Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 29/4/2024: Xương cá đâm xuyên thành ruột người đàn ông

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/4/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 29/4/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Xương cá đâm xuyên thành ruột người đàn ông

Theo VTC News, ông P.H.N (69 tuổi, ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho biết cách đây 1 tháng thấy bụng dưới đau âm ỉ nên đi khám tại cơ sở y tế gần nhà và được chẩn đoán viêm dạ dày nên cho thuốc về uống.

Tình trạng không thuyên giảm nên ông tiếp tục đi khám nhiều nơi, nhưng cơn đau bụng vẫn ngày càng tăng khiến ông N. và gia đình vô cùng lo lắng.

“Tôi đi khám 5 lần ở 4 nơi khác nhau, chụp chiếu siêu âm đủ cả, chụp cả cộng hưởng từ nhưng vẫn không ra bệnh”, ông N. nói và cho biết đã uống rất nhiều thuốc nhưng không đỡ.

Bụng khi đau âm ỉ, đến khi không đi nổi ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thăm khám. Kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính phát hiện gần đại tràng ông N. có ổ dịch, bên trong có dị vật hình que dài xuyên thủng đại tràng, chỉ định phẫu thuật nội soi lấy dị vật.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: VTC News

Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện vùng giữa đại tràng ngang có khối viêm lớn được mạc nối bọc lại, bóc tách ra nhiều dịch mủ, ở giữa là dị vật mảnh xương cá dài 3cm đâm xuyên thành ruột.

Kíp bác sĩ làm sạch ổ áp xe, lấy dị vật ra ngoài, cắt đoạn đại tràng ngang bị áp xe do xương cá đến đoạn ruột lành, sau đó khâu nối ruột phục hồi lưu thông đường tiêu hóa.

Sau 1 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết mổ khô, ăn uống tốt, đại tiểu tiện bình thường.

Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, bị xương đâm thủng ruột nhưng ông N. không biết do triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Khi phát hiện, mảnh xương nằm trong bụng của bệnh nhân 1 tháng gây viêm phúc mạc.

“Tình trạng này nếu không phát hiện xử trí kịp thời thì ổ viêm lan rộng, nguy cơ nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng”, bác sĩ Hùng nói.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi ăn uống mọi người không nên ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Cần tập trung ăn uống, nhai kỹ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở.

Nếu không may hóc hay nuốt phải xương cá cùng các biểu hiện đau tức bụng bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám phát hiện và xử trí kịp thời.

Tìm nguồn máu hiếm cứu người phụ nữ 44 tuổi

Theo VietNamNet, nữ bệnh nhân 44 tuổi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) khám vì mệt mỏi, chán ăn, vàng da và mắt. Bác sĩ chẩn đoán thiếu máu - tan máu/u tuyến ống ở đại tràng sigma - tắc mật do u chèn ép vào rốn gan.

Bệnh nhân có tiền sử viêm gan tự miễn cách đây 2 năm, đã điều trị theo đơn và dừng thuốc tháng 6/2023. Hiện, người bệnh bị thiếu máu nặng, được chỉ định truyền máu nhưng kho của bệnh viện không chọn được máu phù hợp.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương làm định danh kháng thể bất thường và truyền máu phenotype, phát hiện bệnh nhân có đến 4 loại kháng thể bất thường Anti-C, Anti-E, Anti-Mia, Anti-JKb.

Trong kho máu của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng chỉ có 1 đơn vị hòa hợp. Sau truyền máu, bệnh nhân có cải thiện rõ rệt về lâm sàng.

Bệnh nhân có chỉ định cắt đại tràng trái - sigma và đặt stent đường mật nhưng tình trạng quá yếu và cần truyền máu trước, trong và theo dõi sau mổ.

TS. Nguyễn Minh Trọng - Trưởng khoa Ngoại gan mật, Tiêu hóa và Ung bướu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đây là ca bệnh khó, cần sự phối hợp của các bác sĩ nhiều chuyên ngành khác nhau, đặc biệt là cộng đồng người hiến máu phenotype.

Hiện, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương mới chỉ nhận được 1 đơn vị máu phù hợp, trong khi nhu cầu của bệnh nhân cần từ 3 - 4 đơn vị. Bác sĩ Trọng hy vọng cộng đồng có thể hỗ trợ bệnh nhân đủ số máu hiếm cần thiết.

Suýt liệt vĩnh viễn vì tự chữa đau cột sống bằng phương pháp dân gian

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, các y bác sĩ của bệnh viện vừa kịp thời cứu một bệnh nhân nữ suýt bị liệt vĩnh viễn do tự chữa đau cột sống bằng phương pháp dân gian.

Cụ thể, bệnh nhân nữ (53 tuổi, ngụ tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nhập viện trong tình trạng loét bỏng hai bàn chân, nằm liệt giường, tiểu không tự chủ.

Theo thông tin từ bệnh viện, trước thời điểm nhập viện 6 tháng, bệnh nhân này cảm thấy đau nhức vùng lưng, đi lại khó khăn và đi khám tại một phòng khám tư nhân. Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm CSTL nhẹ và được chỉ định điều trị nội khoa.

Sau khi dùng thuốc không đỡ, bệnh nhân được bạn bè tư vấn chườm lá (không rõ loại) vài đợt. Lúc đầu, các triệu chứng được cải thiện nhưng một thời gian ngắn sau thì bệnh lại tái phát, đau tê vùng hông xuống hai chân, yếu hẳn hai chân, đi lại khó, tiểu không tự chủ.

Gia đình sau đó vẫn tự mua thêm vài thang thuốc nữa để uống và hơ chân trên lửa để tăng cảm giác theo sự hướng dẫn của người bán thuốc. Hậu quả, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt hẳn hai chân, loét bỏng hai gân bàn chân, đại tiểu tiện không tự chủ.

Hai bàn chân của bệnh nhân sau khi tự chữa đau cột sống bằng phương pháp dân gian. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, qua thăm khám, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh lý tủy ngực nên đã chỉ định chụp MRI cột sống ngực. Kết quả phát hiện một khối u tủy ngực mức D9 chèn ép nặng ống sống.

Bệnh nhân sau đó đã được chỉ định mổ bán cấp cứu bóc u tủy vi phẫu. Sau gần 3 giờ đồng hồ phẫu thuật, ca mổ hoàn thành. Một tuần sau mổ, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, đi lại được, đại tiểu tiện tự chủ.

“Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau cột sống thắt lưng đã điều trị sai phương pháp không chỉ gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị mà còn khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

Khi xuất hiện các triệu chứng như: Cơn đau dai dẳng ở bất kỳ vị trí nào của cột sống, sưng, khó chịu ở cột sống, mức độ đau nhức ngày càng nặng hơn, không có dấu hiệu thuyên giảm, đau kèm cảm giác tê hoặc yếu tay, chân… thì người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh việc tự ý chữa trị làm tình trạng bệnh nặng thêm”, Ths.Bs CKII Nguyễn Văn Mận - Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba chia sẻ.

Tin nổi bật