Việt Nam lần đầu thực hiện phẫu thuật Bentall qua đường xâm lấn tối thiểu
Theo thông tin từ khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đội ngũ bác sĩ của khoa đã tiến hành phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị phình gốc động mạch chủ, hở van động mạch chủ (phẫu thuật Bentall) bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu.
Sức Khỏe & Đời Sống cho biết, bệnh nhân là Đ.V.T (49 tuổi, trú tại Đắk Lắk), được đưa đến bệnh viện vào ngày 23/12/2021 trong tình trạng suy tim ở mức độ 2-3 do hở van động mạch chủ lâu ngày, kèm theo phình gốc động mạch chủ.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau khi tiếp nhận và chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật vào ngày 4/1/2022. Thay vì lựa chọn phương pháp kinh điển là phẫu thuật thay gốc động mạch chủ qua đường mổ giữa xương ức (mổ xâm lấn, vết mổ lớn, dễ nhiễm trùng xương ức…), các bác sĩ đã mạnh dạn triển khai kỹ thuật mới là mổ xâm lấn tối thiểu qua đường mở ngực trước phải (vết mổ nhỏ, không phải cưa xương ức).
Qua đường này, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật thay gốc động mạch chủ theo phương pháp Bentall: thay gốc động mạch chủ bằng valve graft số 27, cắm lại 2 lỗ vành. Ca phẫu thuật được thực hiện trong 6 tiếng, bệnh nhân sau đó đã ổn định, được cho ra viện sau ngày hậu phẫu thứ 20. Trong lần tái khám gần nhất sau 3 tháng phẫu thuật, bệnh nhân đã khỏe mạnh, đi đứng bình thường.
Bé gái 8 tuổi nguy kịch vì bị hen phế quản
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết vừa cứu sống một bệnh nhi 8 tuổi trong tình trạng nguy kịch, khó thở, tím tái do cơn hen phế quản. Bệnh nhi được bệnh viện ở Long An chuyển đến với biểu hiện rối loạn tri giác, lơ mơ do thiếu oxy máu nặng, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) chỉ 80% trong khi bình thường là 96%-98%.
Trước đó, bệnh nhi bị sốt nhẹ, ho, sổ mũi, khò khè, khó thở, điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng không đỡ. Tiến hành xét nghiệm khí máu động mạch, X-quang phổi, các bác sĩ ghi nhận đường thở của bệnh nhi bị co thắt nặng, chẩn đoán bé bị hen phế quản cơn nặng.
Bệnh nhi được điều trị cắt cơn hen, hỗ trợ thở oxy, dùng khí dung thuốc giãn phế quản, tiêm corticoid tĩnh mạch, tiêm adrenalin giãn phế quản tức thời... Sau gần 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi bớt khó thở, điều trị tại khoa Hô hấp. Người nhà cho hay, bệnh nhi bị khò khè nhiều lần, từ lúc 4 tuổi đã được chẩn đoán hen phế quản nhưng không theo dõi điều trị.
Phẫu thuật cho bệnh nhân bị gãy cột sống phức tạp
Người Đưa Tin Pháp Luật dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị này vừa thực hiện phẫu thuật cho một bệnh nhân bị gãy cột sống phức tạp do tai nạn lao động. Theo đó, bệnh nhân là nam, SN 1994, trú tại thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), nhập viện vào lúc 15h19 ngày 13/3.
Bệnh nhân bị cây đè, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng tỉnh, bị choáng, huyết áp 60/40mmHg, mạch nhẹ 100 lần/phút, biến dạng cột sống vùng thắt lưng, 2 chân hạn chế vận động, chỉ còn cử động được 2 bàn chân.
Khoa Ngoại cột sống đang phối hợp với khoa Vật lý trị liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để tập vận động trợ giúp, hướng dẫn bệnh nhân tập để phục hồi chức năng sau khi được xuất viện. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Kết quả chụp CT – Scanner cho thấy bệnh nhân có ít dịch ổ bụng, cơ thắt lưng chậu trái phù nề, tụ dịch chung quanh, tụ khí mô mềm hông lưng trái, dịch len lỏi giữa các cơ vùng lưng 2 bên, gãy di lệch đốt sống L3 - 4 chèn ép tủy sống vùng này. Ngoài ra còn gãy mỏm ngang 2 bên L5; gãy mỏm ngang 2 bên, mỏm gai và thân đốt sống L4; mỏm ngang bên trái, mỏm gai và thân đốt sống L3, gãy xương cánh chậu trái.
Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực ổn định và hội chẩn cấp cứu, đưa ra chẩn đoán xác định trước mổ là gãy trật di lệch ngang L3 - L4, gãy chân cung và mấu khớp L3 L4 L5, tổn thương thần kinh liệt 2 chi dưới. Bệnh nhân được phẫu thuật lúc 9h30 ngày 16/3.
Sau hơn 5 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân được hồi tỉnh an toàn tại khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức và chuyển về lại khoa Ngoại Cột sống theo dõi điều trị và chăm sóc tiếp tục. Sau 4 ngày, chân phải của bệnh nhân đã vận động được, chân trái cũng vận động được nhưng biên độ nhỏ hơn chân phải.
Đinh Kim (T/h)