Bé 22 tháng tuổi bị đinh vít 1,5cm găm vào phế quản
Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ Bệnh viện trẻ em Hải Phòng cho biết đơn vị này vừa cấp cứu thành công bé trai B.C.T (22 tháng tuổi, trú tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền) bị một chiếc đinh vít dài 1,5cm găm trong phế quản.
Trước đó, vào đêm ngày 12/8, bệnh nhi được gia đình đưa đến khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện trẻ em Hải Phòng trong tình trạng mệt mỏi, khó thở. Nguyên nhân được xác định do bệnh nhi nuốt phải chiếc đinh vít nhọn dài 1,5cm, sặc vào phổi.
Đinh vít được các bác sĩ lấy ra. Ảnh: Công An Nhân Dân
Kết quả chụp X-quang cho thấy, chiếc đinh vít găm ở phế quản gốc bên phải. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định thủ thuật nội soi. Xác định đây là ca bệnh khó, nguy cơ tai biến thủng đường thở do đầu nhọn ốc vít di chuyển gây ra, kíp nội soi do bác sĩ Vũ Trọng Tài phụ trách, với tinh thần trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn cao đã dùng thiết bị gắp thành công chiếc đinh vít mà không gây thương tổn gì cho đường thở.
Hiện, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, cháu bé tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viên trẻ em Hải Phòng. Nhân trường hợp này, bác sĩ Tài cho biết tình trạng trẻ nuốt sặc dị vật vào trong đường hô hấp rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong hoặc để lại những di chứng rất nặng.
Nếu phát hiện trẻ nuốt dị vật hay có các biểu hiện bất thường như nôn, nuốt đau, nuốt khó, đau bụng…, cha mẹ hoặc người trông trẻ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Người đàn ông 60 tuổi bị thủng thành dạ dày
VTV News đưa tin, các bác sĩ khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 60 tuổi bị thủng thành dạ dày do nuốt xác trà. Người bệnh đến bệnh viện thăm khám vào sáng ngày 8/8 trong tình trạng đau bụng dữ dội, đau từng đợt quặn bụng nhiều ngày, uống thuốc viêm dạ dày vẫn không hết.
Qua kiểm tra, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị hóc dị vật nên chỉ định nội soi dạ dày và chụp CTScan. Kết quả cận lâm sàng cho thấy có 1 dị vật cắm vào thành dạ dày bệnh nhân. Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định bệnh nhân nhập viện và tiến hành lấy dị vật ra khỏi dạ dày.
Ekip phẫu thuật khoa Ngoại tiêu hóa đã tiến hành nội soi gắp ra dị vật là một que xác trà dài khoảng 3cm, lỗ thủng sau đó được khâu kín lại qua mổ nội soi.
Xác trà dài khoảng 3cm đâm thủng dạ dày bệnh nhân được nội soi lấy ra ngoài. Ảnh: VTV News
Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, không còn đau bụng và sinh hoạt bình thường. Vợ của bệnh nhân kể ông có tiền sử bị đái tháo đường, không uống thuốc điều trị, bệnh nhân mua các gói trà dây thìa canh uống chữa tiểu đường. Bệnh nhân đã sử dụng một thời gian dài nhưng lần này do không chú ý nên nuốt luôn xác trà, dẫn đến tình trạng bị thủng dạ dày.
Đặt stent graff điều trị phình động mạch chủ ngực
Theo báo Đồng Nai, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa lần đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật đặt stent graff điều trị bệnh phình động mạch chủ ngực cho cụ ông 70 tuổi ở Hiệp Phước, Nhơn Trạch.
Người bệnh nhập viện cách đây 1 tuần trong tình trạng ho nhiều, khàn tiếng nặng. Kết quả chụp X-Quang phát hiện bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực rất lớn, khoảng 70mm, gấp 3,5 lần bình thường, nằm ở ngay đoạn có 3 nhánh mạch máu nuôi não, có nguy cơ dễ vỡ hơn bình thường. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, túi phình bị vỡ, bệnh nhân sẽ tử vong.
Trước khi đặt stent graff để che toàn bộ túi phình, làm cho dòng máu không tiếp tục lưu thông vào trong túi phình, các bác sĩ phải thực hiện 1 ca phẫu thuật khác nhằm dời các nhánh mạch máu nuôi não xuống vị trí xa hơn vị trí đặt stent để đảm bảo máu vẫn lưu thông vào 3 nhánh này để nuôi não.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng của người bệnh. Ảnh: Báo Đồng Nai
Theo TS.BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đây là kỹ thuật cao, rất khó. Quá trình thực hiện có rất nhiều nguy cơ nên yêu cầu bác sĩ phẫu thuật phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng khéo léo, đặc biệt cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ekip phẫu thuật và ekip gây mê hồi sức.
Bệnh viện cũng cần phải có đầy đủ máy móc hiện đại phục vụ ca phẫu thuật. Kỹ thuật đặt stent chỉ diễn ra trong 20 giây, đòi hỏi toàn bộ ê kíp phải rất tập trung, thực hiện chính xác đến từng mm. Nếu đặt stent không đúng vị trí, bệnh nhân sẽ gặp phải rất nhiều nguy cơ trong mổ như: tai biến mạch máu não, thủng động mạch chủ, vỡ phình, bóc tách động mạch chủ, chảy máu, suy thận, suy hô hấp… Hiện, sức khỏe của người bệnh cơ bản ổn định, bớt khàn tiếng nhiều.
Đinh Kim (T/h)