Người đàn ông suy đa tạng sau 3 ngày chế biến thịt lợn
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, nam bệnh nhân P.V.B. (47 tuổi, ở phường Đại Yên, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, tiên lượng nguy kịch.
Theo lời kể của gia đình người bệnh, trước đó 3 ngày, bệnh nhân có mua thịt lợn về nhà và trực tiếp chế biến nấu ăn. Sau đó, bệnh nhân bị đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau bụng từng cơn quanh rối, người mệt mỏi, tụt huyết áp, nổi vân tím toàn thân, xuất huyết dưới da rải rác nên người nhà vội đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, suy đa tạng. Dựa trên thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, theo dõi liên cầu khuẩn lợn.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, theo dõi liên cầu khuẩn lợn. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ đã xử trí điều trị bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu hấp phụ, bù dịch, điện giải… Kết quả nuôi cấy máu xác định dương tính với liên cầu khuẩn lợn.
Sau 8 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã thoát nguy kịch, sức khỏe ổn định, chỉ số nhiễm trùng cải thiện.
Được biết, vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học là Streptococcus suis) thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Đường lây nhiễm có thể thông qua đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể do người bệnh ăn tiết canh, thịt sống hoặc qua đường tiếp xúc với máu, dịch tiết, thịt lợn sống thông qua vết thương trầy xước từ da, niêm mạc của người.
XEM THÊM: Hà Giang: 11 cháu bé bị ngộ độc sau khi ăn một loại quả rừng
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng lợn và thịt lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn chết hoặc bị bệnh.
Đối với người chăn nuôi và giết mổ, cần thực hiện vệ sinh cá nhân, trang bị bảo hộ lao động, giữ tay không bị trầy xước và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với lợn để tránh vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, thường xuyên cọ rửa chuồng gia súc và tẩy uế bằng dung dịch diệt khuẩn, xử lý phân hợp lý tránh đào thải mầm bệnh ra ngoại cảnh.
Cứu sống bé sơ sinh bị xoắn ruột non hiếm gặp
Theo báo Nhân Dân, Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh - Nhi Sơ sinh, Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện vừa điều trị thành công trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh hiếm gặp, xoắn nghẹt ruột non.
Bệnh nhi sinh non tháng 34 tuần 4 ngày với cân nặng 2,1kg, sinh mổ vì thai suy. Sau sinh da bụng tái, trẻ rên rỉ, phản ứng thành bụng dương tính sờ cứng toàn bụng. Sản phụ cho biết, từ đêm trước sinh, bào thai ít cử động.
Kết quả siêu âm ghi nhận thai nhi có dạ dày và đại tràng giãn. Bác sĩ đề nghị theo dõi viêm phúc mạc bào thai, dị tật đường tiêu hóa. Trẻ được chuyển về khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh - Nhi sơ sinh Bệnh viện Trung ương Huế tích cực điều trị.
Bệnh nhi hiện đã được xuất viện. Ảnh: Nhân Dân
Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột và chỉ định phẫu thuật cấp cứu cận lâm sàng cho bệnh nhi sau khi sinh 9 giờ. Khi mở ổ bụng, các bác sĩ phát hiện 1 đoạn ruột non của bệnh nhi thoát vị qua khiếm khuyết tự nhiên ở mạc treo ruột non, dẫn đến xoắn nghẹt ruột.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển đến chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh - Nhi sơ sinh, được nuôi dưỡng tĩnh mạch đảm bảo hồi phục năng lượng sau cuộc đại phẫu, điều trị kháng sinh tích cực, bổ sung vitamin.
Cuộc mổ lần hai diễn ra sau 6 ngày để làm lại miệng nối bị hẹp. Trẻ được cho ăn qua đường miệng tăng dần theo nhu cầu, bé bú tốt, lên cân, tiêu tiểu bình thường, bụng mềm, vết mổ liền sẹo tốt. Sau khi được điều trị phẫu thuật 2 lần cùng với điều trị nội nhi tích cực, đến nay bệnh nhi được xuất viện.
Kịp thời cứu người đàn ông 61 tuổi bị nhồi máu cơ tim
Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, ngày 31/7, các bác sĩ đơn nguyên can thiệp tim mạch của bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ nhất nhờ được can thiệp mạch kịp thời.
Cụ thể, bệnh nhân là N.B.Đ, 61 tuổi, ở phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Trước khi vào viện 1 giờ, bệnh nhân bỗng xuất hiện đau ngực trái sau xương ức, cảm giác tức nặng, vã mồ hôi, kèm khó thở nên gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.
Qua thăm khám, kiểm tra và làm các bước xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim thành dưới cấp giờ thứ nhất, có biến chứng rối loạn nhịp chậm cần được đặt máy tạo nhịp tạm thời và can thiệp cấp cứu.
Các bác sĩ can thiệp đặt stent mạch vành cho người bệnh tim mạch. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Ngay sau đó, ekip can thiệp do ThS.BS Đinh Danh Trình, Phụ trách Đơn nguyên can thiệp tim mạch đã tiến hành đặt một điện cực tạo nhịp tạm thời ở buồng tim phải để ổn định nhịp tim cho người bệnh và chụp động mạch vành cấp cứu, đồng thời tiến hành hút huyết khối, đặt 1 stent cho bệnh nhân.
Sau can thiệp 1 ngày, bệnh nhân tỉnh, hết đau ngực, tim đều, huyết áp ổn định, phổi thông khí rõ, bụng mềm đang được theo dõi và điều trị tiếp tại khoa Tim mạch, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Bệnh viện Bãi Cháy cho biết thêm, trong ngày 31/7, ekip can thiệp tim mạch cũng đã triển khai can thiệp đặt stent mạch vành thành công cho 4 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim khác.
Đinh Kim (T/h)