Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 11/6/2024: Bị rắn cắn, bé gái hôn mê, suy hô hấp nặng

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/6/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 11/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bị rắn cắn, bé gái hôn mê, suy hô hấp nặng

Báo Tin Tức đưa tin ngày 10/6, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận và cứu sống bệnh nhi 11 tuổi (ngụ Gò Công, Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng do bị rắn hổ đất cắn.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng kèm sưng bầm vùng cổ chân phải với dấu rắn cắn ở mắt cá trong.

Theo ghi nhận bệnh sử, buổi sáng bệnh nhi vào nhà bếp thì bị rắn cắn ở vùng cổ chân phải, người nhà nghi là rắn hổ đất. Khoảng một tiếng sau khi bị rắn cắn, người nhà đưa bệnh nhi đến thầy lang hút nọc rắn, bó chân.

Về nhà, bệnh nhi nôn ói nhiều, than mệt và tiếp xúc kém nên nhập Bệnh viện Sản nhi Hậu Giang trong tình trạng lơ mơ, thở mệt. Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi rắn hổ đất cắn, được xử trí cấp cứu thở oxy, tiêm kháng sinh, chăm sóc vết rắn cắn và chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1.

Vết thương rắn cắn ở vùng cổ chân phải của bệnh nhi tiến triển tốt. Ảnh: Báo Tin Tức

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, ngay lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, hội chẩn truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và chuyển khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị tiếp.

Tại đây, bệnh nhi được thở máy, tiêm kháng sinh, chăm sóc vết thương kiểm soát tình trạng nhiễm trùng sau nhiễm độc. Sau khoảng 10 giờ truyền huyết thanh kháng nọc, bé tỉnh, tự thở tốt và được cai máy thở.

Hiện tại, bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, ăn uống được, vết thương rắn cắn tiến triển tốt.

Nguyên nhân khiến cô gái bị rét run, sốt cao, ý thức lơ mơ

Theo tạp chí Tri Thức, bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân là N.T.A. (21 tuổi, trú tại Nghi Sơn, Thanh Hóa).

Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế này trong tình trạng rét run, kèm theo sốt cao, đau đầu, buồn nôn và có ý thức lơ mơ, gọi hỏi không trả lời. Kết quả chọc dịch não tủy cho thấy bệnh nhân dương tính virus viêm não Nhật Bản (JEV IgM (+)).

Theo bác sĩ Thiệu, viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em. Người trưởng thành ít khi mắc căn bệnh này do thường đã có miễn dịch từ vaccine hoặc do từng mắc bệnh triệu chứng nhẹ trong quá khứ.

"Viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm khi nguy cơ cao để lại các di chứng thần kinh nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thời gian ủ bệnh 5-14 ngày, trung bình khoảng một tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt của bệnh", bác sĩ Thiệu nói.

Sau giai đoạn ủ bệnh, virus viêm não Nhật Bản vượt qua hàng rào mạch máu - não và gây phù não với các triệu chứng khởi phát như: đột ngột sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn.

Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1-2 ngày đầu có thể gặp dấu hiệu như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng…

Với viêm não Nhật Bản, bệnh nhân cần được tập trung điều trị nội khoa trong 7-14 ngày đầu ngăn tình trạng chuyển nặng, tiên lượng bệnh nhân rất tốt. Sau 14 ngày, tiên lượng sẽ thấp hơn. Giai đoạn này thường bệnh đã để lại các di chứng về thần kinh.

Các bác sĩ chỉ điều trị di chứng và ngăn bệnh nặng hơn, khả năng cải thiện của bệnh nhân rất thấp.

Với trường hợp bệnh nhân A., sau gần 20 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thỉnh thoảng còn nói lẫn. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị thêm.

Bị sốt xuất huyết, người phụ nữ xuất hiện nhiều ổ áp xe trong phổi

Chiều 10/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận, điều trị cho nữ bệnh nhân 53 tuổi ở tại Đan Phượng (Hà Nội) với chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ 7, có tình trạng bội nhiễm, theo TTXVN.

Trước đó, bệnh nhân nhập cơ sở y tế gần nhà do sốt cao, đau đầu và đau mỏi người, được chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân không được cải thiện mà sốt cao hơn, có lúc lên đến 39 độ, tiểu cầu giảm và đau nhiều ở vùng thượng vị.

Ngày 29/5, bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám và điều trị. Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán là sốt xuất huyết ngày thứ 7, có tình trạng bội nhiễm. Chụp cắt lớp phổi cho thấy các đám đông đặc rải rác, có nhiều ổ áp xe trong phổi...

Kết quả cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu vàng kháng Meticillin (tụ cầu kháng thuốc). Sau thời gian điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã dần ổn định sức khỏe, không cần thở oxy và giảm sốt.

Sau thời gian điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân dần ổn định sức khỏe, không cần thở oxy và giảm sốt. Ảnh: VietnamPlus

Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu, trong quá trình mắc sốt xuất huyết, cơ thể bệnh nhân suy giảm sức đề kháng, bạch cầu giảm xuống thấp dễ dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt là nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cần chú ý đến các biến chứng tiềm ẩn sau ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6 của bệnh. Các biến chứng như thoát huyết tương, giảm tiểu cầu, hoặc xuất huyết đe dọa tính mạng có thể xảy ra. Vì vậy, bệnh nhân cần được khám và đánh giá, chẩn đoán sốt xuất huyết trong những ngày đầu, đặc biệt là theo dõi ngày thứ 4 và thứ 6.

Ths.Bs Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý, các bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue thể nặng có biểu hiện sốt trên 5 ngày có nguy cơ cao hơn bị đồng nhiễm khuẩn. “Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, nhiều chủng trong số này là tụ cầu kháng thuốc (kháng kháng sinh Meticillin) gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra các bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền nếu bị mắc sốt xuất huyết Dengue cần được chẩn đoán sớm để có có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời.

Người dân nếu có sốt cấp tính trong mùa dịch sốt xuất huyết Dengue nên đi khám và quản lý tại cơ sở y tế, không nên tự truyền dịch tại nhà, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn”, Ths.Bs Trần Văn Bắc khuyến cáo.

Tin nổi bật