Đau quặn bụng không rõ nguyên nhân, đi khám phát hiện điều hãi hùng
Theo TTXVN, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho hay, đơn vị vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân có dị vật, được xác định là con lươn dài 30cm trong ổ bụng.
Cụ thể, lúc 18h20 ngày 20/3, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà tiếp nhận nam bệnh nhân D.V.T (34 tuổi, quê quán Lộc Bình, Lạng Sơn, hiện đang lao động tại địa phương) nhập viện trong tình trạng đau quặn bụng không rõ nguyên nhân. Qua siêu âm, chụp X-quang phát hiện hình ảnh dị vật là con lươn (đã chết) trong ống tiêu hóa, gây thủng ruột, có biến chứng viêm phúc mạc ruột.
Sau hội chẩn, kíp trực bệnh viện đã chỉ định mổ lấy dị vật, cắt đoạn đại trực tràng hoại tử, làm hậu môn nhân tạo. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hải Hà chia sẻ: “Đây là ca bệnh hy hữu, vị trí trực tràng nhiều dịch phân dễ nhiễm khuẩn, song đã được thực hiện an toàn".
Dị vật là con lươn (đã chết) được gắp ra. Ảnh: TTXVN
Sau ca mổ, người bệnh đã tỉnh táo, đỡ đau bụng, đang tiếp tục được điều trị, chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà. Người bệnh không cho biết nguyên nhân con lươn đi vào ổ bụng.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân nên cẩn thận trong sinh hoạt để không xảy ra những tình huống tương tự, gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Mắc dị vật đường tiêu hóa được xem là tình trạng cấp cứu thường gặp trên lâm sàng. Những tình trạng dị vật đường tiêu hóa vào bên trong có thể là hóc xương cá, đồ ăn…
Những tai nạn sinh hoạt hi hữu như vậy có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nếu không được khám và phát hiện sớm thì tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng người bệnh.
Phẫu thuật cắt bướu giáp “khổng lồ” cho người phụ nữ
VOV đưa tin, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện Đà Nẵng vừa phẫu thuật thành công ca bướu giáp "khổng lồ" thòng xuống trung thất qua đường cổ của nữ bệnh nhân H.H.K (50 tuổi, trú tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Người bệnh phát hiện bướu giáp cách đây 10 năm, khi đi khám tại nhiều nơi, các bác sĩ khuyên chỉ theo dõi không can thiệp. Người bệnh nghe thông tin u lành nên chủ quan, không theo dõi.
Khoảng một năm trở lại đây, bệnh nhân nuốt vướng, đau tức ngực, cảm giác khó thở, nhất là khi nằm nên đi khám và được bác sĩ cho chỉ định chụp X-quang ngực, chẩn đoán theo dõi u trung thất và nhập khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị.
Qua chụp phim X-quang, ngực bệnh nhân có khối u vùng trung thất trên chèn ép khí quản ngực. Người bệnh có khối bướu giáp thùy phải lớn thòng xuống trung thất, kích thước 5x15 cm, phần dưới khối u nằm ở vùng trung thất sau chạm đến động mạch chủ của bệnh nhân. Nữ bệnh nhân được chỉ định mổ cắt thùy phải tuyến giáp có khối u này.
Bệnh nhân được xuất viện sau phẫu thuật 5 ngày. Ảnh: VOV
Ca phẫu thuật kéo dài 2,5 giờ, tương đối khó khăn do khối u lớn, lâu ngày dính vào các tổ chức lân cận. Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực đã đưa khối u ra khỏi lồng ngực bệnh nhân qua đường mổ ở cổ mà không cần cưa xương ức.
Đồng thời, bảo tồn được dây thần kinh chi phối giọng nói, tuyến cận giáp, ngăn ngừa tình trạng chảy máu trong và sau mổt. Bệnh nhân hiện ổn định, giọng nói rõ và đã xuất viện sau phẫu thuật 5 ngày.
Theo bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ - Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp phẫu thuật bệnh nhân, với những trường hợp bướu giáp thòng trung thất có kích thước lớn nằm sâu trong lồng ngực, đôi khi phải sử dụng đường mổ cưa xương ức hoặc nội soi lồng ngực hỗ trợ, kết hợp đường mở ngang cổ mới có thể giải quyết được tình trạng bệnh.
Do tính chất khó khăn, phức tạp của bướu nên nguy cơ chảy máu trong mổ, tổn thương dây thần kinh chi phối giọng nói ở người bệnh bướu giáp thòng rất cao. Do đó, bệnh nhân cần đến chuyên khoa phẫu thuật tuyến giáp để chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để bướu giáp lớn, sâu vào trong lồng ngực sẽ gây những biến chứng như chèn ép khí quản, thực quản, mạch máu thần kinh, ung thư hóa.
Bên cạnh đó, hạn chế được các nguy cơ trong và sau phẫu thuật như phải chẻ xương ức mới có thể lấy được bướu, chảy máu trong và sau mổ, tổn thương dây thần kinh chi phối cho giọng nói và hạ canxi máu do tổn thương tuyến cận giáp.
Người phụ nữ bị tắc ruột do sỏi mật rơi sang tá tràng
Theo thông tin trên báo Giáo Dục và Thời Đại, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân P.M.H (66 tuổi) được chẩn đoán có tình trạng tắc ruột, nghi ngờ do sỏi rơi từ túi mật xuống lòng ruột non.
“Đây là tình trạng rất hiếm gặp và đặc biệt, ở Việt Nam chỉ ghi nhận rất ít trường hợp tương tự. Biểu hiện của bệnh nhân là tắc ruột nhưng nguyên nhân là rò từ túi mật sang tá tràng, lỗ thủng lớn khiến viên sỏi 3cm rơi xuống làm tắc ruột non”, bác sĩ CKI Đỗ Văn Tọa - Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh chia sẻ.
Sau khi hội chẩn, ekip bác sĩ đơn nguyên phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viên Đa khoa Hồng Ngọc đã lựa chọn xử lý cấp cứu tình trạng tắc ruột của bệnh nhân thông qua mổ nội soi thăm dò, kết hợp mở nhỏ lấy sỏi.
Hơn 30 phút can thiệp, ekip đã thành công lấy viên sỏi kích thước 3 cm ra khỏi ổ bụng, làm sạch và tháo dịch trong ruột non, tái lập lưu thông hệ tiêu hóa. Theo dõi sau mổ, người bệnh hồi phục tốt, có thể đi lại, ăn uống bình thường.
Ekip bác sĩ thành công lấy viên sỏi kích thước 3 cm ra khỏi ổ bụng bệnh nhân. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Theo bác sĩ Tọa, để giải quyết triệt để nguyên nhân rò túi mật sang tá tràng, loại bỏ nguy cơ bệnh tiến triển thành nhiễm trùng đường mật ngược dòng, viêm túi mật mạn chuyển thành ung thư túi mật, người bệnh cần thực hiện thêm một lần can thiệp cắt túi mật, khâu rò lỗ tá tràng sau khi ổn định sức khỏe.
“Đây là hậu quả của việc bệnh nhân có sỏi túi mật từ lâu, từ hơn 10 năm trước nhưng không được điều trị một cách đúng đắn, dẫn đến túi mật viêm mãn tính gây thâm nhiễm vào tá tràng. Do đó, bệnh nhân cần phải được can thiệp 2 lần”, bác sĩ Tọa nói.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Tọa, sỏi túi mật thường diễn tiến âm thầm và ít triệu chứng nên bệnh nhân thường chủ quan, để đến khi có biểu hiện thì bệnh đã nặng, thậm chí biến chứng nguy hiểm và quá trình điều trị sẽ tương đối phức tạp. Vì thế, tất cả bệnh nhân có bệnh lý về túi mật, đặc biệt sỏi túi mật cần thăm khám định kỳ để được theo dõi và điều trị đúng đắn.
Đinh Kim (T/h)