Khăn giấy nằm sâu trong phế quản người đàn ông bị ung thư
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, nam bệnh nhân D.V.N (44 tuổi, Hậu Giang) được chuyển tuyến từ bệnh viện địa phương đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng khó thở nhiều, kích thích, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp.
Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư sàng miệng, ung thư khí quản khoảng 3 năm và được phẫu thuật mở khí quản (canyun) khoảng 20 ngày trước, ở bệnh viện chuyên khoa.
Sau khoảng 4 ngày xuất viện, bệnh nhân thường xuyên bị tăng tiết dịch qua canyun nên người nhà có thói quen sử dụng khăn giấy vuông se lại thành sợi dài đưa vào canyun khí quản để lấy dịch tiết nhằm giúp bệnh nhân dễ thở hơn, việc này được thực hiện nhiều lần.
Bệnh nhân dự kiến được xuất viện vào ngày 21/7. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
4h ngày 19/7, bệnh nhân có dấu hiệu tăng tiết đờm, gia đình vẫn làm với phương pháp tương tự. Tuy nhiên, trong lúc thực hiện, bệnh nhân bị ho nên đoạn khăn giấy tụt sâu xuống phế quản không thể lấy ra kèm khó thở, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp cấp được hỗ trợ thở oxy và chuyển khoa Nội Hô hấp điều trị. Nhận định tình trạng dị vật đường hô hấp nghiêm trọng, bác sĩ khoa Nội Hô hấp đã quyết định nội soi phế quản cấp cứu.
Tuy nhiên, do đường kính canyun nhỏ, ống nội soi không thể đưa vào phế quản, các bác sĩ khoa Nội Hô hấp nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến phòng phẫu thuật. Đồng thời, mời hội chẩn khẩn chuyên khoa Tai Mũi Họng và Gây mê hồi sức, quyết định thay canyun khí quản 2 nòng cải tiến với kích thước lớn hơn.
XEM THÊM: Ca mắc tay chân miệng tăng nhanh, TP.HCM đối mặt với nguy cơ hết thuốc điều trị
Sau khi thay canyun thành công, ekip tiếp tục thực hiện nội soi phế quản ống mềm có thực hiện tiền mê, ghi nhận lòng phế quản bên phải có dị vật là đoạn giấy dài chèn bít phần lớn lòng phế quản phải.
Do dị vật là giấy, sau thời gian thấm dịch ở đường thở, giấy đã mềm, việc lấy ra rất khó khăn. 1 giờ nỗ lực, ekip nội soi đã lấy thành công dị vật đoạn khăn giấy (được se lại) kích thước khoảng 0.5 x 15cm.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, phổi thông khí tốt, không còn triệu chứng kích thích hô hấp đang được chăm sóc và theo dõi tại khoa Nội Hô hấp, dự kiến ra viện ngày 21/7.
Người đàn ông ngộ độc methanol do uống cồn pha nước
Theo VTC News, TS.BS Hà Thị Bích Vân - trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận người đàn ông ngộ độc methanol do uống cồn pha nước. Một ngày trước khi vào viện, người này pha khoảng 100 ml cồn 90 độ với 500 ml nước lọc, sau đó uống hết.
Ngày hôm sau, người này xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn ra dịch nâu và được gia đình chuyển tới trung tâm y tế gần nhất. Khi đó, thị lực của bệnh nhân từ nhìn mờ dần dần suy giảm theo chiều hướng xấu đi.
Người bệnh được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng mất thị lực, đồng tử hai bên 4 mm, PXAS (-), bụng mềm, đau tức thượng vị,
Từ kết quả xét nghiệm khí máu có tình trạng toan hóa máu, các bác sĩ chẩn đoán người đàn ông bị ngộ độc Methanol do uống cồn pha nước. Ngay lập tức người bệnh được hội chẩn, chỉ định lọc máu cấp cứu và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Số trường hợp ngộ độc Methanol xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa: VTC News
Sau lọc máu, người bệnh không còn tình trạng toan hóa máu, tình trạng thị lực được cải thiện, có thể phân biệt được sáng tối. Tuy nhiên, do người bệnh đến viện muộn nên methanol ngấm vào thần kinh thị giác gây suy giảm thị lực rất nặng, chỉ còn nhìn thấy bóng mờ ở khoảng cách 20cm. Ông tiếp tục được điều trị chuyên khoa Mắt.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, sử dụng cồn sát khuẩn theo đúng quy định của Bộ Y tế, đặc biệt là uống cồn pha nước.
Nếu không may uống phải, cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế uy tín để được cấp cứu, xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại các di chứng đặc biệt là di chứng thần kinh trung ương, di chứng hôn mê, rối loạn vận động mắt gây giảm thị lực, thậm chí là mù vĩnh viễn.
Cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nghi do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira
VTV News đưa tin, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân 16 tuổi, bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nghi nhiễm xoắn khuẩn Leptospira.
Trước đó, bệnh Bệnh nhân được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, da vàng đậm, niêm mạc nhợt, đau đầu nhiều, đau nhức mỏi bắp chân, đau bụng thượng vị, buồn nôn, đau tức ngực, khó thở, ho cơn, khó khạc đờm.
Dấu hiệu sinh tồn trên monitor đo được: Mạch nhanh, không đều, dao động 100-150 lần/phút, huyết áp tụt dao động từ 75/40 mmHg - 100/60 mmHg, SpO2 dao dộng từ 80-95%.
Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đang dần hồi phục, ăn uống ngon miệng. Ảnh: VTV News
Các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc tiên lượng bệnh nhân rất nặng, đe dọa tử vong. Bệnh nhân được chỉ định làm thêm xét nghiệm, kết quả các chỉ số đều ở mức báo động: Bilirubin toàn phần: 159,9 µmol/L tăng dần, Creatinin: 269,3 µmol/L, CRP: 56,6 mg/L, Urê máu: 24,16 mmol/L, GPT: 148,2 U/L, GOT: 218,8 U/L…
Với kết quả trên, các bác sĩ tiến hành chỉ định đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt Artline catheter động mạch, đo huyết áp xâm lấn liên tục. Bệnh nhân được hỗ trợ đường thở, hồi sức tích cực, duy trì vận mạch, kháng sinh phối hợp, lợi tiểu, trợ gan, truyền huyết tương, albumin, theo dõi nước tiểu hàng ngày qua sonde tiểu lưu, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn liên tục.
Với phương pháp điều trị trên, bệnh nhân dần có chuyển biến. Xét nghiệm tình trạng suy gan giảm, hết suy thận, tình trạng nhiễm trùng được khống chế, tiểu tốt. Hiện tại, sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đang dần hồi phục, ăn uống ngon miệng, dự kiến có thể ra viện trong vài ngày tới.
Đinh Kim (T/h)