Bé 5 tuổi bị chó cắn khi sang nhà bác chơi
VTV đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) vừa tiếp nhận bệnh nhi (5 tuổi, ở Tuyên Quang) trong tình trạng hoảng hốt, vùng mặt tổn thương có nhiều vết rách.
Trước đó, bệnh nhi có sang nhà bác họ chơi thì bị chó cắn. Ngay sau đó, gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng thăm khám và xử lý vết thương vùng mặt.
Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ sơ cứu, rửa vết thương, truyền dịch, tiêm huyết thanh kháng dại và uốn ván để đảm bảo an toàn. Hiện, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, người nhà xin ra viện và tiếp tục theo dõi tại nhà.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ liên tiếp ghi nhận các trường hợp trẻ nhỏ bị chó tấn công gây đa chấn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Người nuôi chó, mèo cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Ảnh minh họa: Shutterstock
Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, bác sĩ Nguyễn Thị Phượng Nga - khoa Khám bệnh khuyến cáo người dân nên chú ý khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh hay bảo mẫu cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó làm sạch vết thương bằng các loại thuốc sát trùng như cồn, oxy già. Trường hợp vết thương chảy máu, dùng gạc y tế vô khuẩn đắp lên vết thương, băng ép và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, tự chữa bằng các mẹo dân gian…
Cấp cứu người phụ nữ bị thanh sắt đâm xuyên từ hông ra sau mông
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á-Tây Ninh cho hay vừa cấp cứu kịp thời cho một người phụ nữ 45 tuổi bị tai nạn thanh sắt to dài đâm xuyên qua mông.
Cụ thể, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, trên người còn dính thanh sắt dài 80cm đâm xuyên từ vùng hông ra sau mông bên trái. Tai nạn lao động bất ngờ xảy đến khi người phụ nữ này đang làm việc tại công trường xây dựng.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cấp cứu và trong vòng 1 tiếng đã rút được dị vật sắt nhọn dài 80cm, đường kính 2cm ra khỏi cơ thể nạn nhân an toàn. Các mảnh rỉ sắt, dị vật được lấy bỏ toàn bộ, cắt lọc sạch sẽ các tổ chức đụng dập.
Bác sĩ CKI Triệu Quốc Ngọc - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á-Tây Ninh chia sẻ, liên tục trước đó bệnh viện cũng cấp cứu nhiều trường hợp bị dị vật đâm xuyên thấu cơ thể do tại nạn lao động, tai nạn sinh hoạt… từ nhẹ đến nặng.
"Đối với các trường hợp tai nạn dị vật đâm xuyên thấu, người xung quanh cần bĩnh tĩnh sơ cứu đúng cách. Cẩn thẩn cố định dị vật, tuyệt đối không được tự ý rút bỏ các dị vật vì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nạn nhân và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất", bác sĩ Ngọc khuyến cáo.
Cứu bé trai ngừng tim, ngừng thở sau khi ngã xuống hồ cá Koi
VTC News đưa tin bé trai H.T (2 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện hôm 22/4. Trước đó, trong lúc mẹ bận làm việc, bé T. chạy sang nhà hàng xóm chơi và không may ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2m, không có rào chắn xung quanh.
Theo camera ghi nhận sự việc, sau khoảng 8 phút ngã xuống bể cá, bé mới được phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, bé được các nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà sơ cứu tại chỗ.
Sau 10 phút, trẻ có tim trở lại, được đưa đến bệnh viện huyện cách đó 5km. Lúc này, trẻ có nhịp tim, nhịp thở nhưng không tỉnh, lơ mơ. Các bác sĩ đặt nội khí quản kiểm soát đường hô hấp, chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn.
Bệnh nhi H.T đang được các bác sĩ điều trị tích cực. Ảnh: VTC News
Cùng thời điểm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hai trường hợp khác là N.K (nữ, 12 tuổi, ở Hà Nội) và bé A.T (nam, 11 tuổi, ở Mộc Châu) cũng bị đuối nước do tắm ở ao, suối với bạn bè.
Trẻ được mọi người xung quanh đưa lên bờ trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở và được cấp cứu ngừng tuần hoàn. Cả hai trẻ đều được người dân dốc ngược và chạy khoảng 2 vòng nhỏ theo thói quen dân gian.
Sau 15 phút cấp cứu ngừng tim ngừng thở, trẻ có tim và nhịp thở trở lại, được đưa vào viện địa phương xử trí ban đầu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, vẫn trong tình trạng đồng tử giãn, hôn mê sâu.
ThS.BS Lê Nhật Cường - khoa Điều trị tích cực Nội khoa Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bệnh nhi đuối nước nhập viện thường trong 2 tình trạng chính là suy đa cơ quan do hậu quả sau ngừng tim hoặc tổn thương phổi nặng - hội chứng suy hô hấp cấp do tổn thương hít.
Cả 3 bệnh nhi trên được áp dụng các biện pháp hỗ trợ chức nặng đa tạng, lọc máu liên tục khi có suy thận, thở máy, sử dụng các thuốc trợ tim, hạ thận nhiệt bảo vệ não.
"Tùy vào bệnh cảnh lâm sàng của mỗi bệnh nhi mà các biện pháp được áp dụng linh hoạt", bác sĩ Cường nói và cho biết thêm, sau 3 ngày, bệnh nhi N.K và A.T tỉnh, tự thở và có thể ra viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, trẻ cần phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra.
Riêng trường hợp bé H.T, do tiên lượng nặng nên hiện tại, trẻ vẫn đang trong giai đoạn hạ nhiệt độ bảo vệ não, cần được theo dõi chặt chẽ, kiểm soát chức năng cơ quan và sẽ có kế hoạch đánh giá mức độ tỉnh, chức năng thần kinh toàn diện khi trẻ qua giai đoạn nặng.