Ghép gan thành công cho bệnh nhi 5 tuổi với bệnh lý phức tạp
Sáng ngày 24/3, Bệnh viện 108 thông tin đơn vị này vừa phẫu thuật nội soi thành công lấy thuỳ gan trái từ người cho sống để ghép cho bệnh nhi Đ.N.M (5 tuổi, ở TP.HCM). Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời mẹ của bệnh nhi cho biết, vào tháng 7/2021, bé đã được phẫu thuật cắt gan do u nguyên bào gan ác tính tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
Sau ca mổ, khối u tiếp tục phát triển ở phần gan còn lại, bệnh nhi được điều trị hóa chất 10 chu kì ở trong và nước ngoài. Tuy nhiên, khối u không đáp ứng với điều trị, dấu ấn ung thư (AFP) không giảm mà tiếp tục tăng rất cao. Bệnh nhi được chụp PEP/CT tại nước ngoài cho thấy khối u khu trú ở gan nhưng lan tràn nhanh nhiều u cả gan phải và trái, chưa di căn xa nhưng nguy cơ tiến triển rất xấu và tiên lượng tử vong sớm nếu không còn phương pháp nào điều trị.
Ca ghép gan được thực hiện thành công sau 7 tiếng. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Ghép gan là lựa chọn duy nhất để chữa trị cho bệnh nhi. Gia đình đưa bệnh nhi về Bênh viện 108 để tìm cơ hội ghép gan. Cả nhà chỉ có cô ruột của bệnh nhi đủ điều kiện, phù hợp nhất để hiến gan cho bé. Theo TS Lê Văn Thành, Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện 108, đây là ca ghép gan nhỏ tuổi nhất với bệnh lý phức tạp, khó khăn tại bệnh viện. Thể trạng bệnh nhi yếu, nặng chưa tới 15kg do 10 đợt điều trị hóa chất liên tục, sau điều trị hóa chất xuất hiện tình trạng ức chế tủy xương, thiếu máu, bạch cầu giảm.
Kíp ghép gan phẫu thuật nội soi lấy 2 hạ phân thuỳ II & III của gan trái từ người cho sống (cô của bệnh nhi) để tiến hành ghép cho bệnh nhi. Ca ghép gan được thực hiện thành công sau 7 tiếng đồng hồ. 1 tuần sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi ổn định, tỉnh hoàn toàn, nói chuyện tốt, vận động nhanh nhẹn, ăn ngon miệng, chức năng gan ghép hoạt động tốt; các thông số hô hấp, huyết động,… trong giới hạn bình thường. Bệnh nhi đã được về Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy tiếp tục điều trị.
Bệnh nhi 5 tuổi ngừng tuần hoàn sau khi ăn lạc
VietNamNet đưa tin, tối ngày 23/3, Trung tâm Cấp cứu 115 trực thuộc hệ thống y tế Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi 5 tuổi bị ngừng tuần hoàn ngoại viện, nghi hóc dị vật đường thở do ăn lạc.
Người nhà cho biết sau khi ăn lạc, bệnh nhi xuất hiện tình trạng tím tái, khó thở, gia đình đã sơ cứu nhưng không hiệu quả. Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đồng tử giãn. Thời gian từ lúc bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu khó thở tới khi tiếp cận các y bác sĩ khoảng 15-20 phút.
Trạng thái cấp cứu tối khẩn cấp lập tức được kích hoạt, ekip hàng chục nhân viên y tế tập trung hỗ trợ ép tim, đặt ống nội khí quản, vận mạch... Sau 3 phút chạy đua với thời gian, bệnh nhi đã bắt được dấu hiệu mạch trở lại.
Ngay sau khi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi ổn định, ekip gồm 1 bác sĩ cấp cứu và 1 điều dưỡng đã có mặt đưa bé lên xe cứu thương, chuyển về Bệnh viện nhi Trung ương ngay trong đêm. Đồng thời, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã chủ động liên hệ, báo cáo trước tình hình bệnh nhi và đề nghị chuẩn bị hỗ trợ đón tiếp cấp cứu tới các đồng nghiệp Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cấp cứu thành công bệnh nhân COVID-19 bị tai biến mạch máu não
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết kip can thiệp mạch của đơn vị này vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân COVID-19 bị tai biến mạch máu não vô cùng nguy kịch. Theo báo Tin Tức, bệnh nhân là Đ.T,T (68 tuổi, ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).
Gia đình bệnh nhân chia sẻ, khoảng 6h ngày 21/3, người nhà phát hiện bệnh nhân nôn, yếu nửa người trái, gọi, hỏi không nói nên đã đưa bà đến khám tại Bệnh viện Vinmec Hạ Long. Kết quả chụp cắt lớp phát hiện hình ảnh tắc động mạch não giữa bên phải, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp trên nền tăng huyết áp. Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho kết quả dương tính.
Bệnh nhân hồi phục tích cực sau can thiệp lấy huyết khối. Ảnh: TTXVN
Ngay lập tức, Bệnh viện Vinmec Hạ Long liên hệ hội chẩn từ xa với nhóm chuyên gia điều trị đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Nhận định đây là ca cấp cứu tối khẩn trên nền bệnh nhân mắc COVID-19, tình trạng nhồi máu não quá giờ vàng, cần kết hợp sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID để đánh giá chính xác tình trạng vùng não tổn thương, từ đó có chỉ định can thiệp tái thông mạch máu não kịp thời.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng lơ mơ, rối loạn chức năng ngôn ngữ, liệt hoàn toàn nửa người trái, cơ lực tay chân trái 0/5, tiên lượng nặng, đe dọa sự sống. Qua kết quả phần mềm RAPID, các bác sĩ quyết định lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học.
Kip can thiệp khoa Chẩn đoán hình ảnh mặc đồ bảo hộ tiến hành lấy huyết khối tái thông mạch não bị nghẽn dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy chụp mạch xóa nền 2 bình diện DSA (phương pháp chụp mạch máu mới được sử dụng trong chẩn đoán bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu).
Ca can thiệp cấp cứu kéo dài gần 1 tiếng. Theo dõi sau can thiệp tại Trung tâm điều trị hồi sức COVID-19, bệnh nhân tỉnh táo, phục hồi tốt, hết rối loạn chức năng ngôn ngữ, cơ lực tay chân bên trái cải thiện, ăn uống, vận động nhẹ nhàng.
Nhờ được sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo và can thiệp lấy huyết khối tái thông mạch kịp thời, tình trạng sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, hiện đang được thực hiện chiến lược điều trị COVID-19 sau tái thông mạch và sử dụng thuốc phối hợp để kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm.
Đinh Kim (T/h)