Bé 11 tuổi đứt rời ngón tay vì kẹp vào máy giặt
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn mới đây tiếp nhận trẻ 11 tuổi bị đứt rời ngón 3 tay phải do tai nạn kẹp tay vào máy giặt. Gia đình đã bảo quản phần đứt rời và chuyển bệnh nhi qua hai bệnh viện khác ở Hà Nội, sau đó đến cơ sở y tế này.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy ngón đứt rời được bảo quản đúng cách, mép vết thương nham nhở, thời gian từ lúc tai nạn đến khi nhập viện là 3 tiếng. Trẻ được phẫu thuật sớm để nối lại gân, xương, phục hồi lưu thông mạch máu, thần kinh dưới kính hiển vi.
Vị trí tốt nhất để đặt máy giặt đối với nhà có trẻ con là những khu vực cách xa phòng ngủ của bé và nên trang bị khóa. Ảnh minh họa: Cocinadelirante
Sau 4 tiếng phẫu thuật, TS.BS Uông Thanh Tùng cùng các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình đã nối thành công ngón tay cho trẻ. Hiện tại, bệnh nhi đang được điều trị, theo dõi sau phẫu thuật.
Theo bác sĩ Uông Thanh Tùng, cha mẹ lưu ý khi gặp các tổn thương đứt rời cần bảo quản đúng cách. Cụ thể, rửa sạch phần đứt rời bằng nước muối sinh lý (nếu có) hoặc nước sạch. Tiếp đó, đặt phần đứt rời trong gạc hoặc vải ẩm, rồi đặt vào túi nylon buộc chặt, cho vào thùng nước đá đang tan.
Thời gian tốt nhất để nối lại ngón tay đứt rời là trong 6-8 tiếng. Vì vậy, sau tai nạn, bệnh nhân cần được sơ cứu và chuyển ngay đến các bệnh viện có chuyên khoa để được điều trị sớm.
Tự ngưng uống thuốc, người đàn ông liệt tay trái, méo miêng khi đang làm việc
Chiều ngày 11/4, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu một người đàn ông bị đột quỵ do tự bỏ tái khám và ngưng thuốc. Theo thông tin trên báo Người Lao Động, bệnh nhân là ông P.V.H. (46 tuổi, ở TP.HCM).
Người bệnh đang được theo dõi điều trị rung nhĩ và uống thuốc kháng đông. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, ông tự ngưng uống thuốc suốt 5 ngày. Trong lúc đang làm việc, ông đột ngột bị liệt tay trái, méo miệng, được người thân đưa đến cấp cứu.
Tại khoa Cấp cứu, quy trình báo động đột quỵ được kích hoạt. Người bệnh được chẩn đoán đột quỵ thiếu máu não vì tắc mạch máu lớn nội sọ do huyết khối và được chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học tái thông mạch máu.
Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Đại học Y Dược, việc chủ quan bỏ thuốc kháng đông khi đang điều trị dự phòng có thể là nguyên nhân dẫn đến biến chứng đột quỵ. Đây là một trong những biến chứng đáng sợ nhất của bệnh rung nhĩ. May mắn, bệnh nhân nói trên được cấp cứu can thiệp kịp thời nên qua nguy kịch và tránh được hậu quả nặng nề.
Người phụ nữ thủng ruột vì nuốt cả hạt táo đỏ trong bát yến
Theo báo Giao Thông, ThS.BS Tào Minh Châu – khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cho nữ bệnh nhân N.T.L. (67 tuổi, Hà Nội) bị thủng ruột do ăn táo đỏ hầm yến nhưng lại không nhằn hạt. Trước khi vào viện, bệnh nhân đau bụng, sốt, kết quả chiếu chụp cho thấy hình ảnh dị vật ở ruột non.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng, qua đó xác định vị trí tổn thương ở ruột non do bị dị vật có đầu nhọn đâm thủng thành ruột.
Dị vật được lấy ra là hạt táo đỏ cứng chắc, nhọn 2 đầu dài 2cm đâm thủng hai thành của quai ruột tổn thương. Sau mổ 1 ngày, người bệnh tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, không sốt, bụng đau nhẹ ở vị trí vết mổ và đã có thể ăn nhẹ.
Bác sĩ Tào Minh Châu khám cho người bệnh. Ảnh: Báo Giao Thông
Bác sĩ Tào Minh Châu chia sẻ, táo đỏ là thức ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe thường được sử dụng trong cộng đồng nhưng nếu không được sử dụng đúng cách sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Ở trường hợp trên phẫu thuật nội soi giúp đánh giá xác định tổn thương ổ bụng, xử lý tốt, tránh đường mổ mở dài; sau phẫu thuật người bệnh sẽ đỡ đau hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, có thể vận động được sớm sau mổ do đó sớm hồi phục hơn so với phương pháp mổ mở thông thường. Đồng thời, tránh được các biến chứng tắc ruột, dính ruột sau mổ như khi mổ mở.
Đinh Kim (T/h)