Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 7/4: Bé 27 ngày tuổi suy hô hấp sau khi lây thủy đậu từ mẹ

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/4/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 7/4/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé 27 ngày tuổi suy hô hấp sau khi lây thủy đậu từ mẹ

Báo An Ninh Thủ Đô thông tin, ngày 6/4, Bệnh viện Nhi Trung ương phát đi cảnh báo về việc bệnh thủy đậu đang vào mùa, nhiều ca biến chứng nguy hiểm.

Mới đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé Đ.H (27 ngày tuổi, ở Bắc Giang), được chuyển từ bệnh viện tỉnh lên sau 4 ngày điều trị vì biến chứng nặng do thủy đậu, tình trạng suy hô hấp ngày càng tăng.

Tìm hiểu được biết, cháu bé bị lây bệnh từ mẹ khi mới 14 ngày tuổi. Trước đó vài ngày, mẹ bé bị lây nhiễm thủy đậu từ con gái lớn 7 tuổi.

Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành điều trị theo phác đồ bệnh thủy đậu. Sau 7 ngày, trẻ dần hồi phục, các nốt ban phỏng nước đã khô và đóng vảy, viêm phổi được kiểm soát.

Bác sĩ khám cho trẻ mắc thủy đậu ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

Theo ThS.BS Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.

Biểu hiện của bệnh thủy đậu thường thấy là mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C; nốt ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.

Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày. Phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh; ban xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2-4 ngày…

Để phòng bệnh, trẻ em trên 1 tuổi cho tới 12 tuổi chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với virus Herpes zoster cần tiêm vaccine.

Phẫu thuật cho sản phụ bị u mạch máu bánh nhau

Theo VTV News, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiến hành phẫu thuật cho một sản phụ có khối u mạch bánh nhau. Sản phụ đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thăm khám khi thai được 36 tuần, thai lần đầu.

Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện khối nang bánh nhau ngay vị trí bám của dây rốn. Tiên lượng sản phụ sẽ phải sinh bằng phương pháp sinh mổ bởi nếu sinh thường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Khi có cơn co tử cung, cuống rốn căng lên nguy cơ đứt là rất lớn…

Sản phụ nhanh chóng được tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,8kg. Khối u sau phẫu thuật được gửi làm xét nghiệm mô bệnh học và cho kết quả u mạch bánh nhau lành tính. Hiện, sức khỏe sản phụ, em bé ổn định và đã được xuất viện

Các bác sĩ cho biết, u mạch bánh nhau là khối u mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi của bánh nhau với tỷ lệ gặp chỉ khoảng 1%. Khi phát triển, khối u có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn nhau thai, dẫn đến thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung và các biến chứng khác như đa ối, thiếu máu, suy tim, phù thai…

Bé sơ sinh có biểu hiện ngộ độc thuốc trầm cảm

Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) vừa cấp cứu cho một bé sơ sinh mới 5 ngày tuổi, có biểu hiện ngộ độc thuốc trầm cảm, theo báo Nhân Dân. Cụ thể, bé N.T.V (5 ngày tuổi) là con thứ hai trong gia đình. Bé được sinh ra bằng phương pháp đẻ mổ khi người mẹ mang thai ở tuần 38. Khi sinh, bé V. nặng 3,8kg và được tiếp xúc da kề da với mẹ.

Khác với những đứa trẻ bình thường, sau khi sinh, bé không khóc to mà chỉ nhắm mắt nằm trên bụng mẹ. Các bác sĩ khoa Sản đã sơ cứu, kích thích cho trẻ khóc, đồng thời, cho bé thở oxy và chuyển lên khoa Nhi-Sơ sinh.

Tại khoa Nhi-Sơ sinh, bé được thở oxy nên hồng hào, vận động tốt nhưng mắt nhắm, kích thích đau cũng không chịu mở, nhịp thở chậm đều và có các cơn ngừng thở ngắn. Bé được chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh, theo dõi chậm tiêu dịch phổi.

Bệnh nhi được chăm sóc, điều trị tích cực. Ảnh: Nhân Dân

Khai thác tiền sử được biết, mẹ bé đã điều trị trầm cảm 2 năm nay. Hiện tại, mẹ bé vẫn đang sử dụng thuốc theo đơn. Nhận thấy có thể đây là trường hợp sơ sinh ngộ độc thuốc trầm cảm từ mẹ, các bác sĩ cho trẻ làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim…

Kết quả, khí máu của trẻ nhiễm toan hô hấp, X-quang phổi chưa được nở tốt. Bé đã được thở máy CPAP giúp nở phổi, dùng cafein. Sau 6 tiếng làm lại xét nghiệm khí máu, các chỉ số của trẻ đều được cải thiện.

Bé đã khóc to những tiếng khóc đầu tiên. Sau 24 tiếng điều trị, bé đã được cai thở máy, tỉnh hoàn toàn, khóc to, ăn bú bình thường. Bé được ra viện sau 4 ngày điều trị.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật