Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 23/7/2024: Hãi hùng cảnh giun dài 30cm di chuyển dưới da

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/7/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 23/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hãi hùng cảnh giun dài 30cm di chuyển dưới da

Theo TTXVN, chiều 22/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân T.Đ.T (21 tuổi, ở Yên Bái) mắc giun rồng và nhiều loại ký sinh trùng do ăn gỏi cá.

Trước đó, khi thất có biểu hiện ngứa khắp người, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thăm khám trong tình trạng: Sốt, chóng mặt, nôn, ngứa nhiều, tê cứng, mẩn đỏ và phát ban ở da.

Dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng đều có hình ảnh giun sán, ký sinh trùng di chuyển. Anh T. được nhập viện theo dõi với chẩn đoán: Nghi nhiễm giun sán, ký sinh trùng (nghi do giun rồng).Bệnh nhân cho biết, trước đây anh có ăn gỏi cá, sau đó có biểu hiện ngứa nhiều khắp người, nhất là vùng mông. Anh gãi đến trầy xước da, đến nỗi vùng gãi gây áp xe mủ.

“Bản thân tôi cũng biết mình bị nhiễm giun sán khi nhìn thấy giun nổi ở mặt, tay, bụng, lưng, chân ngứa tại chỗ gây loét, có mủ khi vỡ tiết ra dịch vàng làm cho cuộc sống thường ngày gặp nhiều bất tiện”, bệnh nhân nói.

Hình ảnh giun rồng bò dưới da tay nam thanh niên. Ảnh: Hà Nội Mới

Tiếp nhận người bệnh, bác sĩ Lê Văn Thiệu nhận định, bệnh nhân có nhiều tổn thương ban đỏ rải rác toàn thân dạng nấm hắc lào gây nên. Đặc biệt, vùng da mặt, dưới cánh tay và dưới đùi 2 bên có hình ảnh ký sinh trùng di chuyển dưới da, trong đó vùng đùi 2 bên tạo ổ áp xe đã vỡ, vùng dưới cẳng tay có biểu hiện viêm mủ, lộ đầu giun.

Sau khi hội chẩn với bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp Tiết niệu và Nam học, bệnh nhân đã được xử lý và lấy được bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30cm. Sau đó, anh được chuyển lại khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu cho biết thêm, bệnh phẩm giun sau đó đã được chuyển lên khoa Vi sinh và Sinh học phân tử để định danh đã nghi ngờ giun tròn, kết hợp với lâm sàng, bệnh nhân được xác định nhiễm Dracunculus sp (giun rồng).Ngoài ra, bệnh nhân đã được làm huyết thanh chẩn đoán các loại giun sán, ký sinh trùng khác và dương tính với khá nhiều loại giun sán khác như sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo.

“Hiện tại, bệnh nhân được theo dõi các tổn thương ở các vị trí trên cơ thể. Khi tổn thương vỡ, có thể giun sẽ chui ra, nhân viên y tế hoặc người nhà có thể lấy dụng cụ từ từ lôi giun ra. Việc lấy giun ra có thể lấy luôn ra được hoặc có thể mất vài ngày. Tránh không làm đứt giun và không rạch dọc, rạch rộng theo chiều dài của giun để lấy giun ra”, bác sĩ Thiệu cho biết.

Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh, cách điều trị duy nhất hiện nay là lấy giun rồng ra hoặc giun sẽ tự chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ chảy nước vàng trên da. Nếu giun không tự chui ra hoặc không được lôi ra, nó có thể gây áp xe tại chỗ trú trên cơ thể người.

“Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị bệnh giun rồng mà chỉ có thể điều trị theo triệu chứng. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm được những biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Thiệu khuyến cáo.

Cấp cứu bé trai bị viêm hạch bạch huyết cấp tính

VietNamNet đưa tin, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), vừa cấp cứu một bé trai 6 tuổi bị viêm hạch bạch huyết cấp tính.

Theo gia đình, bé rất hay ốm nên bố mẹ thường tự mua thuốc về cho con uống. Các loại thuốc bao gồm kháng sinh và một loại thuốc chống viêm.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng vùng da toàn thân mọc nhiều lông, rậm rạp. Các bác sĩ nghi trẻ sử dụng sản phẩm có chứa corticoid trong thời gian dài.

Vùng lưng của bệnh nhi rậm lông. Ảnh: VietNamNet

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang - khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, cho biết corticoid là một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau.

Thuốc giúp cắt sốt nhanh, giảm viêm nhanh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc không đúng cách sẽ gây tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe người dùng như gây viêm dạ dày, xuất huyết tiêu hóa.

Đối với hệ thần kinh, việc dùng thuốc ở liều cao gây hưng phấn, ảo giác, rối loạn giấc ngủ, mê sảng. Thành phần corticoid còn gây ức chế miễn dịch, nhiễm trùng cơ hội.

Lạm dụng corticoid còn khiến da mỏng, bầm tím, lông rậm, chậm phát triển xương, gây thấp còi ở trẻ, xương dễ gãy, gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, suy tuyến thượng thận.

Bác sĩ Huyền Trang khuyến cáo khi trẻ ốm, cha mẹ nên cho con đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để tránh việc lạm dụng thuốc corticoid, đồng thời cần cân nhắc trước khi sử dụng loại thuốc này. Trong trường hợp được kê đơn, trẻ phải dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Người phụ nữ mang khối u nang thận nặng gần 6kg

Báo Tin Tức đưa tin ngày 22/7. Ths.Bs CKII Phạm Thanh Trúc - khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, qua chụp cắt lớp vi tính ghi nhận thận trái của nữ bệnh nhân N. T. T. (40 tuổi, ngụ Long An) có một khối nang rất lớn, choán gần như toàn bộ khoang bụng. Đây là nguyên nhân khiến bụng của chị T. lớn lên kèm đau tức, khó chịu.

Theo chia sẻ của chị T., do chướng bụng nên chị đã đến bệnh viện khám và phát hiện thận có một khối u nang cỡ 20cm. Bác sĩ chỉ định chị mổ nội soi cắt u nhưng chị đã từ chối vì sợ “đụng chạm dao kéo”.

Thay vào đó, chị tự điều trị tại nhà bằng thuốc nam và uống đều đặn 2 lần/ngày. Sau khoảng một năm uống thuốc nam, chị thấy khối u không giảm mà còn lớn hơn khiến chị đau tức khó chịu nên đã lên TP.HCM để điều trị.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho nữ bệnh nhân. Ảnh: Báo Tin Tức

Bác sĩ Trúc cho biết, hiện chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh thuốc nam có tác dụng thu nhỏ khối u thận. Người bệnh cần được phẫu thuật cắt u và lấy ra ngoài. Đối với trường hợp của bệnh nhân T., do kích thước khối u quá lớn nên không thể mổ nội soi mà cần mổ mở.

Sau một giờ phẫu thuật, khối u và một phần dưới thận của bệnh nhân T. được cắt thành công. Khối u có dạng hình elip với đường kính trên 30 cm, nặng gần 6kg; bên trong khối u chứa đầy dịch nhầy, mô đặc.

“Khối u to khiến các bác sĩ phải dùng cả hai tay mới có thể nhấc toàn bộ khối u ra khỏi bụng của người bệnh. Khối u của bệnh nhân đã dính vào phần cực phía dưới thận, các mạch máu nuôi u lớn nên trong quá trình phẫu thuật không thể tránh khỏi tổn thương nhu mô thận, gây chảy máu nhiều. Do đó, các bác sĩ đã phải lên kế hoạch truyền máu cho bệnh nhân nếu cần trong lúc mổ”, bác sĩ Thanh Trúc nói.

Tin nổi bật