Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 21/3: Người đàn ông bẩm sinh chỉ có một quả thận độc nhất

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/3/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 21/3/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông bẩm sinh chỉ có một quả thận độc nhất

Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật bảo tồn cho một ca bệnh hy hữu duy nhất có một quả thận. Cụ thể, bệnh nhân là ông B.X.B (51 tuổi, ở Bến Tre), bẩm sinh chỉ một quả thận độc nhất nhưng giờ lại bị mọc thêm bướu (kích thước 20 mm x 20 mm) trên bộ phận này.

Do là ca bệnh hy hữu, các bác sĩ đã phải cân nhắc, tính toán khá kỹ để sao cho vừa loại bỏ bướu vừa giữ lại chức năng bộ phận tối quan trọng này cho người đàn ông.

Ca phẫu thuật nội soi cắt bướu, bảo tồn thận được tiến hành. Sau 2,5 tiếng nỗ lực tập trung cao độ, các bác sĩ đã thực hiện thành công. Sức khỏe ông B. phục hồi nhanh sau mổ.

Sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh sau ca mổ. Ảnh: Người Lao Động

Theo TS.BS Phạm Phú Phát - Trưởng Khoa Niệu A Bệnh viện Bình Dân, tỷ lệ người có thận độc nhất khoảng 1/1000 và thường gặp ở nam hơn nữ. Thận độc nhất vẫn hoạt động 75% chức năng so với có hai thận.

"Những người này có thể sống trọn đời như người có thận đầy đủ, song khi có vấn đề như chấn thương, ung thư thì đối diện nguy cơ cao mất hoàn toàn chức năng thận", bác sĩ Phát nhấn mạnh.

Bình ga mini phát nổ, cả gia đình 5 người phải nhập viện

VietNamNet dẫn lời bác sĩ CKI Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, nơi đây đã tiếp nhận một bé gái bị bỏng nặng vì bình ga mini. Bệnh nhân là bé L.K.H.M (27 tháng tuổi).

Khai thác bệnh sử ghi nhận tai nạn xảy ra khi cả gia đình đang ngồi ăn cơm quanh bếp ga mini, đột nhiên bếp phát nổ khiến bé M. và cha mẹ, ông bà đều bị bỏng. Ông bà bị thương nhẹ hơn nên được điều trị tại bệnh viện địa phương. Trong khi đó, bé M. và cha mẹ bỏng nặng, được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi sơ cứu ở tuyến dưới.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ biểu hiện sốc với mạch nhẹ chi mát, huyết áp khó đo, diện tích bỏng khoảng 40% ở tay, chân, mặt, ngực bụng. Các bác sĩ truyền dịch chống sốc cho trẻ, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Bỏng - Chỉnh hình điều trị tiếp.

Nhân viên y tế đã chăm sóc vết bỏng bằng các dung dịch sát trùng không gây đau và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý.

Sau 10 ngày điều trị, tình trạng vết thương của bé M. cải thiện và lành dần. Bác sĩ Tiến cho hay, cha mẹ của bé M. đang hồi phục và tiếp tục được điều trị ở bệnh viện khác. 

Bác sĩ Tiến cảnh báo phụ huynh cần cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày để tránh các tai nạn đáng tiếc với trẻ nhỏ. Trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi hay lửa, cần đưa trẻ ra nơi an toàn, xối nước mát lên vết thương rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu.

Người nhà không được bôi kem đánh răng, nước mắm, dấm, mỡ trăn chưa qua xử lý, lá cây,… lên vết bỏng của trẻ, sẽ làm cho vết thương nặng hơn và nhiễm trùng. 

Dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc, người đàn ông hôn mê, tiên lượng nặng

Báo Kinh Tế & Đô Thị dẫn thông tin từ  Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 45 tuổi, đến từ Bắc Giang trong tình trạng suy gan nặng. 

Qua khai thác, bệnh nhân có tiền sử viêm gan B cách đây 10 năm. Cách đây 1 năm, bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng virus viêm gan B nhưng 3 tháng nay tự ý bỏ điều trị và chuyển sang uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Sau khi uống, bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, vàng da tăng dần, đi khám được bác sĩ chỉ định nhập viện.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Kinh Tế & Đô Thị

Trường hợp này được chẩn đoán suy gan cấp và bán cấp; ung thư mô liên kết Kaposi của hạch lympho; viêm gan virus B mạn; hôn mê, phải thở máy, nhưng tình trạng không cải thiện, tiên lượng nặng, gia đình xin về chăm sóc tại nhà.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trang suy gan và hôn mê gan rất nặng do tự ý bỏ thuốc kháng virus để dùng thuốc nam, thuốc bắc.

Bác sĩ khuyến cáo, đối với bệnh nhân viêm gan B, cần đi khám định kỳ để được điều trị theo phác đồ. Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc kháng virus, không được tự ý bỏ thuốc, dễ dẫn đến nguy hiểm. Đặc biệt, tuyệt đối không được dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng khi chưa có tư vấn của bác sĩ trong điều trị viêm gan B.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật