Phẫu thuật lấy đầu kim khâu ra khỏi ngón tay người phụ nữ
Tờ Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam vừa lấy thành công dị vật đầu kim ở ngón tay cho một nữ bệnh nhân.
Bệnh nhân làm công nhân, bị mũi kim khâu đâm vào xuyên qua ngón tay trong quá trình làm việc. Hình ảnh chụp X-quang cho thấy người bệnh có một mảnh dị vật kim khí rất nhỏ trong ngón tay, khả năng là đầu kim gãy.
Các bác sĩ quyết định phải phẫu thuật cấp cứu để lấy dị vật ra ngoài. Theo ekip Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, tuy dị vật đầu kim nhỏ, quá trình lấy ra khỏi ngón tay của bệnh nhân lại khó khăn vì đầu kim nằm dưới giường móng nên khó tiếp cận, dị vật lại dễ di chuyển trong quá trình thao tác.
Thế nhưng, phẫu thuật phải được thực hiện sớm vì các biến chứng nguy hiểm do đầu kim dễ di chuyển bất cứ nơi nào trong cơ thể.
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy người bệnh có một mảnh dị vật kim khí rất nhỏ trong ngón tay. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Bác sĩ khuyến cáo các loại kim khí là loại dị vật thường gặp, xảy ra trong lao động. Các vật dụng nhọn có thể đi vào cơ thể qua da rất nhẹ nhàng, không gây đau đớn nhiều.
Khi ở trong cơ thể, những mảnh dị vật kim khí nhỏ (đinh, kim) này hay di chuyển làm tổn thương các cơ quan (mạch máu, thần kinh). Vì vậy, chúng cần phải được lấy ra để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như làm giảm cảm giác đau nhức khi bị kim đâm trong ngón tay.
Gắp giun đũa dài 20cm trong tá tràng bệnh nhân
Theo VTV News, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) vừa tiếp nhận bệnh nhân 20 tuổi trong tình trạng đau quặn bụng dữ dội từng cơn vùng thượng vị. Qua thăm khám, siêu âm và nội soi dạ dày tá tràng, các bác sĩ phát hiện một con giun đũa dài 20cm trong tá tràng người bệnh.
Với sự tỉ mỉ, kíp nội soi đã gắp thành công con giun đũa ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngay sau thủ thuật, người bệnh không còn các triệu chứng lâm sàng ban đầu.
Các bác sĩ chia sẻ, giun đũa là một loại ký sinh trùng sống ở ruột người, là loại giun tròn, có kích thước lớn. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun đũa là tình trạng vệ sinh, các thói quen sinh hoạt và ăn uống, mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun đũa, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Giun đũa ở trong cơ thể sẽ sử dụng các chất dinh dưỡng của cơ thể, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá và suy yếu thể trạng người bệnh. Giun đũa còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như tắc ruột, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy, thậm chí có khi ấu trùng giun đũa di trú lạc vào não, thận, mắt, tủy sống...
XEM THÊM: Mắc hội chứng ốm nghén hiếm gặp, người phụ nữ phải nhổ toàn bộ răng
Để phòng ngừa bệnh, cần đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn uống. Thực hiện ăn chín uống sôi, môi trường sống sạch sẽ. Không để móng tay dài dễ dính, bám đất cát và lây nhiễm trứng giun, tẩy giun định kỳ.
Người bị nhiễm giun đũa thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, có khi chỉ biểu hiện khó ở, khó ngủ, ăn kém. Phát hiện và điều trị sớm giúp bệnh nhân phục hồi nhanh, tránh các biến chứng.
40% trường hợp mắc tay chân miệng do chủng EV71
VietNamNet dẫn thông tin từ GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, số ca mắc tay chân miệng đang ngày càng tăng, trung bình cả nước ghi nhận 350 ca/tuần phải nhập viện, trong đó 10% số bệnh nhi cần phải sử dụng thuốc đặc trị Immunoglobulin.
Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Trong đó, chủng EV71 gây bệnh cảnh nặng và dễ biến chứng hơn. Nếu trẻ biến chứng không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể tử vong.
Tại nước ta, ca nhiễm chủng EV71 đang gia tăng. Theo Cục Y tế dự phòng, nếu đầu tháng 4, số ca mắc chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm, đến đầu tháng 6, tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40%.
Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Ảnh minh họa: HealthXchange
Ngoài tay chân miệng, GS Phan Trọng Lân cho biết hiện các bệnh truyền nhiễm tiếp tục gia tăng. Điển hình, sốt xuất huyết cứ 10 năm lại tăng gấp đôi và vẫn tiếp tục gia tăng, trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng trên toàn thế giới.
Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành ở Việt Nam, nước ta còn có các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ xâm nhập trên thế giới vào Việt Nam. Đối với bệnh truyền nhiễm, công tác phòng dịch rất quan trọng. Sốt xuất huyết hay tay chân miệng do chưa có vaccine phòng bệnh nên người dân chủ động phòng bệnh từ chính gia đình.
Theo GS Phan Trọng Lân, bệnh tay chân miệng phòng tốt nhất là quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn, cùng đó luôn giữ tay sạch cho trẻ. Người trông giữ trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch, vệ sinh tay thường xuyên để tránh làm nguồn lây bệnh.
Ngoài ra, mỗi tuần mỗi gia đình dành ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện và loại trừ các ổ loăng quăng, bọ gậy… để bệnh sốt huyết không có cơ hội bùng phát.
Đinh Kim (T/h)