Lý do bé gái 5 tháng tuổi phải cắt bỏ một buồng trứng
Theo VTC News, ngày 17/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bé gái Đ.M.A (5 tháng tuổi, Hà Nội) thoát vị bẹn trái nghẹt, buồng trứng trong bao thoát nghẹt, hoại tử.
Hai ngày trước khi vào viện, cha mẹ tình cờ phát hiện một bên mu bẹn trái của bé to hơn bên phải, sờ vào thấy khối cứng và đau. Bệnh nhi quấy khóc nhiều nên gia đình đưa bé tới bệnh viện để kiểm tra.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị bẹn nghẹt và bệnh nhi nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu. PGS.TS Nguyễn Việt Hoa - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh rất hay gặp ở trẻ, đặc biệt trẻ trai.
Ở trẻ gái hiếm gặp hơn và thường khó phát hiện vì không có triệu chứng điển hình, thông thường sẽ thấy một bên mu hoặc môi lớn phồng to khi trẻ khóc, rặn, sờ vào có thể nhỏ lại hoặc không, trẻ có thể đau hoặc không đau.
Em bé được theo dõi sau phẫu thuật. Ảnh: VTC News
Bệnh nhi nói trên không phải trường hợp đầu tiên phải cắt bỏ buồng trứng hay cắt ruột do thoát vị bẹn nghẹt. Thực tế, khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh hàng năm vẫn gặp vài trường hợp thoát bị bẹn nghẹt đến muộn, sau phẫu thuật khả năng phục hồi chậm hơn do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.
PGS.TS Nguyễn Việt Hoa khuyến cáo phụ huynh cần phải cho con khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm để phòng ngừa các biến chứng.
Phát hiện trường hợp bị bệnh mô liên kết hỗn hợp hiếm gặp
Báo Tin Tức dẫn thông tin từ bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy - chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, chị N.T.N (50 tuổi, ngụ TP.HCM) có các triệu chứng điển hình của bệnh mô liên kết hỗn hợp bao gồm: ngón tay sưng cứng, đau cơ khớp, mỏi cơ, mệt mỏi, loét ở chân, da chân và tay xơ cứng, viêm loét tại vùng da xơ cứng, phát ban đỏ toàn thân, nuốt nghẹn thức ăn thô…
Bệnh nhân kể, hơn 2 tháng trước, chị thấy vùng da ở chân nổi vảy sừng và cứng hơn những vùng da khác. Các ngón tay, ngón chân sưng kèm đau nhức xương khớp. Sau đó, vùng da ở chân của chị càng xơ cứng, sờ cảm giác như gỗ.
Ở gần mắt cá và sau gót chân trái không chỉ nứt da mà còn lòi lớp mỡ gây sưng, đau, nhức. Vùng da chân đổi màu loang lổ, đốm đỏ đốm trắng, da gần vết thương có màu tím đậm. Sau đó, bệnh nhân phát hiện mặt, tay và chân xuất hiện ban đỏ và nhanh chóng lan ra toàn thân.
Nhận thấy tình trạng bệnh lạ, gây mệt và đau nhức nhiều, người bệnh đến phòng khám gần nhà được bác sĩ kê thuốc uống và bôi. Sau vài ngày, bệnh nhân thấy bệnh không đỡ, người vẫn mệt, đau nhức nên đến bệnh viện khám.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có kháng thể kháng nhân (ANA) dương tính, trong đó các kháng thể SS-A, Ro-52, RNP/Sm, Sm, Mi2 Beta, Ku, Scl 70 dương tính, yếu tố RF (+), tốc độ máu lắng tăng, hở van ba lá, tăng áp phổi, rung nhĩ.
Bác sĩ Võ Thị Tường Duy chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh mô liên kết hỗn hợp gồm: xơ cứng bì hệ thống, lupus đỏ hệ thống, viêm bì cơ. Ngoài ra, người bệnh còn bị viêm khớp dạng thấp.
Phần da chân của bệnh nhân bị đổi màu, sưng đau và lở loét. Ảnh: Báo Tin Tức
Theo bác sĩ Võ Thị Tường Duy, bệnh mô liên kết hỗn hợp là bệnh ít gặp, với tỷ lệ 1,9 ca/100.000 dân. Riêng ở bệnh nhân này còn hiếm gặp hơn khi những bệnh nhân khác chỉ bị một trong số loại bệnh mô liên kết gồm: xơ cứng bì hệ thống, lupus đỏ hệ thống, viêm bì cơ… nhưng chị lại bị cả 3 bệnh trong cùng một thời gian.
“Các triệu chứng chồng chéo làm tăng mức độ nặng của bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh nhanh chóng gặp những biến chứng như: tổn thương mao mạch, tắc động mạch, viêm cơ tim, viêm màng phổi, viêm phổi kẽ, giảm vận động thực quản, mất khả năng nuốt, viêm gan tự miễn, co giật, viêm màng não vô khuẩn, viêm cầu thận…”, bác sĩ Võ Thị Tường Duy nói.
Sau một tuần điều trị, vết thương lở loét ở chân của bệnh nhân đã dần lành lặn, hai chân giảm sưng nhiều, da mềm hơn, người bệnh không còn đau nhức, hết mệt mỏi. Người bệnh tiếp tục được kê thuốc điều trị mô liên kết hỗn hợp, bác sĩ dặn chị cần theo dõi tình trạng cơ thể và tái khám đúng lịch.
Xương cá xuyên thủng thực quản, thủng động mạch chủ ngực
Chiều ngày 17/5, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết các bác sĩ tại bệnh viện này vừa kịp thời phẫu thuật cứu chị N.T.N.G (34 tuổi) bị xương cá rô phi xuyên thủng thực quản và thủng động mạch chủ ngực, theo báo Người Lao Động.
Trước đó, bệnh nhân mua cá rô phi về nấu ăn trưa. Khi đang ăn thì cảm thấy khó chịu vùng cổ nên nuốt thêm vài miếng cơm, sau đó cảm thấy tức ngực. Nghĩ do công việc buôn bán mệt mỏi nên chị nằm nghỉ.
Chiều cùng ngày, cơn đau không giảm nên bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán trào ngược dạ dày - thực quản. Sau hai ngày điều trị, tình trạng đau tức ngực, nuốt vướng ngày càng nặng nên chị đến phòng khám tư trên địa bàn thành phố khám lại.
Qua nội soi thực quản và chụp CT-scan, bác sĩ phát hiện một phần dị vật như xương cá đang cắm lún vào thực quản, tiến tới nằm sát cung động mạch chủ ngực. Nhận định đây là động mạch lớn, nếu bị dị vật xuyên thủng có thể làm người bệnh tử vong do mất máu cấp, phòng khám chuyển chị đến Bệnh viện Bình Dân để cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhân sốt, lừ đừ, đau tức ngực và mệt nhiều. Các bác sĩ nhận định dị vật đâm xuyên phức tạp nên đã hội chẩn toàn viện với các chuyên khoa, đồng thời phối hợp với các bác sĩ từ Viện Tim TP.HCM để tiến hành phẫu thuật.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Người Lao Động
Bác sĩ CKII Hồ Khánh Đức - Trưởng Khoa Phẫu thuật tim - Mạch máu Bệnh viện Bình Dân, cho biết trước phẫu thuật, bệnh nhân đối mặt nguy cơ dị vật đâm thủng động mạch chủ ngực gây mất máu cấp lượng lớn dẫn đến tử vong và thực quản thủng khiến các vi khuẩn xâm nhập vào trung thất gây viêm tụ mủ trung thất. Đây là biến chứng nặng nề có thể gây tử vong trong thời gian ngắn.
"Vì vậy, các bác sĩ cần can thiệp phẫu thuật nhanh chóng để thực hiện đồng thời 3 mục tiêu trong một cuộc phẫu thuật gồm: Khâu lỗ thủng động mạch chủ ngực; khâu lỗ thủng thực quản; lấy dị vật ra khỏi cơ thể người bệnh", bác sĩ Hồ Khánh Đức chia sẻ.
Các bác sĩ đã mở ngực trái, lần tìm vết thủng để khâu mạch máu động mạch chủ ngực. Sau đó, tiếp tục thám sát lòng thực quản thấy dị vật đã xuyên thành thực quản ra ngoài lồng ngực rồi đâm thủng động mạch chủ ngực. Đặc biệt, mảnh xương cá không còn ở vị trí như trên phim CT-scan chụp trước đó mà trôi tự do trong lồng ngực bệnh nhân.
Sau gần 30 phút tìm kiếm, ê kíp đã xác định được dị vật và gắp ra ngoài. Chiếc xương cá có chiều dài khoảng 3 cm, chỗ rộng nhất khoảng 0,6 cm. Sau 1 tuần phẫu thuật, hiện người bệnh đã khỏe mạnh và được xuất viện.
Đinh Kim (T/h)