Người phụ nữ vỡ trực tràng do thải độc bằng cách thụt tháo cà phê
VietNamNet đưa tin, khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), vừa điều trị phẫu thuật một trường hợp vỡ trực tràng do thải độc (detox) bằng phương pháp thụt tháo cà phê.
Bệnh nhân là chị Đ.T.P (38 tuổi), vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn dữ dội kèm đi ngoài ra máu sau khi sử dụng biện pháp thụt tháo thải độc bằng cà phê tại một phòng khám tư nhân. Trước đó, bệnh nhân đã sử dụng phương pháp này hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần.
Đến lần thứ ba, ngay trong quá trình thụt tháo, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn. Bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi ngờ vỡ trực tràng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương sau khi thải độc (detox) bằng phương pháp thụt tháo cà phê. Ảnh minh họa: VietNamNet
Bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm - khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy Bệnh viện Bạch Mai, cho biết quá trình phẫu thuật ghi nhận tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới gây áp xe khoang sau phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời dẫn lưu rộng rãi khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo đoạn đại tràng Sigma.
Sau 14 ngày, bệnh nhân xuất viện và đã ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, người bệnh sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa sau vài tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo.
Bé trai 7 tuổi bị tắn hổ mèo cắn vào ngón tay cái
Theo tờ Tri Thức Trực Tuyến, khi thấy rắn bò trong sân nhà, bé M.L. (7 tuổi, Bình Dương) cầm đuôi con vật lên và bị cắn vào ngón tay cái. Nghe bé kêu đau, người thân lập tức đưa bé đến trung tâm y tế gần nhà sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
ThS.BS Nguyễn Diệu Vinh - Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, cho biết bé L. may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời. Bước đầu, bệnh nhi không xuất hiện dấu hiệu rối loạn đông máu và yếu liệt. Sau 3 ngày nằm theo dõi tại bệnh viện, tình trạng bé ổn định và đã được cho ra viện.
Nọc rắn hổ mèo có khả năng gây ra tình trạng viêm mô tế bào, hoại tử mô, chèn ép khoang ở vùng cơ thể bị cắn, diễn tiến muộn sẽ dẫn đến nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân. Ảnh minh họa: AZ Animal
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng điều trị cho một bé trai 22 tháng tuổi bị rắn hổ mèo cắn. Tuy nhiên, vì được đưa đến bệnh viện muộn, bé rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, chèn ép khoang tại vị trí chân bị cắn.
Ngay khi vào viện, bé được đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu và chăm sóc vị trí vết thương. May mắn sau vài ngày điều trị, bé được cai máy thở, hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.
Theo ThS.BS Trần Thị Bích Kim - Phó khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng 2, hổ mèo là loài rắn độc thường gặp. Nọc loại rắn này có khả năng gây ra tình trạng viêm mô tế bào, hoại tử mô, chèn ép khoang ở vùng cơ thể bị cắn, diễn tiến muộn sẽ dẫn đến nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.
Do không có huyết thanh kháng nọc rắn hổ mèo, bệnh nhân chỉ được hỗ trợ điều trị bảo tồn, điều trị viêm mô tế bào và hoại tử mô. Trường hợp diễn tiến nặng, bệnh nhân cần được lọc máu, thở máy, kháng sinh phổ rộng.
Phát hiện kim khâu dài 4cm trong cổ họng người đàn ông
Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, ông B.Q.H (72 tuổi, ở Trảng Bom, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng đau và khó chịu ở họng. Sau khi thăm khám và thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm, nội soi, các bác sĩ nhận thấy thành họng bên trái của bệnh nhân có khối u và chẩn đoán đây là ổ áp xe, nên chỉ định nhập viện và hút dịch mủ.
Đến ngày thứ 3, bệnh nhân tiếp tục được nội soi và hút dịch mủ áp xe thì phát hiện có dị vật kim loại ở rãnh lưỡi thanh nhiệt, các bác sĩ đã dùng kìm gắp ra 1 cây kim may đồ dài gần 4cm.
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định tiêm ngừa uốn ván và tiếp tục sử dụng kháng sinh để tránh bị nhiễm trùng. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, ăn uống bình thường và có thể xuất viện vài ngày tới.
Người bệnh có thể xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bệnh nhân kể, trước khi bị đau họng, ông có ăn tép khô nấu canh, chỉ nuốt chứ không nhai. Sau khi ăn xong, ông thấy họng có gì đó vướng và thấy đau nhẹ. Ông tự đi mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau để uống nhưng không bớt, đến ngày thứ 7 thì tình trạng đau trầm trọng hơn nên quyết định tới bệnh viện để thăm khám.
XEM THÊM: Hành khách đánh răng, khạc nhổ ngay tại chỗ ngồi khiến cả chuyến bay sợ hãi
Bác sĩ CKII Lê Nguyên Hòa – Trưởng khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Đồng Nai 2 khuyến cáo người dân khi ăn uống nên cẩn trọng, ăn chậm và nhai kỹ. Nếu không may gặp tình trạng nuốt vướng hay thấy đau thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, không nên tự ý dùng thuốc để chữa trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Đồng thời, tránh tình trạng để bệnh kéo dài dẫn tới nhiễm trùng nặng gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Đinh Kim (T/h)