Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 20/7/2024: Dị vật bị quên 5 năm trong cơ thể người phụ nữ

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 20/7/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 20/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Dị vật bị quên 5 năm trong cơ thể người phụ nữ

Báo Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP.Cần Thơ) cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật kịp thời lấy dị vật bỏ quên 5 năm trong cơ thể người phụ nữ. Cụ thể, bệnh nhân là bà L.N.H (61 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), nhập viện trong tình trạng sốt, đau tức hông lưng phải, tiểu gắt buốt, tiểu ra mủ.

Bệnh nhân có tiền sử mổ sỏi tiết niệu tại một cơ sở y tế địa phương, có đặt ống thông niệu quản - bàng quang trong niệu quản phải (ống nhựa dẻo được đặt nhằm giúp nước tiểu chảy từ thận vào bàng quang sau mổ). Tuy nhiên, khi bệnh nhân xuất viện không tái khám theo lời dặn của bác sĩ, kéo dài cho tới 5 năm khi các triệu chứng xuất hiện mới đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thăm khám.

Sỏi và ống thông được lấy ra. Ảnh: Lao Động

Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân quên ống thông niệu quản - bàng quang nhiều năm gây biến chứng. Ống thông niệu quản - bàng quang đã đứt ra làm hai đoạn, đầu trên sỏi bám đầy trong thận, gây mủ thận, đầu dưới sỏi to bám và nằm trong bàng quang.

Ngoài ra, bệnh nhân có thiếu máu mạn, nhiễm trùng huyết từ đường tiết niệu, mủ thận, đe dọa tính mạng. Các bác sĩ hội chẩn điều trị hồi sức cho người bệnh, truyền kháng sinh phối hợp, bù máu theo phác đồ, nâng đỡ tổng trạng.

Sau 3 ngày hồi sức, bệnh nhân được lên lịch mổ theo 2 giai đoạn, đầu tiên là nội soi bàng quang lấy dị vật đầu dưới ống thông JJ và bóp sỏi; sau đó mổ hở lấy dị vật đầu trên ống thông niệu quản - bàng quang kết hợp lấy sỏi thận.

Trải qua 1 giờ, ca mổ phức tạp đã thành công tốt đẹp, dị vật là ống thông niệu quản - bàng quang và sỏi đã được lấy hết. Sau mổ, bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe, hết sốt, tiểu không còn đau buốt, ăn uống khá và được xuất viện sau một tuần điều trị.

Bác sĩ CKI Phạm Thành Khoái - Khoa Thận - Tiết niệu Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long - cho biết, đây là ca phẫu thuật đặc biệt do đã 5 năm, rất nhiều sỏi bám quanh ống thông niệu quản - bàng quang nên việc rút ống một cách mạnh bạo có thể gây rách, thậm chí đứt niệu quản.

Qua đây, bác sĩ Khoái khuyến cáo, những người bệnh khi được điều trị ở bệnh viện cần chú ý tuân thủ lời dặn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, đặc biệt đối với những bệnh nhân còn ống thông niệu quản - bàng quang sau mổ sỏi tiết niệu, cần phải lấy ra theo đúng lịch hẹn, tránh biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Ca phẫu thuật chấm dứt 7 năm run rẩy cho bệnh nhân Parkinson

Theo thông tin trên VietNamnet, những triệu chứng lạ xuất hiện với bà N.T.H.Y (60 tuổi, quê Quảng Ninh) 7 năm trước. Nữ bệnh nhân được chẩn đoán Parkinson. Căn bệnh ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, hơn hết là tâm lý chán nản, tự ti, tách biệt với mọi người xung quanh. Bà Y. phải sống phụ thuộc vào thuốc.

TS.BS Trần Đình Văn - khoa Phẫu thuật Thần kinh I Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu mà không cần gây mê. Việc này giúp người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ để có thể kiểm tra các triệu chứng vận động và hiệu quả của điều trị trong mổ.

Vì tính chất đặc biệt của ca mổ, trước khi lên bàn phẫu thuật, bệnh nhân đã được tư vấn kỹ, hướng dẫn các diễn biến trong mổ để có thể hợp tác tốt nhất với ekip phẫu thuật.

"Sự tỉnh táo cao nhất của bệnh nhân sẽ góp phần vào thành công cuộc mổ", bác sĩ Văn cho biết. Đặc biệt, ca phẫu thuật này còn ứng dụng hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ trong việc xác định chính xác tọa độ đạt điện cực.

Bệnh nhân cũng được sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất trong mổ như: Hệ thống máy định sinh lý thần kinh phát hiện sóng hoạt động của các nhân xám trung ương, khung định vị chính xác tọa độ…

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật. Ảnh: VietNamNet

Theo dõi kết quả sau phẫu thuật, nữ bệnh nhân có những thay đổi tích cực trong việc kiểm soát các triệu chứng như: Run tay chân, cải thiện tốc độ, độ chính xác các chuyển động của cơ thể, tinh thần lạc quan hơn.

Bác sĩ Văn khuyến cáo sau phẫu thuật, người bệnh Parkinson cần tuân thủ phác đồ điều trị để theo dõi, đánh giá tình trạng, đảm bảo hiệu quả tối ưu. Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, thực hiện các biện pháp tập luyện thể dục thể thao, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt, chất lượng cuộc sống.

6 người ở Đắk Nông nhập viện sau khi ăn nấm lạ

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin ngày 19/7, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) cho biết đang tích cực điều trị cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn nấm lạ.

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp, lúc 9h50 ngày 18/7, đã tiếp nhận 6 người đều trú tại bon Bù Bir (xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp) trong tình trạng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy... nghi do ngộ độc thực phẩm.

Các bệnh nhân cho biết chiều 17/7, trong lúc làm rẫy đã phát hiện nhiều nấm lạ mọc trong rẫy nên hái về chế biến thức ăn tối. Tuy nhiên, sau bữa ăn tối, cả 6 người ăn món nấm đều có chung tình trạng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói...

Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp đang tích cực điều trị cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn nấm lạ. Ảnh minh họa: Sài Gòn Giải Phóng

Qua kiểm tra, thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán 6 bệnh nhân trên có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm do ăn nhầm nấm có độc. Sau khi xác định được nguyên nhân bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu chống độc đã đưa ra phác đồ điều trị. Hiện tại, sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định.

Tin nổi bật