Lý do khiến cụ ông 82 tuổi đau bụng, không thể nằm
Trao đổi với tờ Tri Thức Trực Tuyến, bác sĩ CKII Nguyễn Thế Hưng, Trưởng khoa Ngoại - Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (TP.HCM), cho biết đơn vị này mới tiếp nhận và phẫu thuật cho cụ ông L.Q.T. (82 tuổi, ở TP.HCM) bị thủng đại tràng.
Sau khi đau thần kinh liên sườn một tuần liền, bệnh nhân xuất hiện hiện tượng sốt, đau bụng dưới, bụng to, cứng, đến mức không nằm được, chỉ có thể ngủ ngồi. Người bệnh được con gái đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn khám tổng quát.
Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, chụp X-quang bụng đứng, ngực, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng. Bệnh nhân được các bác sĩ quyết định cho mổ nội soi ngay sau khi hội chẩn. Trong quá trình phẫu thuật, ekip kiểm tra dạ dày và tá tràng nhưng kết quả hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, khi máy soi chiếu xuống bụng dưới, các bác sĩ nhận ra bên trái bụng dưới có giả mạc và dịch mủ, ruột non bám vào đại tràng sigma. Nghi bệnh nhân bị thủng đại tràng, ekip quyết định chuyển qua hình thức phẫu thuật mở.
Lúc này, các bác sĩ phát hiện người bệnh có một lỗ thủng dài 3cm và kiểm tra không thấy u trong đại tràng, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị thủng đại tràng sigma do túi thừa trong đại tràng.
Người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 11 sau mổ. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Vì bệnh nhân đã lớn tuổi, ekip quyết định cắt lọc đại tràng, lấy hồi tràng để hạn chế số lần phẫu thuật cho ông. Điều này giúp dịch tiêu hóa không chảy xuống đại tràng và giảm áp lực cho lòng ruột.
Sau 30 phút phẫu thuật, bệnh nhân vẫn chướng bụng, tuy nhiên, dẫn lưu ổ bụng không ra dịch, ống nhân tạo thông đại tràng ra dịch tiêu hóa tốt. Ngày thứ 3 sau mổ, tình trạng bệnh nhân bắt đầu cải thiện, bụng xẹp xuống. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân gần như hồi phục bình thường và được xuất viện vào ngày 11.
Trong quá trình điều trị sau phẫu thuật, người bệnh được tư vấn và điều trị bởi bác sĩ dinh dưỡng và của bác sĩ đông y. Nhận định về trường hợp của bệnh nhân, bác sĩ Hưng cho hay , nếu tự dùng thuốc điều trị triệu chứng tại nhà và được đưa vào muộn hơn, người bệnh có thể rơi vào tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, tiên lượng tử vong rất cao.
Cứu sống bé sơ sinh ngưng tim ngưng thở
Theo báo Công An Nhân Dân, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP.Cần Thơ) cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu kịp thời cho bé sơ sinh ngưng tim ngưng thở do sản phụ bị nhau bong non.
Trước đó, sản phụ V.T.D.P. (SN 1994, ngụ tỉnh Bến Tre) đau bụng nhiều, kèm theo dấu hiệu chuyển dạ nên gia đình cho nhập viện. Sau khi thăm khám, bác sĩ khoa Sản phát hiện sản phụ nhau bong non và có dấu hiệu suy thai. Sản phụ được chuyển mổ cấp cứu có kèm ekip bác sĩ khoa Nhi hỗ trợ.
Sau ca mổ cấp cứu 5 phút, bé được bắt ra, cân nặng 2,6kg. Lúc này, bé không thở, không khóc, da niêm tái nhợt, không trương lực cơ. Ekip mổ đã nhanh chóng lau khô ủ ấm và kích hoạt CODE BLUE báo động cấp cứu toàn viện ngưng tim, ngưng thở.
Ekip bác sĩ nhi đã tiến hành ấn tim và bóp bóng. Sau 30 giây, bé có tim trở lại và có nhịp tự thở, da niêm hồng hơn. Bé được hút nhớt, tiếp tục bóp bóng có oxy và đặt ống thông dạ dày ra rất nhiều dịch lẫn máu đỏ tươi.
Sau đó, bé được chuyển về phòng hồi sức sơ sinh nhi (NICU), xử trí thở máy không xâm lấn, kháng sinh, truyền dịch tích cực. Sản phụ cũng đã an toàn trải qua cuộc phẫu thuật.
Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bé được chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn toan kiềm, rối loạn đông máu, nhau bong non. Sau 4 ngày nằm hồi sức điều trị tích cực, tình trạng bé sơ sinh ổn định, bú mạnh, không ọc. Bé được chuyển phòng sơ sinh thường nằm với mẹ.
Nhiễm trùng khớp vai vì sai lầm khi tự chữa mụn nhọt
VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, các bác sĩ đang tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhân P.T.D (43 tuổi, ngụ xã An Chu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị nhiễm trùng khớp vai do dùng thuốc không đúng cách.
Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trạng sốt cao, bắp tay mưng mủ, sưng to, đau nhiều gần một tháng không rõ nguyên nhân. Người bệnh kể, gần 1 tháng trước, trên phần bắp tay phải xuất hiện mụn nhọt, lâu dần mưng mủ và sưng to.
Anh được người quen giới thiệu nên tự đắp lá cây bìm bịp giã nát theo bài thuốc dân gian và uống thêm thực phẩm chức năng giúp tái tạo tế bào da không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm mà càng trở nặng hơn, u mưng mủ nhiều, bắp tay to ra, đau nhức liên tục nên anh phải nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ CKII Nguyễn Tường Quang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Bác sĩ CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu gấp vì có dấu hiệu mưng mủ nhiễm trùng.
Bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và nguy cơ tử vong rất cao. Do người bệnh nhiễm trùng nặng và lâu ngày, khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được hơn 0,5 lít mủ ở bắp tay.
Theo bác sĩ Quang, hằng năm, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý đắp lá theo dân gian để điều trị gây nên tình trạng nhiễm trùng. Đây là trường hợp nặng nhất từ trước đến nay.
Đinh Kim (T/h)