Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/8/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 4/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bé trai 4 tháng tuổi nhập viện cấp cứu vì bị sầu riêng rơi trúng đầu
Bé trai nhập viện vì bị sầu riêng rơi trúng đầu |
Vào ngày 31/7 tại một thị trấn ở quận Maran, Malaysia, có hai mẹ con sau khi đi dạo quanh nhà đã phải nhập viện cấp cứu vì bị sầu riêng rơi vào đầu.
Cụ thể, vào buổi chiều trước khi xảy ra vụ việc xảy ra, con trai 4 tháng tuổi của người phụ nữ này bỗng dưng quấy khóc.
Để dỗ con, cô bèn bồng đứa trẻ ra vườn chơi. Sau đó, cây sầu riêng bỗng dưng rụng trái, rơi thẳng vào đầu mẹ và cắm vào mặt con trai.
Megat Zarulfais Megat Kamaruddin - chồng của người phụ nữ cho biết: "Khi đang bế con trong vườn, vợ tôi có nghe thấy tiếng sầu riêng rơi.
Vì lo sợ nguy hiểm, nên cô ấy nhanh chóng ôm con bỏ chạy vào nhà. Nhưng thật trùng hợp làm sao một quả sầu riêng tai hại đã làm tổn thương cả mẹ lẫn con.
Đáng nói hơn là cây sầu riêng ấy không phải của gia đình chúng tôi, nó là của hàng xóm".
"Quả sầu riêng rơi vào người vợ tôi trước, sau đó nảy lên rớt xuống người con tôi. Nếu nó rơi trực tiếp trên đỉnh đầu, có lẽ đứa trẻ đã chịu một chấn thương thậm chí còn tồi tệ hơn", người chồng hãi hùng chia sẻ thêm.
Hiện tại, đứa bé đã được bệnh viện cho phép về nhà do không có gì quá nghiêm trọng, chỉ bị trầy xước trên gương mặt.
Riêng còn người mẹ thì vẫn ở lại để bác sĩ theo dõi, cô bị gai sầu riêng làm cho bị thương khá nặng sau khi hứng chịu cú va chạm trực tiếp.
Vụ việc xui xẻo này hiện vẫn đang khiến cộng đồng cư dân mạng ở Malaysia xôn xao và cái tên "sầu riêng" cũng đang được réo gọi nhiều hơn bao giờ hết.
Xương cá sắc nhọn ‘sống’ trong phế quản bé trai suốt 1 tháng trời
Ê kíp bác sĩ can thiệp lấy dị vật cho bệnh nhi - Ảnh: Tiền phong |
Chiều 3/8, Bệnh viện T.Ư Huế thông tin, vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật đường thở là một mảnh xương cá cho bệnh nhi 10 tuổi, quốc tịch Lào. Dị vật xương cá này rất sắc nhọn, có kích thước khoảng 15x3 mm ở thùy trên phổi.
Trước đó khoảng một tháng, trong khi ăn cá trê nướng, bệnh nhi bị sặc khiến một mảnh xương cá đi vào đường thở, rồi rơi vào phế quản thùy trên phổi. Ba tuần sau, bệnh nhân ho khạc ra máu nhiều, được người nhà đưa đi khám và điều trị tại bệnh viện huyện Sepon (Lào), nhưng không chẩn đoán ra bệnh.
Bệnh nhi được chuyển sang điều trị bệnh viện tỉnh Quảng Trị, được chẩn đoán theo dõi dị vật ở phế quản thùy trên phổi, đã tiến hành lấy dị vật nhưng không thành công. Sau đó, Bệnh viện T.Ư Huế tiếp nhận bệnh nhi này, với biến chứng viêm phổi nghẽn, xẹp tùy trên phổi phải, nên phải điều trị nhiễm trùng ổn định mới tiến hành lấy dị vật.
Đến ngày 2/8, ê kíp y bác sĩ khoa Nội tiết -Thần kinh - Hô hấp và khoa Nội soi Bệnh viện T.Ư Huế đã phẫu thuật nội soi, lấy thành công dị vật phế quản là mảnh xương cá sắc nhọn cắm sâu vào vào nhánh phế quản suốt một tháng trời, dẫn đến tình trạng niêm mạc phế quản xung huyết, phù nề nhiều và dễ chảy máu, nếu để lâu ngày gây nghẽn đường thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Phải cắt tứ chi vì cú liếm của chó cưng
Bà Marie bị cắt cụt tứ chi vì cú liếm của chó cưng - Ảnh: Fox6 |
Vì mệt, Marie nằm xuống sofa nghỉ ngơi. Tuy nhiên, lúc tỉnh lại bà mới biết mình vừa bị hôn mê 10 ngày, và cả hai tay cũng như hai bên chân từ đầu gối xuống đều đã bị cắt cụt.
Marie Trainer, sống ở bang Ohio, bắt đầu có các biểu hiện giống như bị cảm cúm ngày 10/5, một ngày sau khi bà đi nghỉ dưỡng về và được chú chó cưng Alsatian phấn khích liếm khắp cánh tay, trong đó có một vết trầy xước, như một cách để chào đón chủ về nhà.
"Mở mắt ra, tôi không biết mình đang ở đâu. Thật khó khăn để chấp nhận và đối diện với sự thật rằng người ta đã cắt hết chân và tay tôi rồi", Marie kể lại.
Chồng của Marie đã lập tức đưa bà đi cấp cứu sau khi thấy thân nhiệt vợ tăng cao. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán Marie bị nhiễm trùng huyết. Tay chân bà bắt đầu bị thâm tín và dần hoại thư (các mô trong cơ thể bị chết) khi tình trạng nhiễm trùng lan nhanh, khiến các bác sĩ phải đi đến quyết định cắt bỏ chúng để giữ lại tính mạng.
Các chuyên gia y tế sau đó nhận định Marie bị nhiễm khuẩn capnocytophaga, một loại vi khuẩn thường có trong nước bọt của chó. Vi khuẩn này có thể bị lây qua con người bằng một vết cắn, hoặc khi nước bọt tiếp xúc với vết thương hở, gây ra các cục máu đông lớn khiến máu không lưu thông khắp cơ thể được, dẫn đến hoại tử, chết mô và tế bào.
Marie hiện cố gắng thích nghi với cuộc sống mới, nhưng vợ chồng bà cho biết không có kế hoạch từ bỏ những con chó cưng của mình.
"Tôi vẫn chưa hết kinh ngạc sau những gì đã xảy ra. Tuy vậy, vợ chồng tôi vẫn rất yêu chúng", Marie nói.
Marie sẽ phải học cách di chuyển, đi lại trong tình trạng thiếu cụt tay chân. Vợ chồng bà cũng đã lập một trang GoFundMe để kêu gọi mọi người giúp đỡ mua chân, tay giả.
Marie cảm kích đối với sự kiên trì, nhẫn nại của chồng. "Anh ấy ở bên tôi mỗi ngày, bón cho tôi ăn, mặc đồ cho tôi. Vì thế, tôi sẽ phải học cách ngồi dậy, di chuyển cả người, dù biết sẽ rất khó khăn", bà Marie nói.
Tách thành công cặp song sinh dính nhau phần đầu sau 40 lần phẫu phuật
Cặp song sinh chuẩn bị cho ca phẫu thuật ngày 5/1 - Ảnh: AFP |
Ngày 2/8, một nhóm bác sĩ Hungary đã thực hiện thành công ca đại phẫu kéo dài 30 giờ, tách một cặp song sinh người Bangladesh dính liền nhau ở phần đầu.
Sau cuộc phẫu thuật tiến hành ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, cặp song sinh 3 tuổi này được xác nhận vẫn trong tình trạng khỏe mạnh và ổn định, mặc dù chưa thể loại trừ khả năng gặp biến chứng.
Trước đó, cặp song sinh này đã cùng gia đình tới Hungary vào ngày 5/1 để thực hiện một loạt ca phẫu thuật tạo hình. Sau quá trình thích ứng với cơ thể và một số kiểm tra để chuẩn bị cho sự phân tách cuối cùng, các bác sĩ đã đưa vào vùng đầu của cặp song sinh một thiết bị giãn nở đặc biệt do Hungary thiết kế để nới rộng phần da đầu và mô mềm.
Phẫu thuật tạo hình là giai đoạn thứ hai trong một loạt biện pháp xâm lấn mà cặp song sinh phải trải qua để có thể tách rời nhau, bao gồm cả việc cấy các chất giãn nở đặc biệt để tạo thêm da và mô mềm nhằm che vết thương lớn sau lần tách cuối cùng.
Để tách thành công cặp song sinh này, nhóm phẫu thuật gồm 35 người (19 bác sĩ, 16 y tá cùng các nhân viên hỗ trợ khác) đã thực hiện khoảng 40 lần phẫu thuật - trung bình 1-2 ca phẫu thuật mỗi tuần (để cấy ghép các chất giãn nở và thay băng) tại cả Hungary và Bangladesh. Dự kiến cuối năm 2019 hoặc trong năm 2020, cặp song sinh sẽ tiếp tục trải qua phẫu thuật tái tạo hộp sọ trong trường hợp cần thiết.
Quỳnh Chi (T/h)