Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 25/4/2024: Nguyên nhân khiến cụ bà mệt nhiều, sốt cao liên tục

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/4/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 25/4/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Nguyên nhân khiến cụ bà mệt nhiều, sốt cao liên tục

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận người bệnh L.T.Q (nữ, 71 tuổi, ở xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nhập viện với chẩn đoán: Sốt mò, hạ natri máu, suy giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ do ung thư tuyến giáp thể nhú, viêm gan theo dõi do thuốc.

Theo thông tin bệnh nhân cung cấp, bệnh nhân sinh sống ở vùng quê có nhiều cây cối rậm rạp, thường làm việc nhà nông ở khu vực bãi bồi. 7 ngày trước vào viện, bệnh nhân bỗng có dấu hiệu sốt cao liên tục kèm cơn rét run, nhiệt độ cao nhất là 39 độ C kèm đau đầu, đau mỏi toàn thân.

Bệnh nhân có dùng thuốc kháng sinh, hạ sốt tự mua ở quầy thuốc địa phương (không rõ thuốc) nhưng tình trạng bệnh không đỡ.  Do thấy cơ thể mệt, đau đầu nhiều nên bệnh nhân đã tới khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và được nhập viện vào khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị.

Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, cắt sốt, đỡ đau đầu đau người nốt loét đóng vảy tiết khô, hết nề đỏ. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bác sĩ CKII Bùi Thị Tuyết Mai - khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, tình trạng lúc vào người bệnh mệt nhiều, xuất hiện hội chứng nhiễm trùng, mất nước, sốt cao liên tục 38 - 39,5 độ C. Bệnh nhân xuất hiện nốt loét điển hình ở vùng cẳng tay trái gần nếp gấp khuỷu, kích thước khoảng 1cm, hình bầu dục, trung tâm có vảy đen, viền đỏ, nổi gờ trên bề mặt da, không đau, không ngứa.

Bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm cần thiết và được chẩn đoán xác định: sốt mò, hạ natri máu, suy giáp… Ngay sau đó, bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị sốt mò, bù nước điện giải, bảo vệ tế bào gan, bù hormone tuyến giáp cùng các triệu chứng kèm theo.

Theo bác sĩ Mai, người bệnh sốt mò thường có các triệu chứng: sốt cao liên tục và kéo dài, đau đầu nhiều, da xung huyết, xung huyết kết mạc mắt, có thể có vết loét và có viêm hạch.

Vết loét điển hình của sốt mò thường có hình bầu dục, kích thước từ: 0,5 – 2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch. Vết loét thường không đau, không ngứa và khu trú ở những vùng da mềm như: cổ, nách, ngực, bụng, bẹn… nên người bệnh cũng không biết đến.

Bệnh thường hay được chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh như cúm, sốt rét, sốt Dengue xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết, Leptospirose… Bệnh nhân cần được điều trị sớm và tích cực để tránh các biến chứng nguy hiểm như: viêm não – viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tắc động tĩnh mạch, trụy tim mạch, viêm phổi bội nhiễm, phù phổi, viêm thận, suy đa tạng,.. thậm chí tử vong.

Hiện tại, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, cắt sốt, đỡ đau đầu đau người nốt loét đóng vảy tiết khô, hết nề đỏ.

Cứu người đàn ông tràn dịch màng phổi với 2 lít dẫn lưu mỗi ngày

Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, ngày 24/4, TS.BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã điều trị thành công ca bệnh mà không cần can thiệp kỹ thuật cao hay phẫu thuật lại.

Trước đó, nam bệnh nhân 64 tuổi (ở Phú Yên) phẫu thuật cắt thực quản do ung thư, vài ngày sau xuất hiện tràn dịch dưỡng trấp màng phổi với dẫn lưu 2 lít dịch mỗi ngày. Bệnh nhân được điều trị nội khoa, dinh dưỡng, phục hồi chức năng... nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Bệnh viện tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa với phác đồ gồm tắt mạch bạch huyết qua can thiệp nội mạch, can thiệp dinh dưỡng chuyên biệt, nội khoa và phục hồi chức năng.

Tuy nhiên, phương pháp tắt mạch bạch huyết không thực hiện được do bất thường về giải phẫu học của ống ngực và sự thay đổi mạch bạch huyết sau phẫu thuật thực quản.

Người bệnh được điều trị bảo tồn bằng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, kháng sinh, phục hồi chức năng…, nếu không ổn sẽ xem xét điều trị bằng phẫu thuật.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại

Theo bác sĩ Tâm, trong khuyến cáo điều trị rò dưỡng trấp, chế độ dinh dưỡng qua tiêu hóa chuyên biệt giúp giảm dịch rò và góp phần lớn vào thành công của điều trị. Sau 1-2 ngày áp dụng phác đồ này cho bệnh nhân, dịch dẫn lưu màng phổi giảm từ 2 lít/ngày xuống còn 100ml/ngày.

Một tuần sau, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu mà không cần can thiệp bằng phẫu thuật. Để phác đồ hiệu quả, bác sĩ Tâm cho biết có 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là đủ năng lượng, đạm và làm giảm tiết dịch rò.

Thứ hai là chế độ ăn lỏng qua miệng không ảnh hưởng việc lành miệng nối (sau phẫu thuật cắt thực quản) và chế độ dinh dưỡng qua hỗng tràng dễ tiêu hóa hấp thu.

Thứ ba là sự tuân thủ tuyệt đối của người bệnh, thân nhân bệnh nhân với chế độ điều trị dinh dưỡng này.

"Những ngày đầu do nhiều yếu tố khách quan nên chưa nhận được sự phối hợp tuyệt đối từ người nhà và bệnh nhân, tỷ lệ rò dịch có giảm nhưng không đáng kể", bác sĩ Tâm nói.

Bác sĩ Tâm cho biết thêm, với bệnh nhân trải qua phẫu thuật lớn, thời gian nằm viện trong 3 tuần nhưng chỉ giảm 2kg, tình trạng dinh dưỡng gần như ổn định là kết quả đáng mừng.

"Chỉ bằng chế độ ăn qua miệng, ống thông ruột non không quá 150.000 đồng/ngày đem đến hiệu quả điều trị tích cực cho bệnh nhân. Nếu can thiệp bằng kỹ thuật cao hay phẫu thuật thì ngoài gánh nặng chi phí y tế, người bệnh phải đối diện với các rủi ro khác", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Bệnh nhân 74 tuổi bị sốc nhiễm trùng nhiễm trùng do hoại tử ruột

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin,  Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa cứu sống bệnh nhân N.V.Đ (74 tuổi, trú tại Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Nội) bị sốc nhiễm trùng nhiễm trùng do hoại tử ruột.

Theo người nhà kể lại, bệnh nhân có tiền sử suy tim, tăng huyết áp, đột quỵ não 2 lần di chứng nằm một chỗ. 3 ngày trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn nhiều, bí trung đại tiện.

Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện của sốc nặng, lơ mơ, da vân tím, mạch nhanh, huyết áp tụt, kèm với triệu chứng của viêm phúc mạc, bụng chướng nhiều, ấn đau khắp bụng, phản ứng thành bụng rõ.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh nặng nên quy trình báo động đỏ nội viện đã được kích hoạt.

TS.BS Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc bệnh viện đã trực tiếp chỉ đạo kíp trực các bác sĩ khoa Cấp cứu ngoại, khoa Ngoại tiêu hóa, khoa Gây mê Hồi sức thực hiện hồi sức cho bệnh nhân bằng đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, bù dịch, duy trì thuốc vận mạch, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, điện giải, kháng sinh tích cực, đồng thời chuyển mổ cấp cứu.

Bệnh nhân dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ. Các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng các quai ruột non giãn to, 1 đoạn ruột non dài 50 cm hoại tử do tắc mạch mạc treo. Các bác sĩ tiến hành cắt đoạn ruột non, phục hồi lưu thông ruột.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển phòng Hồi sức Ngoại, khoa Gây mê hồi sức. Sau đó, bệnh nhân bị sốt cao, phải thở máy, dùng thuốc vận mạch liều cao để duy trì huyết áp.

TS.BS Nguyễn Thành Vinh đã chỉ đạo lọc máu cấp cứu bệnh nhân. Sau 3 ngày, tình trạng sốc nhiễm khuẩn của bệnh nhân đã được cải thiện, bệnh nhân cắt được thuốc vận mạch, rút ống nội khí quản. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực kháng sinh, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, tập phục hồi chức năng.

Hiện tại, ngày thứ 12 sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, thở khí phòng, ăn uống tốt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Tin nổi bật