Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 15/5: Tái tạo ngón tay cái từ ngón chân cho người phụ nữ 45 tuổi

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/5/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 15/5/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tái tạo ngón tay cái từ ngón chân cho người phụ nữ 45 tuổi

VOV đưa tin, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viên Đại học Y Hà Nội vừa thành công trong việc phẫu thuật chuyển ngón chân lên để tạo hình lại ngón cái bàn tay cho bệnh nhân L.T.Đ (nữ, 45 tuổi).

Cách đây hơn 7 tháng, bệnh nhân bị tai nạn lao động, máy ép trong cơ sở sản xuất của gia đình ép vào bàn tay trái gây thương tích. Sau tai nạn, bệnh nhân được xử lý phẫu thuật cắt lọc, xử lý vết thương ngón II - V, sửa mỏm cụt ngón I tay trái, ghép da.

Sau khi về nhà từ bệnh viện với bàn tay chỉ có 4 ngón, cuộc sống của người bệnh bị đảo lộn, khó khăn bội phần, chưa kể đến những đau đớn do tai nạn gây ra, mất ngón tay cái khiến chị không thể cầm nắm hay sinh hoạt. Ngón tay luôn có cảm giác đau nhức khó tả. Chị không thể trở lại với công việc hàng ngày, thậm chí không thể buộc tóc cho mình.

Các bác sĩ cho biết, bàn tay có vai trò rất quan trọng trong lao động, đặc biệt hơn nữa là ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay nên việc tạo hình lại ngón tay cái với những bệnh nhân bị cụt ngón cái như trường hợp của chị Đ. là việc quan trọng trong quá trình điều trị. 

Bệnh nhân bị tổn thương mất tới nền đốt bàn ngón I tay trái; gân duỗi ngón cái dài, gân duỗi ngón cái ngắn, gân gấp ngón cái dài bị co rút. Bên cạnh đó, dây thần kinh chi phối ngón tay cái cũng bị tổn thương.

Hình chụp X-Quang hai bàn tay người bệnh trước khi làm phẫu thuật. Ảnh: VOV

Theo bác sĩ Hoàng Hồng, người phụ trách phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân, sau khi thăm khám bệnh nhân, bác sĩ quyết định lựa chọn lấy ngón chân II bên trái để chuyển lên tạo hình ngón cái tay trái cho người bệnh. Sự lựa chọn này do tính tương đồng, kích thước ngón chân trái đó gần giống với ngón tay cái còn lại của bệnh nhân.

Ngày 13/4, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành phẫu thuật vi phẫu, chuyển ngón II chân trái lên tay, tái tạo ngón I tay trái cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được găm kim Kirschner cố định xương đốt bàn ngón I tay trái với xương đốt bàn ngón II bàn chân trái; khâu tạo hình phục hồi lại gân gấp ngón cái dài, các gân duỗi ngón cái dài, ngón cái ngắn; khâu nối động mạch, tĩnh mạch của vạt với động mạch cấp máu ở bàn tay và nối phục hồi dây thần kinh chi phối ngón tay cái bên trái.

Người bệnh được tập sớm và vận động ngay sau mổ. Đến nay, kết quả ca phẫu thuật rất khả quan, bệnh nhân được phục hồi ngón cái của tay trái với kích thước tương đương so với ngón tay của bàn tay lành. Ngón tái tạo thực hiện được các vận động gấp, duỗi, đối chiếu ngón… Bệnh nhân cũng thấy tự tin trở lại khi đã có ngón tay cái mới.

Người đàn ông nuốt 10 vỏ dầu gội cuốn tròn, đinh bọc túi nhựa

Sáng ngày 14/5, bác sĩ Võ Ngọc Cường - Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa ghi nhận một trường hợp nuốt nhiều dị vật khác nhau, theo Tri Thức Trực Tuyến.

Trước đó, nam bệnh nhân D.Q (42 tuổi, ở Long An) vào viện  trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm đại tiện phân lỏng. Qua khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết khoảng 20 ngày trước đã nuốt nhiều dị vật.

Sau khi thăm khám và chẩn đoán hình ảnh học ban đầu, bác sĩ Đinh Công Thành, Trưởng khoa Nội soi, ghi nhận khoảng 10 dị vật hình dáng khác nhau trong dạ dày bệnh nhân. Điều này khiến việc nội soi lấy dị vật gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình nội soi lấy dị vật, các bác sĩ cẩn thận từng chút để tránh nguy cơ gây thủng hoặc chảy máu thực quản. Sau hơn 2 giờ, các bác sĩ lấy ra 10 dị vật gồm nhiều gói thuốc và vỏ dầu gội cuốn tròn, một cây đinh nhọn bọc túi nhựa. Sức khỏe bệnh nhân hiện ổn định, không còn đau bụng và ăn uống được.

Các bác sĩ lấy ra 10 dị vật gồm nhiều gói thuốc và vỏ dầu gội cuốn tròn, một cây đinh nhọn bọc túi nhựa sau hơn 2 giờ nội soi. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Theo bác sĩ Tống Quốc Đăng Khoa (điều hành khoa Ngoại tổng hợp), dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu ngoại khoa không hiếm gặp. Tuy nhiên, đa số người bệnh tìm đến các bệnh viện tuyến thành phố để điều trị.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp Bệnh viện huyện Bình Chánh phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên khi gặp những ca cấp cứu dị vật đường tiêu hóa phức tạp do hạn chế chuyên môn, thiếu trang thiết bị hiện đại.

“Hiện nay, trình độ bác sĩ được nâng cao, trang thiết bị hiện đại được lắp đặt nên Bệnh viện huyện Bình Chánh hoàn toàn xử trí những trường hợp khó do nuốt dị vật”, bác sĩ Khoa nói.

Người đàn ông 56 tuổi tử vong sau 2 tháng bị chó cắn

Theo VOV, ngày 14/5, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) xác nhận, trên địa bàn có một trường hợp tử vong do bệnh dại. Cụ thể, nạn nhân là ông Lâm Văn Xìu (56 tuổi, ngụ ấp 5, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước).

Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp thông tin, qua xác minh, khoảng 2 tháng trước khi nhập viện, ông Xìu bị chó hàng xóm cắn nhưng không đi tiêm huyết thanh, tiêm vaccine phòng bệnh dại. Con chó cắn ông Xìu, trước đó đã cắn chết 2 con chó khác trong xóm.

Khi thấy ông Xìu xuất hiện các triệu chứng sợ nước, sợ ánh sáng, thu mình và có cảm giác khó thở thì người nhà mới đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp khám bệnh. Qua thăm khám, trung tâm nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa Bình Phước điều trị. Sau đó, bệnh nhân được làm thủ tục chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để điều trị nhưng không qua khỏi.

Người đàn ông tử vong sau 2 tháng bị chó nhà hàng xóm cắn. Ảnh minh họa: VOV

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp, sau khi sự việc xảy ra, trung tâm đã vận động những người tham gia chăm sóc người bệnh đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trạm Y tế xã Thanh Hòa tham mưu cho UBND xã tiêm phòng vaccine cho đàn chó, mèo trong khu vực.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật