Mảnh xương lợn mắc trong phế quản bệnh nhân suốt 1 năm
VTV News đưa tin, khoảng 1 năm trước, bệnh nhân Đ.Q.T. trong lúc ăn cơm vô tình bị hóc xương lợn và ho sặc sụa, sau đó đỡ dần. Do nghĩ là không sao nên người bệnh đã không đi kiểm tra.
Thời gian sau đó, người bệnh thường xuyên bị ho sặc, tím tái người mỗi khi hoạt động mạnh hoặc gắng sức. Khoảng 10 ngày trước khi vào viện, người bệnh có xuất hiện ho ra máu nên đã đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) để kiểm tra.
Sau khi tiến hành thăm khám, người bệnh được chỉ định chụp CTScanner. Kết quả phát hiện dị vật tại phế quản gốc phải. Người bệnh nhanh chóng được chỉ định gây mê, nội soi phế quản để gắp dị vật.
Các bác sĩ đã lấy ra được mảnh xương lợn kích thước 2x1,5cm với khá nhiều góc cạnh. Ảnh: VTV News
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản có camera để gắp dị vật. Tại vị trí phế quản gốc phải bị tắc bán phần do dị vật, bề mặt phế quản có xung huyết và rỉ máu, chảy máu. Sau rất nhiều nỗ lực, các bác sĩ đã lấy ra được mảnh xương lợn kích thước 2x1,5cm với khá nhiều góc cạnh.
Theo bác sĩ CKI. Uông Hồng Hợp, Phụ trách Khoa Tai Mũi Họng, trường hợp của người bệnh trong suốt quãng thời gian dài bị hóc dị vật khiến người bệnh ho trong thời thời gian dài và viêm phế quản nhiều. Nếu dị vật để quá lâu sẽ gây viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi.
Vì thế, người dân khi có vấn đề bất thường cần được thăm khám tại cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa để sớm phát hiện bất thường và có hướng điều trị kịp thời. Nếu vô tình bị hóc dị vật tuyệt đối không tự lấy dị vật bằng bất cứ cách nào cũng như chủ quan bỏ qua việc lấy dị vật. Hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bé 23 tháng tuổi có khối u mạch máu khổng lồ hiếm gặp ở ngực
Theo VTV News, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công một trường hợp bướu máu khổng lồ hiếm gặp. Trước đó, vào tháng 6/2021, bệnh nhi N.P.L.(khi đó được 8 tháng tuổi), nhập viện trong tình trạng khối u xuất huyết và hoại tử vùng trung tâm.
Xét thấy tình trạng bệnh nhi mất máu nặng và nhiễm trùng nặng ở bướu. Các bác sĩ tại khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành truyền máu, truyền kháng sinh và chăm sóc tích cực bệnh nhi.
Sau khi được cấp cứu qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhi được theo dõi và điều trị nội khoa ngoại trú ổn định bướu, tránh các biến chứng nguy hiểm của bướu. Đến nay, bệnh nhi được 23 tháng tuổi, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật.
Sau 1,5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt trọn thành công khối u mạch máu khổng lồ hiếm gặp vùng ngực, kích thước 120x80mm. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc, theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp và được xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt.
Theo các bác sĩ, u mạch máu là những bất thường mạch máu đặc trưng bởi sự tăng sinh lành tính nhanh chóng sau sinh và thoái triển chậm sau đó. Các biến chứng thường gặp của u mạch máu thường là xuất huyết, viêm loét trung tâm khối u, chèn ép gây mất chức năng các cơ quan lân cận…
Trước đây, khoa Ngoại tổng hợp đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân u mạch máu ở nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, khối u mạch máu khổng lồ ở bệnh nhi trên rất hiếm gặp và thường gây nhiều nguy hiểm nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Đau nhức đầu nhiều ngày, đi khám phát hiện sán làm tổ trong não
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, bệnh nhân 56 tuổi, trú tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trước khi nhập viện, người bệnh có biểu hiện đau nhức đầu nhiều ngày nên đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn.
Qua thăm khám, chụp cắt lớp vi tính sọ não, các bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh kết luận trong sọ não người bệnh có hình ảnh nang ký sinh trùng (ấu trùng sán não - neurocysticercosis). Người bệnh cho biết trước đó có thói quen ăn đồ sống (gỏi cá).
Theo các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, bệnh kén sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, có mức độ nguy hiểm rất cao, biểu hiện ban đầu của bệnh là nhức đầu liên tục, nhức cả vùng đầu và có tính chất lan sang nhiều vùng khác. Nếu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải những cơn động kinh nặng, nhẹ khác nhau.
Hình ảnh nang ký sinh trùng trong não bệnh nhân. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần đề phòng nhiễm bệnh bằng những biện pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm ấu trùng như giữ môi trường sống sạch sẽ; ăn uống hợp vệ sinh.
Ngoài ra, không ăn thức ăn chưa nấu chín như: Gỏi cá, tiết canh, thịt lợn tái, không ăn thịt lợn gạo, không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần...
Đồng thời, cần luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh; Tẩy giun sán định kỳ. Khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ... hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đinh Kim (T/h)