Nỗ lực cứu sản phụ băng huyết “thập tử nhất sinh”
Báo Công An Nhân Dân đưa tin chiều 18/10, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ của đơn vị vừa nỗ lực cứu sống sản phụ T.U.B (SN 1978, ngụ Bạc Liêu) bị băng huyết “thập tử nhất sinh” bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch.
Trước đó, sản phụ được tuyển trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng niêm nhợt, da xanh, mạch nhanh, huyết áp thấp. Trước đó, sản phụ sinh thường ở bệnh viện địa phương, đến giờ thứ 3 biểu hiện băng huyết sau sinh do đờ tử cung.
Các bác sĩ lập tức phẫu thuật cắt tử cung cầm máu cấp cứu, truyền 6 đơn vị máu, khẩn cấp chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tiền sử sản phụ thai kỳ khỏe mạnh, đa nhân xơ tử cung, sinh con thứ 4.
Các bác sĩ quyết định chuyển sản phụ sang khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với chẩn đoán hậu phẫu cắt tử cung toàn phần, băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu, thiếu máu nặng, suy đa cơ quan. Tình trạng chảy máu tiếp tục diễn tiến, ống dẫn lưu ra máu đỏ tươi, chảy máu thành bụng, rối loạn đông máu… Bác sĩ quyết định phẫu thuật cầm máu cho bệnh nhân.
Sức khỏe của sản phụ hiện đã ổn định. Ảnh: Công An Nhân Dân
Các bác sĩ rạch đường mổ cũ vào ổ bụng thấy 300g máu tươi, máu cục, thám sát thấy rịn máu nhiều nơi. Góc trái sau phúc mạc có khối máu tụ 500g, chảy máu nhiều vị trí, phức tạp, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực mạch máu phối hợp kiểm tra, thấy máu chảy từ mỏm cắt tử cung nên tiến hành khâu cầm máu mỏm cắt, dẫn lưu ổ bụng…
Giờ thứ 7 sau phẫu thuật, tình trạng xuất huyết tiếp tục, huyết áp thấp, mạch nhanh, ống dẫn lưu 700ml máu đỏ sậm. Các bác sĩ hội chẩn chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang, kết quả có hiện tượng thoát mạch.
Ekip can thiệp tiến hành chụp, nút mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền (DSA), ghi nhận tổn thương dạng ổ đọng thuốc bất thường từ nhánh động mạch chậu trong hai bên; chọn lọc từng nhánh động mạch có tổn thương, xác định vị trí, tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo.
Chiều 18/10, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, niêm hồng, vết mổ khô được chuyển khoa Sản theo dõi và điều trị. Quá trình cấp cứu, phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 20 đơn vị máu và chế phẩm máu được cung cấp từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang và Bệnh viện Huyết học –Truyền máu Cần Thơ.
Người đàn ông 53 tuổi bị uốn ván vì tự cắt trĩ tại nhà
Theo thông tin trên VTC News, ngày 18/10, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận và điều trị cho 2 ca bệnh được chẩn đoán mắc uốn ván. Trường hợp đầu tiên là ông Đ.V.N (53 tuổi ở Hoà Bình). Trước khi nhập viện một tuần ông N. từng nhờ người quen tự cắt trĩ tại nhà.
Sau cắt trĩ, ông xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém. Gia đình đưa ông đi cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương, được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván.
Do tình trạng bệnh nặng, ông được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng co giật, cứng hàm và được chẩn đoán uốn ván toàn thể. Hiện tại bệnh nhân đang được an thần, thở máy.
Một bệnh nhân bị uốn ván điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: VTC News
Trường hợp thứ hai là bà P.T.N. (68 tuổi ở Sơn La). Trước khi nhập viện, bà N. bị ngã ở chuồng lợn, bầm tím, xây sát da vùng mông. Ba ngày sau, bà N xuất hiện triệu chứng cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, co giật toàn thân.
Bà được gia đình đưa đến nhập viện tại cơ sở y tế địa phương, chẩn đoán mắc bệnh uốn ván. Tại đây, bà được mở khí quản cấp cứu, an thần, thở máy. Tuy nhiên tình trạng sốt, co giật không thuyên giảm và được chuyển đến tuyến trên trong tình trạng an thần thở máy qua nội khí quản. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chẩn đoán bà bị sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể.
Các chuyên gia cho biết, uốn ván là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào. Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tai hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động.
XEM THÊM: Kem trộn trứng gà “siêu trắng da” trên Tiktok: Bác sĩ thoảng thốt vì nhiều thành phần độc lạ
Bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co cứng, co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở. Điều trị các ca uốn ván nặng cũng đòi hòi quá trình chăm sóc tích cực, thở máy kéo dài, nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, cách thức phòng ngừa uốn ván tốt nhất vẫn là tiêm vaccine và xử lý đúng cách các vết thương có nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván.
Ăn lẩu ở quán vỉa hè, 5 người nhập viện cấp cứu
Ngày 18/10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn liên quan vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm khiến 5 người nhập viện xảy ra tại quán lẩu trên đường Thanh Niên, tổ 8, phường Sông Cầu, TP.Bắc Kạn.
Theo VietNamNet, sau 10 phút ăn lẩu và uống rượu tại quán trên vào tối 17/10, cả 5 người (gồm 3 nam, 2 nữ) đều có dấu hiệu hoa mắt, da mặt tái, khô miệng và nôn, một người bị lả đi tại chỗ.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết, các bệnh nhân được đưa đến khoa Cấp cứu có dấu hiệu tím tái, khó thở, nôn, lả người, lạnh, huyết áp tụt, đồng tử giãn. Ekip bác sĩ đã xử trí xông dạ dày, thở oxy, bơm rửa đường tiêu hóa… theo phác đồ của cấp cứu ngộ độc. Sau xử trí, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần ổn định, tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Cả 5 người đều có dấu hiệu hoa mắt, da mặt tái, khô miệng và nôn, một người bị lả đi tại chỗ, sau khi dùng bữa tại quán lẩu. Ảnh minh họa
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo bệnh viện tỉnh tập trung nguồn lực, tích cực điều trị cho các bệnh nhân trên. Trong trường hợp cần thiết, bệnh viện có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đề nghị Bắc Kạn tạm thời đình chỉ quán lẩu để tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp về Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đinh Kim (T/h)