Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 5/10/2024: Hai bệnh viện phối hợp cứu ca sinh mổ hy hữu

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 5/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hai bệnh viện phối hợi cứu ca sinh mổ hy hữu

VietNamNet đưa tin chiều 4/10, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã chia sẻ về một ca bệnh vô cùng hy hữu được hai bệnh viện phối hợp xử lý. Theo đó, chị P.T.X.T (43 tuổi, quê Trà Ôn, Vĩnh Long) mang thai 39 tuần 6 ngày, nhập Bệnh viện Sản nhi Trà Vinh, được chỉ định mổ lấy thai do thai chậm tăng trưởng, khung chậu hẹp.

Khi đưa vào phòng mổ, các bác sĩ không thể tìm được khe hở nào ở đốt sống để gây tê tuỷ sống, cũng không thể gây mê nội khí quản do miệng bệnh nhân bị cứng, không mở lớn như bình thường được.

Người bệnh được chuyển cấp cứu khẩn lên Bệnh viện Từ Dũ chiều 30/9 trong tình trạng bụng có cơn gò, cổ tử cung mở 1-2cm, thai nhỏ, nước ối ít, có tình trạng thiếu oxy máu trong bệnh cảnh thai chậm tăng trưởng.

Bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản đường mũi cho sản phụ. Ảnh: VietNamNet

Ngày 1/10, bác sĩ CKII Tào Tuấn Kiệt - Trưởng khoa gây mê hồi sức đã báo động khẩn cấp với lãnh đạo bệnh viện về tình trạng của chị T. Với bệnh viêm dính cột sống lâu năm, cứng và giới hạn khớp hàm khiến người bệnh không há miệng to như bình thường, không thể ngửa cổ nên không thực hiện gây tê và gây mê như bình thường.

Đây là một thách thức lớn cho bác sĩ gây mê trong việc lựa chọn phương pháp vô cảm và quản lý đường thở trong phẫu thuật. Các bác sĩ không thể gây tê tủy sống, không đặt được nội khí quản theo cách thông thường, cũng không thể đặt mặt nạ thanh quản vì cổ không ngửa được, chỉ còn một biện pháp duy nhất là nhờ ống soi mềm để đặt ống nội khí quản đường mũi nhằm kiểm soát hô hấp khi gây mê toàn thân.

Tuy nhiên, thiết bị ống soi mềm để đặt nội khí quản đường mũi rất ít bệnh viện có trang bị để sử dụng. Bệnh viện Từ Dũ đã liên hệ nhiều nơi nhờ hỗ trợ nhưng thất bại. Cuối cùng đến sáng ngày 2/10, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương thông tin có dụng cụ chuyên dụng này, đồng thời cử một ekip chuyên nghiệp sẵn sàng hỗ trợ Bệnh viện Từ Dũ.

Các bác sĩ gây mê hai bệnh viện đã phối hợp đặt nội khí quản đường mũi thành công, ca sinh mổ diễn ra thuận lợi. Bé gái nặng hơn 2,4kg chào đời khoẻ mạnh. Ekip phẫu thuật nhận định, đây là trường hợp rất khó và đặc biệt nhất từ trước tới giờ.

Theo lời chị T., năm 20 tuổi, chị bị đau cột sống cổ, được bác sĩ của phòng khám tư nhân tiêm một loại thuốc trực tiếp vào cột sống trong 3 tháng, mỗi tháng 3 mũi. Lúc đầu mới tiêm, chị có bớt đau, sau đó cổ bắt đầu cứng dần, lan xuống cứng đốt sống ngực và đốt sống thắt lưng.

Hơn 20 năm nay, chị không thể cúi xuống hoặc khom lưng, tối ngủ không thể nằm gối, người cứng đờ như khúc gỗ. Đi khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị được chẩn đoán viêm dính thoái hóa cột sống cổ, phải uống thuốc cả đời.

Khi phát hiện mang thai, chị tự ý ngưng thuốc điều trị cột sống do sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Trước khi mang thai, chị T. chỉ cao 1m45, nặng 30kg, được chẩn đoán suy dinh dưỡng mức độ 3.

Thừa Thiên Huế ghi nhận thêm 2 ca số rét ngoại lai

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 4/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ghi nhận thêm 2 ca sốt rét ngoại lai trên địa bàn tỉnh.

Trường hợp thứ nhất là ông N.Đ.H. (47 tuổi), làm việc ở Lào được 12 năm. Tại Lào, ông H. lên cơn sốt, sau khi về nhà ở thị xã Hương Thủy có biểu hiện sốt, nhức mỏi toàn thân, rét run.

Kết quả xét nghiệm dương tính với Plasmodium vivax. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Huế) điều trị. Hiện, bệnh nhân được xuất viện khi kết quả xét nghiệm âm tính.

Trường hợp thứ hai là anh T.T.M.Ng. (36 tuổi, ở TP.Huế), làm việc tại Cameroon. Anh Ng. về nhà được gần một tuần khởi phát cơn sốt, nhức mỏi cơ. Hai ngày sau, anh Ng. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế. Xét nghiệm có kết quả dương tính với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum.

Nhân viên y tế lấy xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét bằng lam. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

Bác sĩ Phan Lê Quỳnh Thi ở khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, người bệnh sốt rét được điều trị theo phác đồ cập nhật mới nhất của Bộ Y tế năm 2023.

"Bệnh nhân Ng. sau vài ngày điều trị hạ sốt, tuy nhiên kết quả xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu vẫn cho kết quả dương tính nên tiếp tục theo dõi", bác sĩ Quỳnh Thi nói.

Theo CDC Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp sốt rét ngoại lai trở về từ Angola (2 ca), Bờ Biển Ngà (1 ca), Cameroon (1 ca), Lào (1 ca).

Phẫu thuật cắt toàn bộ bướu giáp kích thước lớn cho người phụ nữ

VOV đưa tin, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện thành công cắt toàn bộ bướu giáp kích thước mỗi thùy 15x10x10cm cho nữ bệnh nhân 24 tuổi.

Bệnh nhân H.T.P (24 tuổi, trú huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) mắc bệnh basedow đã 12 năm. 3 năm gần đây, từ khi mang bầu và sinh con, mắt bệnh nhân ngày càng lồi, khối bướu ở cổ ngày một to.

Bệnh nhân đã đi khắp nơi điều trị nhưng vì khối bướu to và có nhiều bệnh kèm nên bác sĩ chỉ cho uống thuốc, không phẫu thuật cắt bỏ bướu. Mới đây, bệnh nhân bị sốt cao nhiều ngày không hạ nên nhập Bệnh viện Đà Nẵng để khám. Sau đó, bệnh nhân được chuyển khoa Ngoại lồng ngực để tiếp tục điều trị, phẫu thuật cắt bướu.

Bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân nhập khoa Ngoại lồng ngực trong tình trạng lồi mắt, khối bướu to chèn ép gây khó thở, khó nuốt, hạ bạch cầu do dùng thuốc kháng giáp.

Bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng thăm khám cho người bệnh sau mổ. Ảnh: VOV

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, tình trạng cường giáp bệnh nhân chưa ổn định, tuyến giáp quá lớn sẽ gây khó khăn trong việc gây mê, nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật rất lớn.

Đồng thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ khàn tiếng, mất tiếng và hạ canxi máu sau mổ do tổn thương dây thần kinh chi phối giọng nói và tuyến cận giáp, cũng như nguy cơ khó thở sau khi thoát mê do khí quản bị xẹp vì bướu lớn chèn ép lâu ngày dẫn đến nhuyễn khí quản.

Do vậy, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực đã quyết định tăng liều thuốc kháng giáp kết hợp cùng dung dịch lugol, thuốc ức chế beta và an thần, tiêm kháng sinh dự phòng để điều trị ổn định cho bệnh nhân sau đó mới phẫu thuật.

Sau gần 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực và khoa Gây mê hồi sức đã thành công trong việc cắt toàn bộ tuyến giáp cho bệnh nhân mà không để xảy ra biến chứng gì. Hiện tại, bệnh nhân hết khó thở, ăn uống, nói chuyện bình thường, không co rút tay chân và đã được xuất viện.

Tin nổi bật