đậu, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ; sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Đồng thời, tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 1 tuổi để phòng bệnh, tránh lây lan. Đây là biện pháp phòng bệnh thủy đậu và tránh nguy cơ biến chứng hiệu quả nhất.

Khi phát hiện người có biểu hiện bệnh, cần cách ly và tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng như đắp lá, tắm lá… vì rất dễ gây nhiễm trùng, bội nhiễm khiến bệnh tiến triển nặng thêm. Gia đình cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế sớm nhất có thể để có chẩn đoán và điều trị tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt là ở trẻ em.

Nội soi gắp mảnh xương khỏi phế quản người phụ nữ

VOV đưa tin ngày 21/5, Bệnh viện 199 Bộ Công an tại TP.Đà Nẵng tiếp nhận nữ bệnh nhân Đ.T.T (38 tuổi, quê ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi)  vào viện trong tình trạng ho khạc ra đờm và máu, đau tức ngực.

Được biết, người bệnh từng nhập viện điều trị nhiều lần tại bệnh viện địa phương vì triệu chứng ho ra máu và viêm phổi tái phát liên tục. Bệnh nhân này được người nhà đưa đến bệnh viện để khám và chụp CT lồng ngực.

Kết quả có dị vật ở phế quản thùy trên phổi trái bệnh nhân. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện 199 để tiến hành nội soi phế quản ngay.

Dị vật là một mảnh xương hình chữ Y đã được gắp ra khỏi phế quản thùy trên phổi trái của bệnh nhân. Ảnh: VOV

Tại khoa nội Phổi – Lao – Da liễu, bệnh nhân đã được các bác sĩ nội soi gây mê. Sau 1 giờ, dị vật là một mảnh xương hình chữ Y đã được gắp ra khỏi phế quản thùy trên phổi trái an toàn.

Sau khi gắp dị vật thành công, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, giảm ho, hết đau ngực và có thể xuất viện sau 2 ngày theo dõi và điều trị nội trú.

Dị vật mảnh xương hình chữ Y là một loại dị vật khó gắp. Ở trường hợp này, nếu không phát hiện xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như viêm phổi kéo dài, nặng có thể gây xẹp phổi hoặc áp xe phổi.

Tin nổi bật