Phát hiện hàng chục con giòi trong tai người đàn ông
Theo báo An Ninh Thủ Đô, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thông tin, đơn vị vừa tiếp nhận nam bệnh nhân V.V.T (63 tuổi, ở Gia Viễn, Ninh Bình) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sưng và đau nhiều trong tai, ù tai, nghe kém kèm xung huyết và tiết dịch.
Qua khai thác bệnh sử, người bệnh bị viêm tai giữa cách đây 2 năm. Một tuần trở lại đây, bệnh nhân có hiện tượng đau nhức nên đã đi khám tại một số cơ sở y tế và được điều trị bằng thuốc uống nhưng triệu chứng vẫn không thuyên giảm, tình trạng đau nhức ngày càng tăng.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, sau khi tiến hành nội soi, các bác sĩ phát hiện nhiều con giòi lấp đầy hòm nhĩ người bệnh. Các bác sĩ đã gắp ra hơn chục con giòi tại chỗ nhưng do ống tai sưng nề, chít hẹp và còn rất nhiều giòi cùng tổ chức viêm bên trong nên không thể xử lý hết.
Người bệnh được chỉ định tạm thời điều trị nội khoa, tiêm truyền kháng sinh, kê thuốc giảm viêm. Ngày hôm sau, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nội soi, gắp hàng chục con giòi sống và lấy sạch tổ chức viêm trong tai giữa của bệnh nhân. Hiện tại, tình trạng tai của người bệnh đã ổn định.
Bác sĩ gắp ra nhiều con giòi từ tai nam bệnh nhân. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Bác sĩ Phạm Anh Tuấn – người trực tiếp thực hiện điều trị cho bệnh nhân cho biết, đây là trường hợp hiếm gặp khi có hàng chục con giòi ở trong tai. Nguyên nhân là do người bệnh có tiền sử bị viêm tai giữa không được điều trị triệt để và vệ sinh sạch, đúng cách nên còn mủ. Khu vực viêm này thu hút ruồi cái đẻ trứng bên trong và phát triển thành giòi.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, điều trị dứt điểm các bệnh lý về tai, nhất là khi bị viêm tai giữa, không nên chủ quan khi bị côn trùng bay vào tai.
Lấy khối sỏi san hô lớn ra khỏi thận nam bệnh nhân 65 tuổi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho hay, các bác sĩ khoa Ngoại thận – Tiết niệu vừa tiến hành phẫu thuật lấy một khối sỏi lớn trong thận cho nam bệnh nhân 65 tuổi trú tại Kinh Môn (Hải Dương).
Theo Ths.Bs Nguyễn Như Trung, khoa Ngoại thận - Tiết niệu, việc phẫu thuật lấy sỏi rất khó khăn bởi khối sỏi có kích thước lớn và xù xì nhiều ngạnh, chỉ cần 1 sơ suất nhỏ có thể khiến cho người bệnh bị chảy máu, thậm chí phải cắt bỏ thận.
Ca phẫu thuật diễn ra trong gần 2 giờ, các bác sĩ đã lấy được 1 khối sỏi san hô lớn xù xì, nhiều ngạnh kích thước 5x7cm ra khỏi thận của người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi bị đau vùng thắt lưng hoặc tiểu tiện ra máu, tiểu buốt, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà.
Siêu âm thận, chụp X-quang ổ bụng là phương pháp cận lâm sàng cơ bản giúp phát hiện sỏi đường tiết niệu. Khi phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ giúp các bác sĩ có hướng điều trị tốt nhất.
Nếu để quá lâu sỏi sẽ tàn phá, làm mất chức năng thận, gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh.
Phẫu thuật nôi soi thành công ca bệnh viêm khớp gối hiếm gặp
Bệnh viện E vừa thực hiện thành công phẫu thuật nội soi cắt màng hoạt dịch điều trị bệnh viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố cho nữ bệnh nhân 16 tuổi ở Cầu Giấy (Hà Nội), theo báo Giáo Dục và Thời Đại. Được biết, đây là căn bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán, gây sưng đau nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh nhân thường xuyên bị sưng đau khớp gối bên trái từ rất lâu. Những đợt đau, sưng khớp gối, người bệnh đã khám ở nhiều cơ sở y tế, dùng thuốc điều trị nội khoa, chọc hút dịch khớp nhiều lần nhưng bệnh vẫn tái phát và mức độ sưng đau tăng tiến hơn.
Qua thăm khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, người bệnh được bác sĩ khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện E chẩn đoán mắc bệnh viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố.
Bác sĩ chăm sóc cho nữ bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: VietnamPlus
Bác sĩ CKII Kiều Quốc Hiền, khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình cho biết, khớp gối trái của người bệnh sưng, tràn dịch rất nhiều, vận động gấp khớp gối đau, màng hoạt dịch dày. Kết quả siêu âm cũng cho thấy, người bệnh bị tràn dịch khớp rất nhiều, màng hoạt dịch rất dày tạo thành các đám màng dịch dày ụ lên.
Theo bác sĩ Hiền, phẫu thuật nội soi cắt màng hoạt dịch khớp là phương pháp điều trị tốt nhất trong điều trị bệnh lý màng hoạt dịch này. Tuy nhiên, sau phẫu thuật cần theo dõi sự tiến triển của bệnh. Nếu bệnh tái phát nhanh, khớp gối bị hư hại hoàn toàn, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối hoặc xạ trị tại chỗ, giúp bệnh nhân thoát nguy cơ mất khả năng vận động tại khớp tổn thương.
Viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố là bệnh lý của màng hoạt dịch có thể gặp ở tất cả các khớp hoạt dịch nhưng chủ yếu ở gặp ở khớp gối. Tuổi hay gặp là sau 30 tuổi, tổn thương gây tình trạng sưng nề, đau nhức kèm theo lắng đọng hoạt chất có tính kim loại hemosiderin ở trong khớp.
"Điều đáng nói là bệnh này được phát hiện ở những bệnh nhân từ 30-50 tuổi, không mang yếu tố giới tính. Tuy nhiên, người bệnh này mắc căn bệnh hiếm gặp từ năm 8 tuổi là quá trẻ và chưa rõ nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh, nhất là ở độ tuổi thiếu niên.
XEM THÊM: Chỉ vì vết loét ở lưỡi, người phụ nữ ngỡ ngàng khi biết đó là dấu hiệu của ung thư
Những triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lao khớp, viêm màng hoạt dịch, viêm đa khớp, thấp khớp thông thường. Bệnh tái phát theo thời gian, mức độ hủy hoại khớp tăng tiến, người bệnh có nguy cơ mất khả năng vận động tại khớp bị bệnh," bác sĩ Hiền phân tích.
Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố sẽ giúp người bệnh giảm bớt các cơn sưng đau khớp, cải thiện chất lượng vận động.
Đinh Kim (T/h)