Chị gái 11 tuổi nhanh trí cứu em trai bị ngã xuống ao
VietNamNet đưa tin ngày 2/8, một bé trai 10 tuổi ở Phú Xuyên (Hà Nội) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp đến Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng đặt nội khí quản, phải thở máy, suy hô hấp, đuối nước, phù phổi cấp.
Chị của bệnh nhi kể lại, bé trai bị trượt chân ngã xuống ao. Chị gái bệnh nhi cùng một người nữa kéo được em lên sau đó 2 phút. Thời điểm này, bé trai đã trong tình trạng bất tỉnh, tím tái, mềm nhũn.
Người chị nhanh trí áp tai vào ngực nghe tim của em. Khi thấy tim em vẫn đập, sờ lên mũi kiểm tra hơi thở rất yếu, người chị đã hô hấp nhân tạo và ấn tim.
"Cháu ấn tim được 2 lần, em trai đã nói 'cứu' nhưng rất bé. Cháu tiếp tục ấn tim, em mở to mắt ra nhìn. Cháu nhờ các chị em đi tìm người giúp đỡ. Có một chú hàng xóm đến giúp, chú bế dốc ngược em lên chạy một vòng quanh sân. Chú ấn tim cho em thì em khóc", người chị nhớ lại.
Sau đó bệnh nhi được người nhà đưa đến trạm xá. Lúc đó, hơi thở của em vẫn còn yếu. Khi vào Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, bệnh nhi tỉnh táo, hơi tím, đã được thở oxy, dùng lợi tiểu.
Bệnh nhi hiện đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở. Ảnh: VietNamNet
Sau khoảng 3-4 tiếng, bệnh nhi xuất hiện tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, oxy máu giảm còn khoảng 80 - 85%. Bác sĩ đã đặt ống nội khí quản cho trẻ và chuyển đến Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai vào giờ thứ 6 từ lúc bị đuối nước.
Tại đây, bệnh nhi trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản, SPO2 vẫn duy trì được 94%, trào bọt hồng qua nội khí quản, phổi thông khí kém. Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, bệnh nhi đã được hút dịch qua nội khí quản, chụp X-quang tại giường.
Kết quả, bác sĩ thấy rõ tình trạng viêm phổi, phù phổi nên cho thuốc an thần, thở máy. Một ngày sau, bệnh nhi đã tiến triển tốt hơn, cai máy thở, chuyển sang thở oxy. Đến ngày 7/8, bệnh nhi tỉnh táo hoàn toàn, tự thở.
Bác sĩ Hiếu chia sẻ, đây là trường hợp may mắn vì quá trình xử lý cấp cứu ban đầu của người chị rất hợp lý. Chị gái bệnh nhi mới chỉ 11 tuổi nhưng nắm được kỹ năng sơ cứu đuối nước như nghe tim, ép tim, hà hơi thổi ngạt, gọi người hỗ trợ. Khi bệnh nhân có phản ứng tự thở được, người nhà mới đưa đi cấp cứu.
Người chị học những kiến thức kỹ năng ở trường và trên truyền hình khi cứu người bị đuối nước. Nếu không được cấp cứu đúng cách thì sau khoảng 5 phút, bệnh nhi có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến các di chứng nặng nề hoặc tử vong.
Lấy stent bị bỏ quên trong ống mật của cụ bà suốt 6 năm
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu thông tin, đơn vị vừa phẫu thuật lấy ra thành công một stent có kích thước 15 cm nằm trong ống mật của cụ bà N.T.T. (77 tuổi, ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) suốt 6 năm qua.
Theo VOV, trước đó, cụ bà vào khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu trong tình trạng đau bụng âm ỉ kèm theo sốt. Người bệnh có tiền sử bệnh lý nền tăng huyết áp, hở van tim, thoái hóa cột sống thắt lưng.
Khoảng 6 năm trước cụ T. có cắt túi mật và đặt stent trong ống mật chủ tại TP.HCM. Qua thăm khám và thực hiện CT- Scan, kết quả chẩn đoán ban đầu cho thấy, bệnh nhân bị tắc mật ngoài gan do nhiều sỏi ống mật chủ, nhiễm trùng đường mật do đặt stent quá lâu trong ống mật chủ.
Ekip bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định thực hiện phẫu thuật mổ hở để lấy sạch sỏi và stent trong ống mật chủ, đồng thời xử lý tình trạng nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Dự kiến cụ bà sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: VOV
Ca phẫu thuật chỉ kéo dài hơn 90 phút. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã cải thiện, hết sốt, giảm đau bụng, có thể ăn uống được bình thường. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ CKI Dương Hải Minh - Trưởng khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, phẫu thuật viên chính của ca mổ, đây là trường hợp bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền, trước đó đã từng cắt túi mật và đặt stent trong ống mật chủ nhưng do đến 6 năm không lấy stent ra dẫn đến nhiễm trùng tắc mật, sỏi đóng bao quanh stent trong ống mật chủ.
Nếu không được chẩn đoán chính xác và xử trí lấy ra kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cứu sống bệnh nhân cùng lúc bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Theo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, với sự phối hợp của 2 ekip can thiệp mạch vành và đột quỵ đã cứu sống nam bệnh nhân lớn tuổi nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ cùng lúc.
Trước đó, lúc 14h ngày 5/8, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân L.V.L (69 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) trong tình trạng nặng ngực và khó thở.
Được biết, chiều 4/8, bệnh nhân đã có triệu chứng nặng ngực ở vùng sau xương ức, cơn đau ngực tái phát nhiều lần. Đến trưa 5/8, thân nhân đưa bệnh nhân đến khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long.
VOV đưa tin, sau khi tiếp nhận và chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp - đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp.
Khi đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ đã ngay lập tức hội chẩn với ekip trực cấp cứu tim mạch can thiệp. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu.
Nam bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện. Ảnh: VOV
Tại thời điểm chuẩn bị bắt đầu đặt ống thông để can thiệp mạch vành, ekip can thiệp phát hiện bệnh nhân liệt hoàn toàn nửa người bên trái và nói đớ. Nhận định đây là một trường hợp hiếm gặp, kết hợp giữa nhồi máu cơ tim cấp (do tắc động mạch vành) và nhồi máu não cấp (do tắc một mạch máu ở não). Ekip can thiệp mạch máu não lập tức được báo động để cùng phối hợp điều trị cho bệnh nhân.
XEM THÊM: Virus thủy đậu tồn tại trong cơ thể người có thể gây ra bệnh zona
Kết quả CT scan não kiểm tra ngay tại phòng can thiệp cho thấy phù hợp với chẩn đoán có phối hợp nhồi máu não cấp. Ekip can thiệp tim mạch trong thời gian khoảng 40 phút đã hoàn tất nong động mạch vành bị tắc và tiến hành đặt giá đỡ (stent), giúp tái lập dòng máu nuôi tim.
Ngay sau đó, ekip can thiệp mạch não chụp kiểm tra phát hiện tắc động mạch não giữa bên phải; thủ thuật lấy huyết khối tái thông mạch máu bị tắc với thời gian 20 phút.
Kết quả chụp cộng hưởng từ kiểm tra ngày hôm sau cho thấy mạch máu não bị tắc đã tái thông tốt. Hiện bệnh nhân đã tỉnh, sinh hiệu ổn định, không còn đau ngực, không rối loạn ngôn ngữ, còn yếu nhẹ nửa người bên trái.
Đinh Kim (T/h)