Bé gái 7 tuổi bị chấn thương sọ não do ngã xe đạp
Báo Dân Trí thông tin, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa tiếp nhận điều trị cho một bé gái 7 tuổi chấn thương sọ não do ngã xe đạp. Gia đình kể khoảng 18h ngày 9/8, bệnh nhi đi xe đạp tự ngã nhưng lúc này vẫn tỉnh táo, chỉ bị đau đầu.
Tuy nhiên, đến đêm, bệnh nhi xuất hiện tình trạng nôn ra thức ăn và đau đầu nhiều. Sáng ngày 10/8, bệnh nhi nôn nhiều hơn, gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhi được kiểm tra, chụp CT scanner sọ não. Kết quả cho thấy hình ảnh tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh phải; vỡ xương đỉnh, thái dương phải.
Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết hiện, các bác sĩ đang theo dõi sát sức khỏe của bệnh nhi, tình trạng tri giác và tình trạng khối máu tụ sọ não.
Bé gái 7 tuổi chấn thương sọ não do ngã xe đạp. Ảnh minh họa: Dân Trí
Nhân trường hợp này, các chuyên gia khuyến cáo chấn thương sọ não là chấn thương rất nguy hiểm nên cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu gặp các trường hợp té ngã chấn thương vùng đầu, cần phải theo dõi kỹ hoặc đưa bé đến bệnh viện kiểm tra nếu có bất thường như đau đầu, buồn nôn, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng.
Các bé trong độ tuổi tập đi và đi xe đạp cần có mũ bảo hiểm chuyên dụng cho trẻ. Cha mẹ, người chăm sóc cần quan tâm giám sát trẻ, giảm tối đa khả năng trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, cần dạy cho trẻ biết về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Bé 5 ngày tuổi bị thủng dạ dày bẩm sinh
Các bác sĩ khoa Sơ sinh – Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết vừa tiếp nhận bé T.X.E (5 ngày tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang) với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng huyết, theo VietNamNet.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, môi tái nhợt, da tái, thở rên rĩ, thở nhanh, khó thở, bụng chướng căng cứng, thành bụng nề đỏ, nồng độ oxy trong máu dưới 85% (bình thường phải trên 96%). Bé được cấp cứu và chuyển lên khu hồi sức tích cực của khoa Sơ sinh.
Tại đây, bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy hỗ trợ hô hấp, chống sốc, kháng sinh đường tĩnh mạch, nuôi ăn tĩnh mạch. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sốc nhiễm trùng nhiễm độc trên nền bệnh lý bụng ngoại khoa có viêm phúc mạc toàn thể.
Sau mổ, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phúc mạc do vỡ toát dạ dày kèm hoại tử 4cm. Sau mổ 6 ngày, bệnh nhi được rút nội khí quản, cai máy thở. Ngày thứ 7 sau mổ, bé được bắt đầu cho ăn sữa ít tăng dần. Gần 2 tuần sau mổ, bệnh nhi được chuyển ra phòng ngoài với mẹ, bú mẹ và xuất viện sau 20 ngày điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Theo ThS.BS Võ Ngọc Lân, khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, trong quá trình phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi, kíp mổ phát hiện dạ dày bé vỡ toác ra từ đáy vị đến thân vị toàn bộ mặt trước của ổ vỡ không có lớp cơ, chỉ có lớp niêm mạc, rất khó khăn trong việc khâu lại ổ vỡ dạ dày.
Cứu bệnh nhân sốc mất máu do vật nhọn đâm thấu bụng
Theo báo Hà Tĩnh, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện kịp thời cứu sống bệnh nhân H.B.B (48 tuổi, trú xã Trung Lộc, huyện Can Lộc) sốc mất máu do bị vật sắc nhọn đâm thấu bụng.
Trước đó, trong lúc trèo cây, do bất cẩn nên bệnh nhân bị ngã và bị dao đâm vào vùng bụng gây lòi ruột kèm chảy máu nhiều. Người bệnh nhân tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu. Các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và chẩn đoán: Sốc mất máu - vết thương thấu bụng.
Sau đó, các bác sĩ tiến hành truyền dịch, sử dụng thuốc vận mạch, đồng thời kích hoạt quy trình báo động đỏ và tiến hành chuyển mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Kíp phẫu thuật có sự tham gia của các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hoá, Ngoại Tổng hợp, Kíp gây mê - Khoa Gây mê hồi sức, khoa Huyết học truyền máu phối hợp truyền máu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi điều trị hậu phẫu tại khoa Ngoại Tiêu hóa. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Ngay sau khi mở ổ bụng, các bác sĩ phát hiện ruột non của người bệnh bị thủng nhiều chỗ, đứt động mạch mạc treo ruột non, đứt động mạch chậu, xuất hiện nhiều máu tươi và máu cục trong ổ bụng.
Sau gần 4 tiếng, với sự phối hợp nhịp nhàng và khẩn trương, các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu mạch mạc treo ruột non, khâu lỗ thủng ruột non, khâu vết thương động mạch chậu trong, lấy ra 2.000ml máu tươi và máu cục, đồng thời tiến hành chuyền 4 đơn vị khối hồng cầu và 2 đơn vị huyết tương tươi. Sau mổ, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và đang tiếp tục được theo dõi điều trị hậu phẫu tại khoa Ngoại Tiêu hóa.
Đinh Kim (T/h)