Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 4/10/2024: Bé 6 tháng tuổi uống nhầm thuốc trị mụn cóc

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 4/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé 6 tháng tuổi uống nhầm thuốc trị mụn cóc

Báo Dân Trí dẫn thông tin từ đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vừa qua nơi này đã tiếp nhận cấp cứu một bé trai uống nhầm thuốc chứa axit nguy hiểm. Bệnh nhi là bé trai 6 tháng tuổi tên Đ.M.K. (ngụ tỉnh Tây Ninh).

Khai thác bệnh sử, trước đó vì tưởng lọ thuốc trị mụn cóc là ống men tiêu hóa, người nhà lấy cho bé 6 tháng tuổi uống. Ngay sau đó, bé nôn ói và khó thở, được đưa vào bệnh viện địa phương rồi chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ CKI Lý Phạm Hoàng Vinh ở khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, ekip điều trị đã nhanh chóng soi đường thở và thực quản cấp cứu cho bé, phát hiện vùng họng bệnh nhi sung huyết, lở loét, thanh quản phù nề gây khó thở, thực quản bị bỏng độ 2.

Chai men vi sinh và lọ thuốc trị mụn cóc có hình dạng gần giống nhau. Ảnh: Dân Trí

Bệnh nhi được hỗ trợ đường thở, đặt ống sonde dạ dày và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Bệnh nhi sẽ không thể ăn qua miệng mà phải uống sữa và chất lỏng qua ống sonde trong thời gian dài. Trong tương lai, bệnh nhicần tái khám để soi nong thực quản định kỳ, nếu bị biến chứng hẹp thực quản. 

Theo bác sĩ Lý Phạm Hoàng Vinh, thuốc trị mụn cóc có thành phần chính là các loại axit, chỉ sử dụng ngoài da. Khi uống vào sẽ gây hoại tử các lớp niêm mạc và cơ của thực quản, nguy cơ biến chứng hẹp thực quản, nặng hơn là thủng thực quản, sốc…

Ngộ độc hóa chất có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong đó, nhóm trẻ dưới 6 tuổi thường chiếm nhiều nhất.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần cẩn thận khi lưu trữ các loại dung dịch, không để lẫn lộn, có nhãn dán, đặt ngoài tầm tay của trẻ em. Trường hợp uống nhầm hóa chất, cần đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không gây nôn cho trẻ khi sơ cứu tại nhà, vì thao tác sai sẽ khiến trẻ trở nặng. Lưu ý, thời gian vàng để loại bỏ các hóa chất là 1-3 giờ sau khi trẻ dung nạp.

Bộ Y tế yêu cầu thu hồi lô sữa rửa mặt không đạt chuẩn chất lượng

VietNamNet đưa tin, Cục Quản lý Dược vừa ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm sữa rửa mặt Cleanser (nhãn hàng Linh Chi Vàng VIP) - Tuýp 70g, Số lô: 0123; sản xuất ngày 13/12/2023; hạn dùng 13/12/2026.

Sản phẩm có số tiếp nhận Phiếu công bố: 017/23/CBMP-CT; do Công ty TNHH sản xuất thương mại dược mỹ phẩm thiên nhiên Anh Thư (ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) sản xuất. Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nguyễn Hoàng Na (ở thành phố Cần Thơ) là tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo Cục Quản lý Dược, lý do thu hồi lô mỹ phẩm này là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn Propylparaben (Nipasol) trong mỹ phẩm theo quy định.

Cơ quan của Bộ Y tế đề nghị Sở y tế 63 tỉnh, thành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Sữa rửa mặt Cleanser (nhãn hàng Linh Chi Vàng VIP) - Tuýp 70g nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.

Các sở cũng được yêu cầu thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Propylparaben là một trong 3 dạng phổ biến của Parabens. Thành phần Parabens được sử dụng làm chất bảo quản của nhiều loại mỹ phẩm, trong đó các sản phẩm sữa rửa mặt và nước tẩy trang được dùng nhiều nhất. Công dụng nổi bật của Propylparaben trong mỹ phẩm là chất kháng khuẩn, diệt nấm mốc và vi khuẩn hiệu quả.

Nipasol là chất kháng khuẩn phổ rộng được sử dụng trong mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm. Chất này có tác dụng chống vi khuẩn, nấm mốc và nấm men.

Theo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội, chất bảo quản là một thành phần không thể thiếu trong mỹ phẩm, có tác dụng chống nấm mốc, kéo dài thời gian sử dụng.

Giới hạn hàm lượng các chất bảo quản trong mỹ phẩm đã được quy định cụ thể ở Annex VI của ASEAN. Theo đó, các paraben (Methylparaben, Ethylparaben, Propylparaben và Butylparaben) không quá 0,4% đối với các paraben dùng riêng lẻ (tính theo acid) và không quá 0,8% đối với hỗn hợp các paraben (tính theo acid).

Người phụ nữ tử vong sau gần 2 tháng bị chó cắn

Theo báo Sức Khỏe & Đời sống, ngày 3/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thông tin, vừa ghi nhận trường hợp chị N.T.T.B. (28 tuổi, trú khu phố Lập Vinh, thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam) tử vong nghi do bệnh dại.

Theo kết quả giám sát dịch tễ, vào đầu tháng 8/2024, chị B. bị chó ở nhà nuôi cắn vào ngón tay nhưng không chảy máu. Khi bị cắn, chị B. không có biện pháp xử lý vết thương và không tiêm vaccine phòng bệnh dại mà chỉ mua thuốc nam về uống.

Vào ngày 26/9, chị B. bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ớn lạnh và sốt. Đến ngày 28/9, người nhà đưa chị đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại, sau đó bệnh nhân tử vong.

Qua điều tra xác minh, tại nhà chị B. cũng có hai người bị chó cắn, cả hai đều không tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi bị cắn.

Người nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Ảnh minh họa

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ngành y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục 15 phút.

Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường và kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Người dân tuyệt đối không tự chữa trị.

Người nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Đồng thời, nuôi chó phải nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm cho chó. Người dân không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Tin nổi bật