Đóng

Gặp sự cố, tàu vũ trụ chở tro cốt và ADN của 166 người rơi xuống Thái Bình Dương

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Chỉ vài phút trước khi hạ cánh, hệ thống điều khiển mất liên lạc với khoang tàu vũ trụ Nyx và "thiết bị đã bị mất" ngay sau khi tái nhập bầu khí quyển.

Theo thông tin trên Tuổi Trẻ Online, một trong những điểm đáng chú ý nhất của sứ mệnh Transporter 14 là khoang tưởng niệm do tàu vũ trụ Nyx của Công ty khởi nghiệp hàng không vũ trụ Đức The Exploration Company (TEC) đảm nhiệm. Đơn vị hợp tác chính với TEC trong sứ mệnh lần này là Celestis – một doanh nghiệp tiên phong trong dịch vụ tang lễ không gian có trụ sở tại Texas (Mỹ).

Được biết, Celestis chuyên cung cấp dịch vụ đưa tro cốt người thân vào không gian như một cách tiễn biệt mang tính biểu tượng. Sứ mệnh lần này của Celestis mang tên "Perseverance Flight", là lần đầu tiên họ thiết kế để khoang vũ trụ có thể quay lại Trái Đất sau khi hoàn thành chuyến bay không gian.

Việc phóng hài cốt hoặc mẫu ADN của con người lên vũ trụ mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, và mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực tưởng niệm người đã khuất.

Hành động này không chỉ mang tính cá nhân và tri ân mà còn phản ánh khát vọng vươn ra ngoài không gian, nơi được xem là "biên giới cuối cùng" của nhân loại. Với nhiều người, được đưa một phần di thể lên vũ trụ là cách để ghi dấu sự hiện diện vĩnh cửu giữa các vì sao, như một hành trình cuối cùng vượt khỏi Trái đất hữu hạn.

Khoang tàu vũ trụ Nyx mang theo tro cốt và ADN của 166 người đã khuất, bay quanh Trái đất 2 - 3 vòng trước khi quay lại. Ảnh: Space

Từ góc độ khoa học và công nghệ, việc đưa hài cốt lên quỹ đạo còn là một thử nghiệm mang tính ứng dụng, khi các công ty hàng không vũ trụ như Celestis hay TEC phát triển các mô hình tàu tái sử dụng, có khả năng mang theo nhiều loại "hành khách đặc biệt", đồng thời chứng minh năng lực vận hành linh hoạt và an toàn của công nghệ không gian mới. 

Điều đó mở ra tiềm năng phát triển cho một ngành dịch vụ mới – dịch vụ tưởng niệm ngoài Trái đất - một lĩnh vực tuy nhỏ và còn non trẻ nhưng đầy tính nhân văn và công nghệ cao.

Sứ mệnh không gian mang đậm ý nghĩa biểu tượng nói trên được khởi động vào ngày 23/6/2025, được kỳ vọng là dấu mốc lịch sử trong hành trình kết nối giữa con người và không gian vĩnh hằng. Thế nhưng, sứ mệnh này đã kết thúc theo cách không ai mong đợi.

Theo Thời báo VTV, sau khi gặp sự cố trong quá trình trở lại Trái Đất, khoang tàu vũ trụ Nyx mang theo tro cốt và ADN của 166 người đã khuất, đã rơi xuống Thái Bình Dương.

Thông báo chính thức của TEC cho biết, sau khi hoàn thành 2 vòng quay quanh Trái đất, khoang vũ trụ Nyx đã kích hoạt trình tự trở về khí quyển. Tuy nhiên, chỉ vài phút trước khi hạ cánh, hệ thống điều khiển mất liên lạc với Nyx và "thiết bị đã bị mất" ngay sau khi tái nhập bầu khí quyển.

Trong khi đó, với 2 vòng bay quanh quỹ đạo, Celestis cho biết yêu cầu kỹ thuật của một "dịch vụ bay quỹ đạo Trái Đất" đã được hoàn tất. Song, sự cố xảy ra trong giai đoạn cuối khiến toàn bộ khoang tàu vũ trụ và tro cốt bên trong bị phát tán xuống Thái Bình Dương.

"Dù hiện tại chúng tôi tin rằng không thể thu hồi các khoang tàu, chúng tôi hy vọng các gia đình sẽ tìm được sự an ủi khi biết rằng người thân của mình đã thực sự trở thành một phần của hành trình lịch sử - đã được phóng lên vũ trụ, bay quanh Trái đất và nay yên nghỉ trong lòng Thái Bình Dương bao la, tựa như một nghi thức rải tro truyền thống thiêng liêng giữa biển cả", Celestis viết trong tuyên bố gửi đến thân nhân các gia đình.

Hình ảnh khoang tàu vũ trụ Nyx. Ảnh: TEC

Theo tạp chí Popular Mechanics, bên cạnh tro cốt, khoang tàu vũ trụ Nyx còn mang theo mẫu thực vật và hạt giống cần sa thuộc dự án khoa học cộng đồng "Martian Grow" - một sáng kiến thử nghiệm khả năng sinh trưởng của cây trồng trong điều kiện phi trọng lực.

Tuy nhiên, với việc khoang tàu vũ trụ rơi xuống biển, toàn bộ những vật mẫu này cũng được cho là đã mất hoàn toàn, làm gián đoạn các mục tiêu nghiên cứu ban đầu.

Mặc dù thất bại nhưng TEC khẳng định sứ mệnh "Mission Possible" đã giúp họ thu thập được những bài học quý giá. Đây là tàu không gian thứ hai do công ty tự phát triển đạt đến quỹ đạo chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm thành lập, cũng là chuyến bay đầu tiên của mẫu khoang vũ trụ Nyx, vốn được thiết kế để vận chuyển người và hàng hóa đến quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) và xa hơn nữa.

"Chúng tôi đang tiếp tục hành trình của mình, đầy khát vọng và sẵn sàng học hỏi. Tôi biết ơn sâu sắc đội ngũ của TEC vì tinh thần kiên cường, đoàn kết và quyết tâm không ngừng để theo đuổi sứ mệnh", bà Hélène Huby - nhà sáng lập kiêm CEO của TEC, chia sẻ.

Sự việc nói trên một lần nữa đặt ra câu hỏi về độ an toàn của các sứ mệnh không gian mang tính tưởng niệm, trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty tham gia lĩnh vực du hành vũ trụ dân sự.

Tin nổi bật