Người đàn ông bị chảy máu miệng, mũi liên tục, không cầm được
Theo VietNamNet, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết nam bệnh nhân T.H (65 tuổi, quê Sóc Trăng) bị chảy máu miệng, mũi liên tục, không cầm được. Bệnh nhân được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng huyết áp thấp, mạch nhanh, da niêm nhạt, chóng mặt, miệng có nhiều máu đông đen và máu đỏ tươi đang chảy.
Dự kiến người bệnh xuất viện vào ngày mai. Ảnh: VietNamNet
Người nhà cho hay, bệnh nhân bị u ác tính ở lưỡi và đã điều trị được 2 năm. Bệnh nhân được bác sĩ xử lý cấp cứu, truyền dịch chảy nhanh, truyền hồng cầu toàn phần, huyết tương tươi đông lạnh, chuyển đến Phòng can thiệp mạch.
Bác sĩ đã can thiệp cầm máu cho bệnh nhân bằng phương pháp chụp và nút mạch các khối u số hóa xóa nền (DSA). Sau 80 phút, bác sĩ can thiệp thành công, bệnh nhân không còn chảy máu. Hiện tại, người bệnh tỉnh, không chảy máu tái phát, dự kiến ra viện vào ngày mai.
Nhân viên y tế hiến máu cứu sản phụ nguy kịch
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho một sản phụ bị hội chứng HELLP. Đáng chú ý, sản phụ đã được cứu sống nhờ một nhân viên y tế của bệnh viện đã tham gia hiến máu.
Cụ thể, vào 2h ngày 8/1, khoa Sản Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới tiếp nhận sản phụ N.T.T.T (trú tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vào viện trong tình trạng co giật.
Qua hỏi bệnh, thăm khám và xét nghiệm cấp cứu, các bác sĩ đã chẩn đoán sản phụ mang thai con so 36 tuần, ối vỡ sớm, sản giật và hội chứng HELLP. Trước đó, sản phụ đã lên 2 cơn co giật và biểu hiện rất rõ hội chứng HELLP như tan máu, tăng men gan, giảm tiểu cầu.
Tình trạng sản phụ hiện đang tiến triển tốt. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ lập tức hội chẩn cùng các chuyên khoa Gây mê- Hồi sức, Huyết học truyền máu để lên phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thời điểm đó, ngân hàng máu không còn khối tiểu cầu nhóm máu O.
Nhận được tin sản phụ cần khối tiểu cầu, kỹ thuật viên Hoàng Tấn Mạnh - khoa Sinh Hóa - Huyết học - Truyền máu của bệnh viện đã không một chút chần chừ lao từ nhà đến bệnh viện hiến khối tiểu cầu trong đêm để kịp thời cứu sản phụ.
Được biết, chỉ cần chậm chễ một chút, kéo dài thời gian có thể nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ và thai nhi. Ngay sau đó, kíp trực quyết định mổ lấy thai kèm truyền khối tiểu cầu. Kết quả, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, lấy ra thai nhi nặng 2,7kg trong tình trạng suy hô hấp nhẹ. Hiện tại, tình trạng sản phụ và cháu bé đang tiến triển tốt.
Theo TS.BS Trần Sơn Trà – Trưởng khoa Sản, sản phụ bị tiền sản giật xuất hiện ở tuần tuổi thai sau 20 tuần. Ở trường hợp này xuất hiện cả sản giật và hội chứng HELLP. Đây là một trường hợp rất nặng, nếu không cấp cứu kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và con.
Nam thanh niên ngã giàn giáo, bị ống sắt đâm xuyên cổ
Theo báo Dân Trí, nam thanh niên 30 tuổi ở Tây Ninh được đưa đến bệnh viện cấp cứu vào tối ngày 2/1 trong tình trạng đa chấn thương nguy kịch do tai nạn lao động. Trước đó, trong lúc làm việc ở công trình xây dựng, bệnh nhân bị tai nạn ngã giàn giáo từ trên cao xuống, khiến một ống sắt đâm xuyên qua vùng cổ và hàm dưới.
Người bệnh nhanh chóng được sơ cứu băng cầm máu vết thương, giữ nguyên thanh sắt và sau đó chuyển đến bệnh viện khẩn cấp. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định vùng cổ bệnh nhân có thanh sắt xuyên qua với đường kính khoảng 4cm, dài khoảng 30cm. Tua trực cấp cứu đã nhanh chóng thăm khám, đồng thời kích hoạt báo động đỏ nội viện.
Ống sắt lớn sau khi lấy ra khỏi cổ bệnh nhân. Ảnh: Dân Trí
Kết quả chụp CT cho thấy, dị vật hình trụ trong vùng cổ hàm dưới bên trái bệnh nhân làm gãy xương hàm dưới và gây dập lách. Bệnh nhân có dịch ổ bụng lượng nhiều, kèm dập phổi. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa Ngoại tổng quát, Chấn thương chỉnh hình, ICU, Nội tim mạch và Phẫu thuật gây mê hồi sức, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết nội, vỡ lách độ 4 kèm vết thương xuyên thấu phức tạp ở cổ. Tiên lượng bệnh nhân rất nguy kịch.
Người bệnh được chuyển khẩn lên phòng mổ để ekip bác sĩ liên chuyên khoa thực hiện phẫu thuật lấy dị vật, khâu vết thương phức tạp ở cổ. Sau khi lấy ống sắt ra ngoài thành công, bệnh nhân tiếp tục được chuyển sang phòng DSA để ekip Ngoại tổng quát thực hiện can thiệp bít tắc động mạch lách, cầm máu, bảo tồn lách.
Ca phẫu thuật kết thúc trong chưa đầy 2 tiếng, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đang dần ổn định và được theo dõi, điều trị chặt chẽ tại khoa Ngoại tổng quát.
Đinh Kim (T/h)