Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 13/1: Giành lại sự sống cho 2 mẹ con thai phụ bị sản giật nặng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/1/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 13/1/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Giành lại sự sống cho 2 mẹ con thau phụ sản giật nặng

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện E cho hay các bác sĩ khoa Phụ sản vừa cứu sống thành công thai phụ bị sản giật nguy hiểm. Cụ thể, vào 12h30 ngày 7/1, khoa Cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận thai phụ 25 tuổi ở Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng ngất xỉu, co giật liên tục, huyết áp tăng, phù toàn thân, khó thở, suy hô hấp và nôn sặc không cầm, bụng đau âm ỉ.

Các bác sĩ chuyên khoa Phụ sản, Cấp cứu, Hồi sức tích cực… lập tức tiến hành cấp cứu, hội chẩn và chẩn đoán thai phụ mang thai con so, thai 37 tuổi bị sản giật nặng trên nền bệnh beta thalassemia. Vì vậy, các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh khó với nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ và con, nhất là khi các bác sĩ không đo được nhịp tim của thai nhi qua máy monitor.

Chỉ sau 10 phút đến bệnh viện cấp cứu, thai phụ được đưa vào phòng mổ. Ca mổ diễn ra trong sự căng thẳng lo lắng và hồi hộp của thầy thuốc và gia đình thai phụ… Theo ThS.BS Ngô Văn Thanh – khoa Phụ sản Bệnh viện E, bác sĩ cấp cứu trực tiếp cho thai phụ, sản giật là một biến chứng của tiền sản giật nặng, lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng sau đó hôn mê sâu do tổn thương hệ thống thần kinh trung ương.

Bác sĩ thăm khám cho thai phụ sau ca phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Ekip bác sĩ đã tiến hành mổ "bắt con" cho thai phụ dù biết rằng phẫu thuật viên đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí dễ bị hiểu lầm, nếu không may thai phụ tử vong... May mắn, sự phối hợp chuyên nghiệp và chặt chẽ giữa các khoa Phụ sản, Nội Nhi tổng hợp và Gây mê hồi sức đã giúp các phẫu thuật viên giành sự sống cho 2 mẹ con thai phụ đang ở lằn ranh mong manh.

ThS Ngô Văn Thanh kể, chưa đầy 1 phút, em bé được “bắt ra” nhưng chẳng chịu khóc như trẻ khác, cứ mềm mềm, nhợt nhạt… Thế nhưng, cái cảm giác bàn tay ôm lấy đứa bé khiến bác sĩ nghĩ trẻ vẫn sống. Ngay lập tức, em bé được chuyển cho các bác sĩ Nội nhi tổng hợp tiến hành hồi sức, ép tim… Gần 10 bác sĩ, điều dưỡng tham gia kíp mổ gần như nín thở theo dõi từng cử chỉ của trẻ.

Sau 3 phút, tiếng ọ ọa, rồi khóc òa lên của em bé khiến các bác sĩ, điều dưỡng đang hồi hộp, lo lắng đều ồ lên vỡ òa trong hạnh phúc… Em bé đã có phản xạ sơ sinh: khóc, vận động được tay chân, da hồng hào và tự thở.

Về thai phụ, sau khi được các bác sĩ hỗ trợ vượt cạn thành công, chị đã được chuyển sang hồi sức tích cực tại khoa Gây mê hồi sức. Sau 2 ngày, theo dõi và chăm sóc đặc biệt, thai phụ đã được chuyển về khoa Phụ sản để tiếp tục điều trị với tình trạng sức khỏe hồi phục tốt.

Bé gái sinh non bị thủng ruột trong thời kỳ bào thai

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành cứu sống một trường hợp hy hữu bé gái sinh non bị thủng ruột trong thời kỳ bào thai, theo báo Giáo Dục và Thời Đại. Trước đó, sau khi phát hiện bé có bất thường đường tiêu hóa, thai phụ đã theo dõi thai nhi cẩn thận. Khi thai đến tuần 35, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ và được gia đình đưa ngay vào bệnh viện.

Qua thăm khám, các bác sĩ có chỉ định mổ bắt thai thành công bé gái nặng 2,9kg. Ngay sau mổ, em bé tím tái, không khóc, tim chậm, bụng chướng căng. Các bác sĩ sơ sinh đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời, sau đó chuyển đến khoa Sơ sinh để tiếp tục điều trị, đồng thời mời bác sĩ ngoại khoa hội chẩn.

Bé được chẩn đoán tắc ruột sơ sinh trên nền suy hô hấp, viêm phúc mạc thời kỳ bào thai và tiếp tục được chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật cho bệnh nhi kéo dài 3,5 tiếng. Trong quá trình mổ, ổ bụng bé có nhiều dịch tiêu hóa, tất cả các quai ruột dính bết thành khối, gỡ dính rất khó khăn.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật gỡ dính toàn bộ quai ruột, cắt đoạn ruột hoại tử, khâu nối đoạn ruột tận - tận, rửa ổ bụng dưới. ThS.BS Nguyễn Thanh Sơn – Phó trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp cho hay, đây là ca phẫu thuật rất khó vì bệnh nhi bị thủng ruột ở trong bào thai, dẫn đến các quai ruột dính kết thành 1 khối.

Hiện tại, sau phẫu thuật 7 ngày, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định. Các bác sĩ cũng đã hướng dẫn người nhà cách chăm sóc sau khi ra viện. Nhân trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, sản phụ nên đi thăm khám thai định kỳ đúng các mốc quan trọng để được chẩn đoán phát hiện sớm từ đó có hướng điều trị và xử lý kịp thời khi trẻ chào đời.

Nam sinh biến dạng mặt vì đắp lá chữa bỏng

Báo Pháp Luật Việt Nam đưa tin, Trung tâm cấp cứu 115 Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đang cấp cứu cho nam sinh 14 tuổi nhập viện trong tình trạng đau đớn, phù nề, chảy dịch nước, biến dạng khuôn mặt, da mặt két bẩn lá cây, hai bàn tay và cổ tay nhiều vết phồng rộp, chảy dịch.

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành giảm đau, chống sốc, vệ sinh băng bỏng vùng tổn thương. Theo lời kể của người nhà, nam sinh bị bỏng từ hôm qua nhưng không đến bệnh viện ngay mà đắp lá chữa bỏng ở nhà. Khi mắt nam sinh sưng nề không mở được, thấy trẻ đau đớn, gia đình mới đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ đang tích cực cấp cứu, giảm đau cho bệnh nhân. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏng nhưng tự điều trị và sử dụng sai thuốc.

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam

Theo bác sĩ CKII Phùng Công Sáng - Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Trung ương, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây theo kinh nghiệm mà chưa được khoa học kiểm chứng để xử lý vết thương, vết bỏng nhưng nhiều gia đình vẫn tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Bác sĩ Sáng chia sẻ: “Đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ…

Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi, nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi trẻ mới bị bỏng, sơ cứu tốt thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều và cũng đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian của gia đình. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, vùng bỏng bị nhiễm trùng nặng đã hoại tử sâu, việc điều trị phức tạp hơn, có khi còn phải phẫu thuật nhiều lần và để lại di chứng cho trẻ sau này”.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật