Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/8: Lọc máu liên tục cứu bé trai 3 tuổi bị sốt xuất huyết nặng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/8/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 11/8/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Lọc máu liên tục cứu bé trai 3 tuổi bị sốt xuất huyết nặng

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nặng, men gan tăng cao, tổn thương gan nặng. Cụ thể, bệnh nhi là N.C.Đ. (nam, 2 tuổi, tại Bình Thuận).

Bệnh sử ghi nhận trẻ sốt cao liên tục 3 ngày đến ngày thứ 4 của bệnh thì có biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh. Người nhà đã đưa trẻ nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu, huyết áp kẹp tụt, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 4.

Bệnh nhi được điều trị tích cực truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Tuy nhiên, tình trạng trẻ diễn tiến nặng, biểu hiện suy hô hấp, tổn thương gan nặng, men gan tăng cao nên chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tình trạng bệnh nhi bắt đầu phục hồi dần sau gần 3 tuần điều trị. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Sau khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được các bác sĩ điều trị chống sốc. Trẻ được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Bệnh nhi có tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc.

Dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh của trẻ diễn tiến phức tạp. Bệnh nhi bắt đầu xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan, tổn thương gan, suy gan, thận, tổn thương phổi, hôn mê. Bệnh viện đã hội chẩn tiến hành lọc máu liên tục 3 đợt, điều trị hỗ trợ gan.

Sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng trẻ đã bắt đầu phục hồi dần. Bệnh nhi được cai máy thở, tỉnh táo, và chức năng gan thận trở lại bình thường.

Giám đốc bệnh viện hiến máu cứu sản phụ nguy kịch sau sinh

VietNamNet đưa tin, sản phụ G.T.D (38 tuổi) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê (tỉnh Hà Giang). Sáng 8/8, chị D. sinh con tại nhà, sau khi sổ thai, người nhà tự buộc dây rốn gần phía con bằng chỉ, sau đó cắt dây rốn bằng kéo.

Sau khi chị D. được cắt dây rốn, máu chảy nhiều, rau thai không bong khỏi buồng tử cung. Chị được người nhà đưa đến viện trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, thở nhanh nhịp thở >30 lần/phút (bình thường 16-20 lần/phút), mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt kẹt khó đo.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê hiến máu cứu người bệnh. Ảnh: VieitNamNet

Sản phụ được chẩn đoán sốc mất máu cấp sau đẻ, rau không bong, giờ thứ 6, nhanh chóng được cấp cứu truyền dịch, kháng sinh, giảm đau, thở oxy. Bệnh nhân cũng được bóc rau nhân tạo (thủ thuật cho tay vào buồng tử cung để lấy bánh rau còn sót trong buồng tử cung ra sau khi thai đã sổ).

Đồng thời, các bác sĩ khẩn trương tìm máu cùng nhóm để truyền cho sản phụ. Sản phụ thuộc nhóm máu B nhưng gia đình không có nhóm máu tương thích. Trước tình hình nguy cấp, bệnh viện đã phối hợp với huyện đoàn Bắc Mê, ngân hàng máu sống của huyện, nhanh chóng trao đổi thông tin tìm máu cứu người.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung -  Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê cùng bác sĩ Nông Mạnh Hùng - khoa Hồi sức cấp cứu và một số cán bộ giáo dục, bảo hiểm xã hội, viện kiểm sát... lập tức hiến máu. Ngày 10/8, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang được hồi sức, tiếp tục truyền máu và theo dõi điều trị.

Nhập viện vì sán lá phổi sau khi ăn gỏi cua sống

Theo thông tin trên báo Người Lao Động, khoảng 1 tháng trước khi nhập viện, nam thanh niên 31 tuổi ở Điện Biên lên chơi nhà bạn ở tỉnh Lai Châu và ăn món gỏi cua sống. Sau hơn 2 tuần, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sút cân, buồn nôn, khi hoạt động gắng sức cảm thấy khó thở, đuối sức và ho. Bệnh nhân có đi khám nhưng không tìm ra bệnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nam thanh niên nhập viện trong tình trạng tràn dịch/tràn khí màng phổi. Bác bác sĩ chỉ định tìm sán và kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với ký sinh trùng Paragonimus (sán lá phổi). Sau khi điều trị bằng thuốc tẩy sán, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.

PGS.TS Đỗ Duy Cường -  Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sán lá phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… là những địa phương có tập quán ăn món tôm, cua sống (ăn gỏi hoặc món nướng nhưng chưa chín).

Bệnh nhân dương tính với ký sinh trùng Paragonimus (sán lá phổi). Ảnh: VietNamNet

Ấu trùng sán lá phổi sau khi vào cơ thể người theo đường ăn uống, sẽ xâm nhập qua thành ruột non, vào khoang bụng. Sau đó, xuyên qua cơ hoành đi lên phổi và tồn tại ở nhu mô phổi.

Sán lá phổi trưởng thành sẽ đẻ trứng và trứng theo đờm ra ngoài hoặc người nuốt đờm trứng sẽ xuống đường tiêu hóa để ra ngoài. Trứng rơi xuống nước, rồi trứng nở thành ấu trùng lông, ấu trùng sẽ xâm nhập vào ốc rồi ký sinh ở cua và tôm. Một thời gian sau, bệnh nhân sẽ bị đau ngực, ho kéo dài, ho ra đờm lẫn máu, sút cân và dẫn đến suy kiệt, thậm chí tử vong.

XEM THÊM: Cứu sống trẻ bị xuất huyết dưới màng cứng, não lệch về một bên

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, vì biểu hiện ho ra máu, ho tức ngực nên rất nhiều chẩn đoán nhầm sang các loại bệnh khác như lao, viêm phổi, hay u phổi. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, ho, đau ngực cần chỉ định cho bệnh nhân xét nghiệm tìm sán, để tránh nhầm lẫn với các bệnh phổi khác.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật