Người đàn ông bị rối loạn tâm thần sau đột quỵ não
Theo thông tin trên VTV News, nam bệnh nhân N.V.C (trú tại La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) điều trị đột quỵ nhồi máu não (di chứng liệt 1/2 người phải) tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 từ ngày 1/8/2023 đến ngày 9/8/2023.
Sau khi ra viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân luôn cho rằng tay, chân bên liệt không phải của mình, bị người khác điều khiển, dùng chính tay liệt muốn làm hại bệnh nhân. Do đó bệnh nhân thường có hành vi dùng tay lành để ghìm giữ, cấu véo và đánh lại tay bên liệt nhằm tự vệ.
Đồng thời, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy tê bì, ngứa ngáy, đau nhức, cảm giác như có nhiều côn trùng bò dưới da bên tay liệt cả ngày và đêm, làm cho bệnh nhân không thể ngủ được.
Tình trạng tê bì, đau nhức, ngứa ngáy khiến bệnh nhân càng gãi, cấu véo tay bên liệt nhiều hơn tạo thành những thương tổn phần mềm và sây sát da khắp cả mặt trước và mặt sau cẳng tay bên phải.
Cuối tháng 9, bệnh nhân được gia đình đưa vào khoa Tâm thần (AM6) Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng có hội chứng Paranoid rầm rộ (ảo xúc giác, hoang tưởng bị chi phối, hoang tưởng bị hại) và các thương tổn phần mềm loét da tự tạo vùng cẳng tay bên phải.
Đột quỵ não là bệnh lý nguy hiểm và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa
Bệnh nhân đã được điều trị bằng tiêm thuốc an thần kinh. Sau 5 ngày dùng thuốc, các triệu chứng ảo xúc giác thuyên giảm rõ cả về cường độ và thời gian, hoang tưởng bị chi phối và hoang tưởng bị hại mờ nhạt dần.
Bệnh nhân đêm ngủ được khoảng 3-4 tiếng, giấc ngủ sâu và khoảng 30-40 phút buổi trưa. Từ ngày thứ 6, bệnh nhân được chuyển thuốc an thần đường uống.
Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân ăn, ngủ tốt, hết hoang tưởng, ảo giác, các vết loét da dần hồi phục và ra viện tiếp tục uống thuốc duy trì.
Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp ảo giác hiếm gặp. Trong thực hành lâm sàng tâm thần, ảo giác hay gặp phần lớn là ảo thanh (khoảng 80%), trong khi ảo xúc giác (cảm giác côn trùng bò dưới da, giòi đục trong xương…) khá hiếm gặp (chỉ chiếm khoảng 5%, thường xuất hiện trên người nghiện Heroin). Trên bệnh nhân này có ảo xúc giác khá điển hình và rầm rộ, chi phối hành vi tự hủy hoại gây ra nhiều vết loét da trên tay bên liệt.
Đột quỵ não là bệnh lý nguy hiểm và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh nhân sau đột quỵ não có thể chịu nhiều di chứng nặng nề, trong đó có các rối loạn tâm thần (hoang tưởng, ảo giác…) chi phối suy nghĩ, tạo ra hành vi tự hủy hoại hoặc có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh. Điều trị các triệu chứng loạn thần ở bệnh nhân sau đột quỵ não đáp ứng tốt với các thuốc an thần kinh.
Bệnh nhân 37 tuổi nhập viện cấp cứu khi đang chạy bộ
VietNamNet dẫn thông tị từ ThS.BS Đỗ Quốc Phong - Phó Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi đang chạy bộ.
Cụ thể, bệnh nhân N.M.H (37 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện cấp cứu khi đang tham gia giải chạy bộ phong trào. Đang chạy, bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu, được sơ cứu tại bệnh viện gần điểm chạy sau đó chuyển tới Bệnh viện E.
Tại đây, bệnh nhân H. có biểu hiện kích thích vật vã, được đánh giá mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bác sĩ chẩn đoán sơ bộ anh bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức, theo dõi tình trạng tiêu cơ vân.
Xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu toan chuyển hóa, suy thận cấp, tăng CK máu (một loại enzyme xúc tác phản ứng sinh hóa của cơ thể). Bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định điều trị tích cực, lọc máu. Hai tuần sau, tình trạng bệnh nhân cải thiện, có nước tiểu.
Bất cứ ai khi tham gia hoạt động thể lực gắng sức đều có thể dẫn tới choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn. Ảnh minh họa
Bệnh nhân H. có tiền sử khỏe mạnh, bản thân anh cũng thường xuyên luyện tập. Tuy nhiên, trước giải chạy ba ngày, bệnh nhân có bị sốt. Hết sốt, anh H. nghĩ mình đã khỏe nên tham gia giải chạy. Các bác sĩ cho rằng đây là sai lầm của bệnh nhân và rất nhiều người đang mắc phải đã vô tình gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Phong, mỗi năm khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đều tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Trường hợp như anh H. cũng không phải hiếm gặp.
Bất cứ ai khi tham gia hoạt động thể lực gắng sức đều có thể dẫn tới choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn. Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Bệnh ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hóa
Báo Người Lao Động đưa tin chiều 19/10, tại lễ phát động Chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú và hoạt động "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới, chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có 21.555 ca ung thư vú được phát hiện. Bệnh ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Tại Bệnh viện K ghi nhận không ít những bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi đã bị ung thư vú.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ, do yếu tố tâm lý, nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để phát hiện sớm ung thư vú. Trong khi nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, chi phi thấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Người Lao Động
"Nhiều chị em tới bệnh viện thăm khám ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, hiệu quả kém. Vì vậy việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đối với phụ nữ bước sang tuổi 40 vào chương trình khám sức khỏe định kỳ để đẩy lùi căn bệnh này. Chị em hãy chủ động khám định kỳ", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng tại lễ phát động, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết hơn 10 năm qua, chiến dịch đã khám, tầm soát miễn phí cho hơn 72.000 phụ nữ trên toàn quốc. Hàng ngàn phụ nữ đã được hướng dẫn cách chăm sóc ngực, phát hiện bệnh sớm, phòng bệnh và giải đáp những thắc mắc về bệnh.
XEM THÊM: Bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đà Nẵng có kết quả xét nghiệm âm tính
Năm nay, Quỹ đã triển khai hàng loạt các hoạt động dành cho người bệnh ung thư vú như "Diễn đàn bệnh nhân ung thư vú" tại Hà Nội và TP.HCM để người bệnh được bác sĩ giải đáp những thắc mắc trong và sau điều trị.
Đặc biệt, quá trình điều trị, ngoài việc đối diện với mệt mỏi, đau đớn, những bệnh nhân ung thư còn tự ti vì mái tóc dài, óng ả chỉ còn lơ thơ vài sợi vì tác dụng phụ của hóa chất. Vậy nên, Quỹ tiếp tục duy trì hoạt động tặng tóc cho bệnh nhân ung thư.
Đây là những mái tóc được dệt từ tóc thật của người hiến tóc với hy vọng mang đến cho những "chiến binh" ung thư tình cảm và sự quan tâm của cộng đồng, giúp người bệnh có thêm ý chí chiến thắng bệnh tật.
Đinh Kim (T/h)