Người đàn ông bị kính vỡ cắt vào tay gây đứt động mạch quay
VTV News đưa tin, nam bệnh nhân 51 tuổi bị kính vỡ cắt vào tay gây đứt động mạch quay đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu kịp thời. Cụ thể, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có vết thương phức tạp cẳng tay phải, đứt động mạch quay.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng kỹ thuật vi phẫu nối động mạch quay, nối bao thần kinh quay, khâu cơ gấp cổ tay quay, cơ gang tay dài, cơ cánh tay quay. Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân ổn định, mạch quay bắt rõ, đã có thể cử động được tay.
Bệnh nhân hiện ổn định, đã có thể cử động được tay. Ảnh: VTV News
Bác sĩ Dương Xuân Phương, Phụ trách Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực cho biết, kỹ thuật vi phẫu nối các phần cơ thể đứt rời hay các tổn thương đứt mạch máu, dây thần kinh hoặc chuyển ghép thần kinh, chuyển vạt tự do để điều trị những khuyết hổng ở chi thể là kỹ thuật khó đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của các phẫu thuật viên.
Nhờ có kỹ thuật vi phẫu mà kết quả khâu nối các mạch máu nhỏ có thể đạt 90% so với 40% khi áp dụng kỹ thuật khâu nối thông thường.
Qua đây, bác sĩ Phương khuyến cáo có đến 90% vết thương mạch máu là do kính vỡ gây ra, hầu hết đều rất nghiêm trọng. Người dân, đặc biệt là trẻ em, nên rất cẩn thận khi làm việc hoặc vui chơi ở khu vực có kính.
Khi gặp người bệnh có tổn thương, vết cắt vào mạch máu, người dân có thể dùng các vật dụng sẵn có như áo, khăn, một sấp giấy… để áp chặt vào vết thương, buộc chặt phía trên vết thương. Sau đó, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu lại đúng cách.
Báo động đỏ toàn viện cứu người phụ nữ sốc tim do viêm cơ tim
Theo VietNamNet, giữa tháng 6, nữ bệnh nhân N.T.T.H (35 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) thấy mệt, đau ngực, khó thở, được người nhà đưa xuống Bệnh viện 19-8 thăm khám và nhập viện với chẩn đoán theo dõi nhồi máu cơ tim chưa loại trừ viêm cơ tim.
Sau khi được chụp động mạch vành qua da không có hẹp, chị được chẩn đoán sốc tim do viêm cơ tim, chuyển ngay vào Khoa Điều trị tích cực và chống độc. Lúc này, bệnh nhân vẫn đau ngực trái, khó thở nhiều, huyết áp tụt (80/50 mmHg).
Thạc sĩ Bùi Nam Phong - Trưởng Khoa Điều trị tích cực và chống độc, cho hay 20 phút sau khi vào khoa, bệnh nhân xuất hiện cơn loạn nhịp (rung thất), ngừng tuần hoàn. "Lập tức, chúng tôi kích hoạt báo động đỏ toàn viện, cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện, đặt nội khí quản, thở máy, dùng các thuốc trợ tim, vận mạch cho nữ bệnh nhân", bác sĩ Phong chia sẻ về ca bệnh vào viện hơn 1 tháng trước.
Dù cấp cứu ngừng tim thành công và tiếp tục điều trị hồi sức tích cực nhưng tính mạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. Lãnh đạo khoa đã xin ý kiến Ban giám đốc, hội chẩn xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành từ Bệnh viện Bạch Mai và nhanh chóng triển khai các kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại nhất là lọc máu, ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).
Các bác sĩ triển khai ECMO để cứu sống bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
PGS.TS.BS Hoàng Thanh Tuyền - Giám đốc Bệnh viện 19-8, chia sẻ áp dụng ECMO là quyết định rất quan trọng, phải triển khai ngay bởi bệnh nhân bị viêm cơ tim, suy tim nặng, sốc tim đã ngừng tim… Tiên lượng rất khó khăn, nếu não cũng "chết" thì dù cứu được tính mạng, người bệnh cũng phải đối mặt với khả năng sống thực vật sau này.
Do bẩm sinh mạch của người bệnh rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/2 người bình thường, chia nhánh cũng bất thường, việc triển khai ECMO rất khó khăn dù đòi hỏi cấp bách.
Bác sĩ Lê Văn Thực - người rất có kinh nghiệm về phẫu thuật mạch máu dù không phải ca trực cũng được huy động đến viện ngay. Vị bác sĩ nhận được điện thoại khi chưa kịp ăn cơm, anh vội đưa 2 con tới viện và khẩn trương vào phòng mổ để tiến hành can thiệp mạch máu.
Ca can thiệp ECMO thành công, người bệnh thoát cửa tử. "Tôi nhớ mãi hình ảnh người chồng đứng ngoài vẫy tay về phía giường bệnh động viên vợ yên tâm", bác sĩ Tuyền kể.
XEM THÊM: Hà Nội phát hiện thêm 22 ổ dịch sốt xuất huyết trong một tuần
Tuần đầu sau đặt ECMO là thời điểm căng thẳng nhất, bệnh nhân loạn nhịp liên tục, luôn trong nguy cơ có thể ngừng tim bất cứ lúc nào. Các bác sĩ luôn phải cân não để điều chỉnh ECMO, các biện pháp điều trị và thuốc trợ tim, vận mạnh cho hợp lý.
Hai bác sĩ và ekip điều dưỡng theo dõi từng diễn biến của người bệnh 24/24h. Sau 9 ngày lọc máu và ECMO, bệnh nhân được bỏ thở máy, rút nội khí quản, dừng lọc máu, cai ECMO thành công. Gần 1 tháng tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa tích cực, bệnh nhân hồi phục và được xuất viện trở về nhà.
Cụ ông không thể vận động sau cú ngã trong nhà tắm
Cụ ông hơn 70 tuổi ở tỉnh Long An bị trượt chân, ngã trong nhà tắm. Sau 2 ngày, cụ ông cảm thấy đau háng đùi trái và không thể vận động. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An, cho hay bệnh nhân vào khoa Cấp Cứu trong tình trạng đau ở háng, ngay lập tức được thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị gãy kín liên mấu chuyển xương đùi trái. Đây là kiểu gãy khá thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, loãng xương, té trong tư thế ngồi xổm.
"Với tình trạng gãy xương như vậy, chọn lựa phẫu thuật là phù hợp theo nguyện vọng phục hồi vận động sớm và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân", báo Người Lao Động dẫn lời bác sĩ Khanh.
Hình ảnh chân bệnh nhân trước và sau phẫu thuật nối xương bị gãy. Ảnh: Người Lao Động
Nhận được sự đồng thuận từ người nhà, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật. Ekip phẫu thuật kết hợp xương gãy liên mấu chuyển bằng đinh PFNA trên màn tăng sáng. Đây là hình thức phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả tốt sau mổ do được thực hiện và kiểm tra kỹ trên màn chiếu C-arm (tương tự máy chụp xquang). Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân bắt đầu tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, được xuất viện sau 5 ngày.
Theo bác sĩ Khanh, tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi là chấn thương nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi gặp chấn thương như trên, người bệnh không nên tự điều trị mà cần đến cơ quan y tế chuyên sâu để được khám, tư vấn và điều trị một cách tốt nhất.
Đinh Kim (T/h)