Bệnh nhân 69 tuổi mang khối u mỡ nặng hơn 7kg
VTV News đưa tin, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện phẫu thuật cắt khối u mỡ nặng hơn 7kg cho bệnh nhân L.V.T. ( 69 tuổi, trú tại Hội An, Quảng Nam).
Được biết, bệnh nhân có khối gồ trên thành bụng đã lâu, nay u to dần lên rất nhiều nên nhập viện. Tiền sử đã mổ u mỡ trong ổ bụng cách đây 5 năm.
Qua thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện khối u lớn sau phúc mạc quanh tụy, lách, thận, theo dõi xâm lấn động tĩnh mạch lách, thận trái. Tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa thống nhất phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: VTV News
Sau hơn 5 tiếng, dưới sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa và Gây mê hồi sức, khối u mỡ nặng hơn 7kg đã được bóc trọn.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa cho biết: “Khối u khổng lồ chèn ép và nằm quanh các tạng quan trọng trong ổ bụng gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình phẫu tích bóc u.
Đặc biệt, u chạy phía sau tụy và đại tràng ngang, nằm quanh thận trái, nên các bác sĩ vừa phải bóc trọn khối u vừa phải hạn chế tối đa việc làm tổn thương các tạng này, ngoài ra u còn xâm lấn vào động tĩnh mạch thận và lách”.
Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi hàng ngày, tiến triển thuận lợi. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, vết mổ khô, liền da tốt.
Thanh niên 18 tuổi mất một tinh hoàn vì đến viện muộn
Theo VietNamNet, ngày 8/4, bác sĩ Đoàn Quốc Huy, Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, một nam bệnh nhân 18 tuổi (trú tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị xoắn tinh hoàn.
Bệnh nhân tới viện kiểm tra bộ phận sinh dục vì đau dữ dội. Theo bệnh nhân, cơn đau xuất hiện từ 3h ngày 7/4 nhưng người bệnh ngại đi khám. Bộ phận sinh dục ngày đau nhiều, sưng tấy. Sau đó, vùng bìu giảm đau nhưng chuyển màu thâm tím, bệnh nhân mới tới viện thăm khám.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện một bên tinh hoàn của bệnh nhân bị xoắn, tụ máu nhiều. Các bác sĩ tiến hành tháo xoắn, thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi tổn thương. Tuy nhiên, tinh hoàn đã hoại tử nên phải cắt bỏ.
Bác sĩ Huy cho biết do bệnh nhân tới bệnh viện quá muộn, thời gian xoắn tinh hoàn kéo dài 30 tiếng nên không phục hồi được sau tháo xoắn.
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý thường gặp ở nhiều lứa tuổi nhất là tuổi dậy thì. Thời gian để khám và xử lý tình trạng xoắn là 6 giờ. Trường hợp đến viện muộn sẽ dễ gặp biến chứng, phải cắt bỏ tinh hoàn. Vì vậy, nam giới có biểu hiện đau tinh hoàn dữ dội cần tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Hút huyết khối cứu người đàn ông 51 tuổi bị nhồi máu thận
Ngày 31/3, anh N.A (51 tuổi, ngụ Long Biên, Hà Nội) xuất hiện cơn đau thắt lưng trái dữ dội, nhiều cơn lan ra hạ sườn trái. Bệnh nhân nghĩ mình bị đau cột sống do đặc thù công việc phải đứng nhiều.
Khi tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám, các bác sĩ phát hiện người bệnh mắc bệnh nhồi máu thận hiếm gặp cần can thiệp ngay lập tức, tránh hỏng quả thận, theo thông tin trên VnExpress.
Hình ảnh thay đổi trước (trái) và sau khi can thiệp, các nhánh động mạch thận được tái thông. Ảnh: VnExpress
Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó trưởng khoa Tim mạch, cho biết đặc tính các nhánh động mạch thận xoắn và nhiều gấp khúc. Nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật lấy huyết khối mạch máu não để hút huyết khối trong động mạch thận của bệnh nhân.
Phương pháp này giải quyết triệt để huyết khối từ các nhánh tận cùng, giúp cải thiện tưới máu hơn so với phương pháp hút huyết khối đơn thuần. Bệnh nhân ngay trên bàn can thiệp đã hết tình trạng đau lưng, sức khỏe ổn định, cứu được quả thận.
Theo bác sĩ Hưng, bệnh nhân đến khám sau 21 giờ khởi phát triệu chứng, trong khi thời gian can thiệp "vàng" là trước 24 giờ. Lúc này, bác sĩ cần quyết định phương pháp can thiệp nhanh và chính xác để đi đến kết quả tối ưu.
Đây là lý do phương án sáng tạo được đưa ra là áp dụng kỹ thuật hút huyết khối mạch máu não vào hút huyết khối động mạch thận. Phương pháp này có đường vào dễ dàng qua động mạch đùi bằng một vết chọc mạch nhỏ, người bệnh chỉ cần gây tê tại chỗ và tỉnh táo hoàn toàn trong quá trình can thiệp, hầu như không mất máu trong quá trình làm.
Bệnh nhân có tiền sử gout mạn tính nhiều năm điều trị thuốc không thường xuyên, tăng huyết áp, hút thuốc lá 30 năm và đã bỏ thuốc gần đây. Bệnh nhân ban đầu vào khám chuyên khoa cơ xương khớp do nghĩ đau cột sống. Đây là lần đầu tiên người bệnh nghe đến nhồi máu thận.
Đinh Kim (T/h)