Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 20/6: Thường xuyên ăn tiết canh, người đàn ông bị suy đa tạng, nhiễm trùng huyết

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 20/6/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 20/6/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Thường xuyên ăn tiết canh, người đàn ông bị suy đa tạng, nhiễm trùng huyết
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận ông T.V.T (59 tuổi, ở Thị trấn Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có thói quen ăn tiết canh từ nhiều năm nay. Lần này, ông phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn, ù tai, cứng gáy, trên da có ban xuất huyết hoại tử màu tím đen...

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng. Các bác sĩ khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đánh giá, bệnh nhân trong tình trạng tiên lượng rất nặng, nếu vào viện chậm khoảng 1 ngày nữa thì bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa.

Người bệnh được điều trị hồi sức tích cực bằng kháng sinh, chống phù não, bù dịch,… Sau 3 ngày vào viện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Ảnh: VTC News

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, mọi người không nên ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ. 

Bên cạnh đó, không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay và dụng cụ sạch, sau khi chế biến thịt lợn sống.

Khi bị sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Xuất hiện khối sưng cục sau khi bọc răng thẩm mỹ

Theo tờ Tri Thức Trực Tuyến, các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết đã tiếp nhận nữ bệnh nhân N.H. (36 tuổi, trú tại Lạng Giang, Bắc Giang), đi khám do có khối sưng cục không đau ở vùng răng cửa hàm trên.

Sau khi được thăm khám và chụp X-quang, kết quả phát hiện vùng răng cửa hàm trên có khối phồng kích thước 3x2 cm, sờ căng tức, có dấu hiệu bóng nhựa, răng giả từ răng 14-24 (8 chiếc răng). Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được bác sĩ phẫu thuật cắt nang răng vùng cửa hàm trên.

Bác sĩ CKI Lê Thị Hà, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt chia sẻ, nang là một hốc bệnh lý trong xương hàm có chứa dịch loãng, nửa loãng hoặc khí, được lót bằng lớp tế bào biểu mô nhưng không phải luôn luôn có. Đây là bệnh lý phổ biến, thường gặp nhất trên lâm sàng.

Bọc răng sứ là phương pháp hiện nay được ưa chuộng do chỉ với thời gian ngắn đã có hàm răng đẹp theo ý muốn. Tuy nhiên, không cẩn thận, bạn có thể gặp một số rủi ro không mong muốn như hôi miệng, viêm tủy không hồi phục, viêm quanh cuống cấp, nguy hiểm nhất là nang xương hàm.

Vị chuyên gia khuyến cáo khi quyết định làm răng sứ thẩm mỹ, bạn chỉ nên thực hiện ở những vùng không có nhiều sai lệch xương. Răng nhiễm Tetra nặng, đã điều trị tủy hoặc tổn thương nhiều tổ chức cứng thì nên thực hiện ở những cơ sở uy tín, có kinh nghiệm.

"Khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng xương hàm mặt, người bệnh cần thăm khám bác sĩ kịp thời để phát hiện sớm khối u hàm mặt. Việc này giúp tránh tình trạng để u nang hàm phát triển, gây ra những triệu chứng nặng và biến dạng khuôn mặt", bác sĩ Hà nói.

Phát hiện ung thư phổi sau khi giảm 5kg/2 tuần, ho khạc đờm lẫn máu

VTV News thông tin, nam bệnh nhân V.Đ.L (69 tuổi) đến Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai khám do ho khạc đờm lẫn máu và sút 5kg/2 tuần. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá 60 bao/năm (hút 2 bao/ ngày, trong 30 năm), hiện chưa bỏ thuốc.

Sau khi thăm hỏi và khám lâm sàng, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương tại phổi và tại gan nên đã cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, ổ bụng.

Kết quả phát hiện thấy ở nhu mô thùy dưới phổi trái, sát rốn phổi có khối tổn thương kích thước 75x63mm, ngoài ra rải rác nhu mô thùy dưới có vài nốt đặc, nốt lớn đường kính 4mm và có nhiều hạch trung thất.

Tại gan, ghi nhận nhu mô gan có các khối nốt giảm tỷ trọng trước tiêm, kích thước lớn nhất 75x104mm (theo dõi tổn thương di căn).

Khối thùy dưới phổi trái sát rốn phổi kích thước 75x63mm (mũi tên vàng), nốt đặc thùy dưới phổi trái 4mm (mũi tên xanh) và các khối giảm tỷ trọng lan tỏa nhu mô gan theo dõi thứ phát (mũi tên đỏ) trên ảnh chụp cắt lớp vi tính. Ảnh: VTV News

Sau khi vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh nhân được đánh giá toàn thân, sinh thiết khối u phổi cho kết quả ung thư biểu mô vảy. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi trái di căn gan đa ổ, di căn hạch trung thất. Người bệnh không còn khả năng phẫu thuật và đã được điều trị bằng liệu pháp toàn thân.

Được biết, ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các loại ung thư trên thế giới. Ở Việt Nam, ung thư phổi cũng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất với hơn 26.260 bệnh nhân được phát hiện mới trong năm theo thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020).

Với ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm tới khoảng 85% các trường hợp ung thư phổi), tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân khi ung thư mới chỉ khu trú ở phổi, khi đã lan tràn đến hạch lympho hoặc các cơ quan xung quanh phổi và khi đã di căn xa giảm lần lượt từ 65% xuống 37% và 9%. Với ung thư phổi tế bào nhỏ, số liệu thống kê chỉ còn lần lượt 30%, 18% và 3%.

Trong ung thư phổi, việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có vai trò rất quan trọng đến kết quả điều trị. Tuy nhiên ở nước ta, phần lớn bệnh nhân vẫn được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, do đó tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn còn khiêm tốn.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật