Con vắt sống gần 20 ngày trong mũi bé 18 tháng tuổi
TS.BS CII Nguyễn Thanh Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết đơn vị này vừa gắp thành công con vắt sống gần 20 ngày trong mũi của bé trai 18 tháng tuổi, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Người nhà bệnh nhi kể, cách thời điểm nhập viện 2 tuần, gia đình có đưa cháu về Thái Nguyên và đi tắm suối. Về đến nhà, bệnh nhi có hiện tượng chảy máu ở mũi phải và rỉ rả nhiều lần trong suốt 10 ngày.
Con vắt được lấy ra đã hút căng máu, vẫn còn động đậy, dài khoảng 4cm. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Ban đầu, gia đình nghĩ con bị chảy máu cam bình thường. Bệnh nhi đi khám và được bác sĩ tư cho uống thuốc viêm mũi xuất huyết nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Tối ngày 14/8, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM trong tình trạng tỉnh, sinh hiệu ổn, mũi phải có dị vật động đậy nằm ở cửa mũi, sau đó chui vào hốc mũi.
Các bác sĩ cấp cứu đã cố gắng gắp nhưng dị vật chui vào hốc mũi, bệnh nhi không hợp tác nên phải chuyển vào phòng mổ để gây mê mới có thể lấy được dị vật ra. Con vắt được lấy ra đã hút căng máu, vẫn còn động đậy, dài khoảng 4cm. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, bé vui vẻ chơi đùa.
Người đàn ông sốc phản vệ vì tự ý dùng thuốc chữa đau răng
Theo VietNamNet, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) vừa cho biết kíp trực cấp cứu tiếp nhận một nam bệnh nhân 56 tuổi ở Hà Nội bị sốc phản vệ do tự ý dùng thuốc. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng phù nề toàn bộ hai mắt,môi, khàn tiếng, khó thở, tim nhịp không đều, huyết áp tụt còn 70/40…
Gia đình cho biết, phản ứng nói trên xảy ra sau ít phút bệnh nhân uống thuốc điều trị răng. Đáng chú ý, cách đây không lâu, người bênh từng một lần bị sốc phản vệ do dùng chính thuốc này, mua tại đúng cửa hàng thuốc lần trước. Tuy bác sĩ đã cảnh báo nhưng ông vẫn tiếp tục mua thuốc để sử dụng.
Sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở nhưng hai mắt và môi vẫn sưng nề. Khoảng 20 phút sau cấp cứu, người bệnh dần ổn định và chuyển điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.
Thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho bệnh nhân. Người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức, do gây tụt huyết áp nghiêm trọng và tắc nghẽn đường thở dẫn đến suy hô hấp cấp. Với trường hợp bệnh nhân trên, BS Đào Thị Ánh Tuyết – người trực tiếp cấp cứu, cho biết chỉ chậm thêm ít phút là bệnh nhân nguy hiểm tính mạng.
Phẫu thuật cấp cứu bệnh nhi bị xoắn ruột hoại tử hiếm gặp
Báo Đông Nai thông tin, các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa phẫu thuật cấp cứu bệnh nhi H.A (12 tuổi, ở TP Biên Hòa) bị xoắn ruột hoại tử nguy hiểm hiếm gặp. Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, sốt cao, lờ đờ, tái nhợt. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật cấp cứu để cứu sống bệnh nhi.
Theo BS Trần Ngọc Lưỡng -khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, quá trình phẫu thuật, bệnh nhi rơi vào trạng thái sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, mạch nhanh, có lúc lên đến 160-180 lần/phút, huyết áp hạ thấp.
Trong lúc mổ, bác sĩ phát hiện có nhiều quai ruột non bị xoắn và hoại tử đen; ổ bụng có rất nhiều dịch màu nâu đỏ, mùi hôi thối. Đây là nguyên nhân gây nên viêm phúc mạc ổ bụng và nhiễm trùng, nhiễm độc của bệnh nhi.
Bác sĩ dặn dò phụ huynh cách chăm sóc bệnh nhi sau ca phẫu thuật. Ảnh: Báo Đồng Nai
Sau khi phẫu thuật cắt khoảng 1,2m ruột non bị hoại tử của bệnh nhi, các bác sĩ tiến hành khâu nối, lưu thông tiêu hóa. Bệnh nhi vẫn tiếp tục bị nhiễm trùng, nhiễm độc những ngày đầu sau mổ, các bác sĩ phải sử dụng thuốc vận mạch để điều trị phối hợp. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhi được cải thiện, có thể ăn uống, sinh hoạt trở lại.
Bác sĩ Lưỡng chia sẻ, ca phẫu thuật rất khó khăn do bệnh nhi liên tục bị tụt huyết áp và sốc trong mổ, có những lúc tưởng như không thể qua khỏi. Tuy nhiên, cả ekip đã phối hợp nhịp nhàng để vừa phẫu thuật, vừa hồi sức, dùng vận mạch duy trì huyết áp cho bệnh nhi và hoàn thành ca mổ.
Đinh Kim (T/h)