Khối u nặng 6kg chiếm trọn nửa ổ bụng cụ ông 71 tuổi
VietNamNet đưa tin, nam bệnh nhân K.V.T (71 tuổi, trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu. Gia đình cho biết, người bệnh nhập viện do ho nhiều, đau tức ngực, khó thở, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém.
Quá trình thăm khám, siêu âm kiểm tra tổng quát, các bác sĩ phát hiện khối cứng chắc vùng bụng kích thước lớn. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính kiểm tra cho thấy khối u lớn sau phúc mạc phải chiếm trọn nửa ổ bụng, đè đẩy thận phải, u bọc xung quanh các mạch thận và tĩnh mạch chủ bụng.
Người bệnh được chẩn đoán là u sau phúc mạc phải và chỉ định cắt bỏ. Xét thấy người bệnh già yếu, sức khỏe kém, mắc kèm bệnh hô hấp, việc thực hiện ca đại phẫu có thể gây mất máu ồ ạt do khối u lớn, xâm lấn phức tạp, ekip phẫu thuật đã dự trù sẵn sàng máu truyền bổ sung, đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn, thuận lợi.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Ngày 9/1, kíp mổ với sự phối hợp giữa khoa Ngoại, Ung bướu và khoa Gây mê hồi sức tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u sau phúc mạc cho bệnh nhân. Thực hiện mở bụng, các bác sĩ thấy khối u lớn ở khoang sau phúc mạc phải, kích thước 50x60 cm, nặng 6kg, không di động được, ôm các mạch máu lớn trong ổ bụng, xâm lấn cơ hoành phải và cơ trước cột sống bên phải.
Bác sĩ khéo léo đưa toàn bộ ruột ra ngoài ổ bụng, giải phóng di động gan phải, bóc tách u ra khỏi thận phải và các mạch máu lớn trong ổ bụng, cắt một phần cơ hoành phải và các tổ chức cơ thành bụng bị u xâm lấn để lấy trọn vẹn tổ chức u.
Thận phải được giữ nguyên vẹn hồng hào, cơ hoành được khâu tạo hình lại. Sau hơn 4 giờ phẫu thuật và truyền bổ sung 1.000 ml máu và 450 ml huyết tương trong mổ, ca phẫu thuật thành công. Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, vết mổ ít dịch, không đau tức ngực, được tiếp tục chăm sóc tại khoa Ung bướu.
Người đàn ông bị sốc phản vệ do ong đốt
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, chiều ngày 9/1, nam bệnh nhân N.V.H (49 tuổi) đang chạy xe trong hẻm gần nhà thì bị một con ong chích vào cổ. 5 phút sau, vùng cổ của người bệnh sưng, nhức. Đến 21h, bệnh nhân ngứa cổ, nổi ban đỏ, môi và hai mắt sưng phù, nhìn mờ. Anh bắt đầu khó thở, chóng mặt và được gia đình đưa đến một bệnh viện ở TP.HCM.
Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng lơ mơ, khó thở, bác sĩ Trương Trọng Tuấn nhận định bệnh nhân sốc phản vệ độ 2 do ong đốt. Ngay lập tức, người bệnh được tiêm adrenaline chống sốc theo phác đồ của bộ Y tế và theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu).
Vùng cổ của người bệnh sưng, nhức sau khi bị ong đốt. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Sau 3 tiếng điều trị tại bệnh viện, người bệnh hết khó thở, bớt ngứa, vùng quanh mắt và môi không còn sưng. Sau 24 giờ theo dõi, các triệu chứng sốc phản vệ không còn tái diễn, nam bệnh nhân xuất viện.
Được biết, đây là lần thứ 2 bệnh nhân bị sốc phản vệ do ong đốt. 10 năm trước, anh từng bị ong chích vào tay. Theo bác sĩ Tuấn, bệnh nhân có cơ địa dị ứng với nọc ong nên dễ rơi vào sốc phản vệ khi ong chích.
Lần sốc phản vệ sau sẽ xảy ra nhanh và nặng hơn lần trước. Nhờ nhập viện cấp cứu xử trí ngay trong đêm, người bệnh thoát khỏi nguy kịch. Nếu nhập viện trễ, người bệnh viêm cơ tim cấp, biến chứng sốc tim, lúc đó điều trị phức tạp.
Người đàn ông 42 tuổi đột quỵ do nhậu khuya, tắm sớm
Nam bệnh nhân T.D.N (42 tuổi, ở TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau đầu, tê yếu một bên thân, méo miệng và khó nói. Bệnh nhân còn có tiền sử tăng huyết áp không điều trị thường xuyên, theo báo Pháp Luật Việt Nam.
Xác định bệnh nhân bị đột quỵ cấp trong vòng 3 giờ đầu (còn gọi là giờ vàng), bác sĩ Huỳnh Văn Mười Một – Phó khoa Cấp cứu đã lập tức kích hoạt quy trình code stroke nội viện (là quy định chung trong cấp cứu đột quỵ cấp).
Bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Người nhà kể, tối hôm trước bệnh nhân đi nhậu tất niên với hội bạn thân, gần 2h mới về, nằm nghỉ tới khoảng 6h thì dậy tắm rửa để đi làm. Bất ngờ bệnh nhân lảo đảo chóng mặt, tê yếu tay. Người nhà hỏi thăm nhưng anh nói khó, miệng hơi lệch sang bên. Bệnh nhân có hiểu biết về dấu hiệu FAST nên nhờ người nhà đưa vào viện khẩn cấp.
Sau khi bác sĩ giải thích và được sự đồng ý của gia đình, bệnh nhân được điều trị tiêu sợi huyết khẩn cấp ngay tại phòng chụp CT. Tổng thời gian từ lúc người bệnh nhập viện đến khi thực hiện cấp cứu khoảng 50 phút.
Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân tiếp tục được đánh giá liên tục trong nhiều giờ để đảm bảo không có các biến chứng khi sử dụng thuốc và các mô não được tái tưới máu tốt. Sau khi được chuyển về khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để theo dõi và điều trị tiếp, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tiên lượng phục hồi tốt.
Đinh Kim (T/h)