Tay người đàn ông đau buốt sau khi tiếp xúc với nước xịt kính
VietNamNet dẫn thông tin từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, các bác sĩ đang điều trị cho nam bệnh nhân 55 tuổi (trú tại Hưng Yên) nghi nhiễm hóa chất gây hoại tử thịt.
Bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng 5 ngón tay phải nhợt nhạt, nhức nhối, đau buốt sau ít phút tiếp xúc với nước xịt kính. Theo bệnh nhân, ông mua chai nước xịt tẩy rửa V300 trên mạng với giá 180.000 đồng để tẩy rửa, vệ sinh thiết bị trong gia đình.
Chai nước xịt được quảng cáo có thể tẩy sạch cặn canxi, mảng bám ố vàng và tất cả vết bẩn khác. Bệnh nhân đã xịt hóa chất ra khăn và lau trực tiếp lên kính trong nhà tắm.
Tuy nhiên, tiếp xúc với dung dịch khoảng 15-20 phút, các ngón tay của bệnh nhân bắt đầu đau, nhức buốt, giống như bị một loại côn trùng cực độc cắn. Bệnh nhân nhanh chóng rửa tay và gọi người thân đưa vào viện cùng với chai hóa chất.
Bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng 5 ngón tay phải nhợt nhạt, nhức nhối, đau buốt sau khi tiếp xúc với nước xịt kính. Ảnh: VietNamNet
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân ngâm các ngón tay vào dung dịch canxi gluconat 10% để thải độc và yêu cầu nhập viện theo dõi.
Theo bác sĩ Nguyên, chai hóa chất người nhà mang tới có tên V300 nhưng trên nhãn không có tên thành phần, cơ sở sản xuất, hướng dẫn cho người dân cách xử lý trong trường hợp nhiễm độc.
Quan sát trên bao bì chai hóa chất chỉ có duy nhất một dòng chữ bằng tiếng Việt “xịt tẩy rửa không chạm,” và cảnh báo “sử dụng bằng găng tay” trên nhãn rất nhỏ, còn lại đều bằng tiếng nước ngoài nên có thể nhiều người dân không để ý hoặc không hiểu.
Bác sĩ Nguyên nghi ngờ dung dịch này có chứa hóa chất HF rất độc (chất hóa học Hydro florua hay có tên gọi khác là axit flohydric). Hóa chất này có thể hòa tan kính, làm mòn thủy tinh nên có thể gây thủng cốc chén, chai lọ bằng thủy tinh nếu dùng để đựng hóa chất…
Nếu con người tiếp xúc với hóa chất HF thì có thể bị các vết thương nặng, hoại tử thịt, thậm chí ăn mòn, phá hủy mô xương. Nhân đây, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân khi sử dụng các chất tẩy rửa nên có đồ phòng hộ, không nên sử dụng trực tiếp trên da. Đặc biệt, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm có thành phần, nguồn gốc rõ ràng.
Cứu người đàn ông bị ung thư thận, tỷ lệ tử vong tới 90%
Tờ Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) vừa hội chẩn liên viện với Viện Tim TP.HCM để phẫu thuật cho ông P.H.P. (64 tuổi) mắc ung thư thận trái, có chồi bướu lan vào tĩnh mạch chủ đến gần sát tâm nhĩ phải.
Trước đó, người bệnh tình cờ được phát hiện bướu thận trái, kích thước 68x49 mm, đã xâm lấn mô mỡ xung quanh. Bệnh nhân còn có triệu chứng tiểu máu đỏ tươi kèm theo máu cục.
Dáng chú ý, khối u này có chồi bướu ăn lan vào tĩnh mạch chủ, tiến sát tâm nhĩ phải. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, người bệnh nguy cơ tử vong chỉ trong vài ngày. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp phẫu thuật rất khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa, gồm Tiết niệu, Mạch máu, Tim mạch, Gan mật, Nội khoa và ekip gây mê hồi sức.
Việc thực hiện phẫu thuật là quyết định phải “cân não” vì người bệnh có nhiều bệnh nền phối hợp (đái tháo đường type 2, xơ vữa mạch vành), nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong ngay, trong hoặc sau mổ lên tới 90%.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
"Phẫu thuật là cách duy nhất để cứu tính mạng người bệnh trước khi chồi bướu xâm lấn vào tim hoặc thuyên tắc động mạch phổi. Ca phẫu thuật có 10-20% cơ hội cứu được người bệnh bằng việc kiểm soát cùng lúc nhiều vấn đề bệnh lý phức tạp và sự phối hợp nhịp nhàng của các ekip", bác sĩ CKII Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, nhận định.
Ca phẫu thuật đòi hỏi các bác sĩ tham gia phải thực hiện từng thao tác thuần thục, chuẩn xác và tiết kiệm từng thời khắc cho người bệnh trên bàn mổ. Ca mổ cho bệnh nhân được thực hiện vào sáng ngày 19/5, kéo dài khoảng 6 giờ.
Sau phẫu thuật, các bác sĩ đảm bảo huyết động học cho người bệnh, cắt toàn bộ khối bướu, không để cho khối bướu chạy về tim lấp động mạch phổi. Đồng thời, người bệnh không bị mất máu quá nhiều.
Theo bác sĩ Đức, đây là cuộc mổ khó khăn, bệnh lý nền phức tạp, nguy cơ tử vong lên tới 90%. Hậu phẫu ngày đầu tiên, người bệnh đã được rút nội khí quản, tự thở được, các dấu hiệu sinh tồn đều ổn định. 7 ngày sau mổ, người bệnh được xuất viện.
Thiếu nữ 17 tuổi thủng ruột do nuốt tăm
Bệnh viện Việt Đức thông tin, đơn vị vừa phẫu thuật lấy dị vật cho nữ bệnh nhân N.T.T (17 tuổi, ở Vĩnh Phúc). Thời điểm vào viện, qua hỏi bệnh, bệnh nhân cho biết có thói quen hay xỉa răng và ngậm tăm sau khi ăn. Một tuần trước khi phải đi cấp cứu, người bệnh có biểu hiện đau bụng kèm theo sốt, sau đó các dấu hiệu đau bụng tăng nhiều, sốt cao.
Lúc đầu, người bệnh được chẩn đoán viêm phần phụ, đến Bệnh viện Phụ Sản Trung ương được làm siêu âm thấy có dị vật trong ổ bụng. Do đó, người bệnh lập tức được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.
Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thăm khám, chụp cắt lớp vi tính thấy có dị vật trong ổ bụng kích thước 3cm và bụng nhiều dịch mủ, theo thông tin trên báo An Ninh Thủ Đô.
Các bác sĩ lấy ra một dị vật dài 3cm nhọn 2 đầu bằng tre. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Bác sĩ CKII Lê Nhật Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng - Tầng sinh môn (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu bằng phương pháp phẫu thuật nội soi kết hợp với mổ mở, lấy ra một dị vật dài 3cm nhọn 2 đầu bằng tre, khâu lại lỗ thủng ruột, rửa sạch mủ và dịch tiêu hoá trong ổ bụng cho người bệnh.
Hiện tại, sau mổ tình trạng của người bệnh tạm thời ổn định. Theo bác sĩ Huy, đây là ca bệnh khá hi hữu bởi những trường hợp nuốt phải dị vật tăm tre vào cấp cứu tại viện trước nay thường là người cao tuổi.
Đinh Kim (T/h)