Đau lưng kéo dài, phát hiện khối u tủy ngực chèn ép tủy sống
Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, bị đau lưng kéo dài, dù đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi, bà N.T.Đ (SN 1962, trú tại Vĩnh Phúc) liên tục bị hành hạ bởi những cơn đau không rõ nguyên nhân.
Bệnh nhân nhập viện tại khoa Ngoại yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau cột sống ngực, chân trái yếu, đau nhức, hạn chế đi lại. Kết quả thăm khám và chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân có khối u tủy ngực ngang mức T11 – L1 kích thước 1x2cm chèn ép tủy sống.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vi phẫu lấy khối u tủy giải phóng chèn ép. Ca phẫu thuật được tiến hành thuận lợi dưới kính vi phẫu và sự hỗ trợ của máy C-arm (thiết bị sử dụng công nghệ tia X giúp định vị chính xác vị trí giải phẫu trên cơ thể), ekip đã lấy hoàn toàn được khối u một cách dễ dàng.
Ảnh phim chụp trước khi và sau khi phẫu thuật lấy u tủy. Ảnh: Gia Đình Việt Nam
Khối u đã được gửi làm sinh thiết, kết quả là khối u lành tính (u bao rễ thần kinh). Sau phẫu thuật 4 ngày, bệnh nhân đã có thể tập đi trở lại, và sau 8 ngày điều trị đã được ra xuất viện.
TS.BS Vi Trường Sơn – Trưởng khoa Ngoại yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, u tủy ngực là khối u có triệu chứng khởi phát khá kín đáo, tiến triển chậm, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thoái hóa thường gặp như đau lưng, tê bì chân… nhất là ở giai đoạn đầu.
Khi bệnh tiến triển có thể gây đau, rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, phản xạ… Đối với trường hợp bệnh nhân trên, phẫu thuật vi phẫu là phương pháp tối ưu nhất để lấy bỏ toàn bộ khối u và hạn chế đến mức thấp nhất làm tổn thương tuỷ và rễ thần kinh vì vùng này ống sống chật.
Cấp cứu hai ông cháu bị ngộ độc nấm
VietNamNet đưa tin, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa cấp cứu cho bệnh nhi 7 tuổi và ông nội (trú tại TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) cùng bị ngộ độc nấm. Theo gia đình, bữa tối có canh nấm được hái từ vườn nhà, không rõ thuộc loài nào.
Sau ăn 2 giờ, bệnh nhi và ông nội cùng có biểu hiện nôn nhiều lần kèm theo đau bụng, mệt lả nên gia đình lập tức đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc nấm nên đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ giải độc của Bộ Y tế. Hiện, tình trạng sức khỏe của hai bệnh nhân này ổn định.
Tại Việt Nam, ngộ độc nấm thường xảy ra vào mùa xuân ở các tỉnh miền núi do người dân có thói quen hái nấm tự nhiên về ăn. Trên hệ thực vật có khoảng 10.000 loại nấm, trong đó gần 100 loại gây ngộ độc nặng.
Độc tố nằm trong toàn bộ cây như mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm. Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng, môi trường đất đai, khí hậu. Ngộ độc nấm gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, phức tạp và khó tiên lượng. Ngộ độc nấm có biểu hiện từ 2-4 giờ sau ăn, một số loại ngộ độc chậm từ 20-24 giờ.
Dấu hiệu ngộ độc nấm người bệnh có thể gặp phải gặp gồm: Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, dính máu; Buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu, hoa mắt, chóng mặt; Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; Co giật, tăng tiết đờm rãi, bí tiểu, khó thở, co thắt phế quản.
Một trường học ở Đắk Lắk ghi nhận 11 trường hợp bị thủy đậu
Tạp chí Tri Thức cho biết, trong khoảng 2 tuần, một lớp học ở một trường THCS tại huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh thủy đậu.
Cụ thể, theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trường hợp đầu tiên được phát hiện mắc bệnh thủy đậu vào ngày 1/4, bệnh nhân là cháu G.B (14 tuổi, học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ). Ban đầu, cháu phát hiện bị sốt, nổi mụn nước khắp người, gia đình đã tự mua thuốc điều trị tại nhà.
Trước đó, cháu có đi học và tiếp xúc với các bạn trong lớp. Khi biết cháu bị thủy đậu, gia đình đã cho cháu nghỉ học và cách ly tại nhà. Gia đình chia sẻ thêm hiện tình trạng cháu đã ổn định.
Từ ngày 15/4, trong trường có thêm một số trường hợp học sinh xuất hiện các triệu chứng sốt, nổi ban toàn thân và đã nghỉ học cách ly tại nhà. Hầu hết, các học sinh này đều học chung với cháu G.B. Tính đến 19/4, tổng số ca mắc thủy đậu là 11 trường hợp.
Người mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 -10 ngày, từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Ảnh minh họa: Shutterstock
Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch thủy đậu tại trường học, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn đã báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế, tiến hành điều tra, giám sát ổ dịch, hướng dẫn trường THCS Nguyễn Trường Tộ tiến hành vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường và lớp học bằng dung dịch Cloramin B 0,5%.
Sở Y tế cũng tiến hành tư vấn, hướng dẫn phụ huynh, nhà trường các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu như:
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.