Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 30/9/2024: Cô gái nhận cái kết “muối mặt” khi tranh chỗ đỗ ô tô

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 30/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cô gái nhận cái kết “muối mặt” khi tranh chỗ đỗ ô tô

VietNamNet dẫn thông tin từ Korea Times cho hay, anh Han Moon Chul mới đây đã chia sẻ lại sự việc anh gặp phải ở một trung tâm mua sắm ở Uiwang (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc).

Do lượng khách đến trung tâm mua sắm rất đông, anh phải mất 30 phút đi vòng quanh bãi xe ô tô mới tìm được một chỗ trống. Tuy nhiên, khi anh chuẩn bị lùi xe để đỗ, thì một cô gái chạy đến chặn xe anh lại. Cô gái vừa nói chuyện điện thoại, vừa đứng nguyên tại đó để giữ chỗ.

"Tôi mất 30 phút để tìm vị trí đỗ xe. Nhưng chuẩn bị lùi vào chỗ đỗ thì một cô gái vội vã chạy đến chiếm mất chỗ", anh nói.

Anh tức giận, hỏi cô ấy đang làm gì thì nhận được câu trả lời rằng "giữ chỗ cho một xe khác đang tới". Cô khăng khăng mình là người đến trước nên có quyền đỗ ô tô ở vị trí này.

Cô gái tranh giành chỗ đỗ xe. Ảnh: Ảnh: Korea Times

Bỏ mặc lời nói, anh vẫn cố lùi xe vào chỗ đỗ nhưng cô gái không hề di chuyển. Anh không từ bỏ ý định, tiếp tục nhích dần xe, buộc cô phải đứng sang một bên. Cuối cùng, cô gái đành phải rời đi.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trải qua tình huống này. Tôi chỉ thấy trên TV thôi. Ở nơi công cộng, chúng ta nên bỏ qua sự ích kỷ. Trong hầu hết các trường hợp, con người được ưu tiên, nhưng ở bãi đỗ ô tô, chiếc xe mới là thứ được ưu tiên", anh nói.

Tại Hàn Quốc, tranh chấp liên quan đến chỗ đỗ xe ngày càng gia tăng. Tháng 8/2024, sự cố tương tự xảy ra tại công viên Seoul Grand Park (Gwacheon, Gyeonggi). Một người phụ nữ đứng giữ chỗ trong bãi ô tô, dẫn đến xô xát với một tài xế khác chuẩn bị đỗ xe.

Người đàn ông 58 tuổi bị lóc tách động mạch chủ ngực

VTV Times đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa áp dụng kỹ thuật Hybrid cứu sống người bệnh nặng do lóc tách động mạch chủ ngực. Cụ thể, nam bệnh nhân 58 tuổi (trú tại Phúc Lâm, Đoan Hùng, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội đau lan ra sau lưng.

Kết quả chụp MSCT động mạch chủ cho thấy hình ảnh lóc tách động mạch chủ ngực ngay sát quai động mạch chủ, lóc tách lan đến chỗ chia của động mạch chậu (lóc tách động mạch chủ ngực Standford B).

Sau khi có kết quả chẩn đoán cuối cùng, các bác sĩ khoa Can thiệp tim mạch và khoa Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực đã có hội chẩn đưa ra phương án điều trị tối ưu cho người bệnh là sử dụng kỹ thuật Hybrid (kết hợp phẫu thuật bắc cầu nối động mạch cảnh và động mạch dưới đòn kết hợp với đặt stent graft động mạch chủ ngực).

Hình ảnh phim chụp CT cho thấy lóc tách động mạch chủ ngực ngay sát quai động mạch chủ. Ảnh: VTV Times

Ca phẫu thuật và can thiệp cho người bệnh đã được thực hiện tại phòng mổ Hybrid do các bác sĩ 2 chuyên khoa thực hiện trong khoảng 4 giờ.

Người bệnh điều trị hậu phẫu sau 7 ngày đã ổn định, không đau ngực, huyết áp và nhịp tim ổn định. Người bệnh đã được kiểm tra bằng chụp CT 128 dãy, vị trí đặt stent graft đúng, tưới máu tạng tốt, không có bất kỳ biến chứng nào và đã được xuất viện.

Ths.Bs Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch cho biết, trường hợp của người bệnh này là một ca bệnh nguy hiểm với lóc tách động mạch chủ ngực Stanford B, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật Hybrid để xử lý tình trạng này.

Nghiện rượu hơn 15 năm, người đàn ông mang khối mỡ năng gần 2kg

Theo báo Đại Biểu Nhân Dân, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa phẫu thuật cắt bỏ khối mỡ nặng gần 2kg cho nam bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Madelung, có tiền sử nghiện rượu hơn 15 năm nay.

Đó là trường hợp bệnh nhân N.M.Q ( trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội). Người bệnh nhập viện trong tình trạng bị khó thở, nuốt nghẹn, đặc biệt trên cơ thể bệnh nhân nổi những cục u mềm kích thước lớn, tập trung nhiều nhất tại vùng cổ và sau gáy.

Khai thác thông tin được biết, trong 2 năm gần đây, khối u của người bệnh tăng nhanh cả về số lượng và kích thước, xuất hiện ở rất nhiều vị trí cơ thể. Đặc biệt, u ngày càng phát triển thành khối “khổng lồ” vòng quanh cổ, gáy khiến cơ thể trở nên kỳ dị, gây hạn chế cử động, nuốt vướng, khó chịu.

Ngoài ra, bệnh nhân còn đang điều trị bệnh lao phổi với một bên phổi phải đông đặc, viêm xơ phổi hai bên gây khó thở. Do đó, khi tiến hành phẫu thuật cho người bệnh, quá trình gây mê diễn ra khá phức tạp.

Khối mỡ lớn ở vùng cổ của bệnh nhân. Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Tại bệnh viện, ekíp phẫu thuật khoa Ngoại theo yêu cầu đã tiến hành cắt bỏ những phần mỡ lớn ở cổ. Tuy nhiên do tổ chức mỡ lan tỏa rộng vùng cổ gáy hai bên rất nhiều, chỗ dày nhất lên tới 77mm, nếu cắt quá rộng có thể gây hoại tử vạt da, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của bệnh nhân.

Để loại bỏ hết các khối u mỡ này cần, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần và việc tái phát bệnh sau mổ không thể tránh khỏi nếu bệnh nhân không sinh hoạt điều độ, hạn chế sử dụng rượu bia.

Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh Madelung (lipomatosis) đối xứng lành tính là một rối loạn hiếm gặp đặc trưng bởi sự tích tụ không đều của mô mỡ dưới da, thường xuất hiện ở vùng cổ, vai và lưng trên. Trong đó, vị trí hay gặp nhất bao gồm vùng cổ và vai gáy - khối mỡ vùng này làm cho vòng cổ rất to nên bệnh còn có một tên gọi khác là bệnh “Cổ áo Madelung” (Madelung’s Collar).

Mặc dù, các khối mỡ do bệnh Madelung không gây đau nhưng có thể gây ra khó chịu và hạn chế vận động cho người bệnh. Nguyên nhân chính xác của bệnh Madelung chưa được xác định rõ, nhưng có sự liên quan đến yếu tố di truyền và các rối loạn chuyển hóa.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh Madelung thường gặp ở nam giới trung niên và có liên quan mật thiết đến việc tiêu thụ rượu bia. Đặc biệt, điều trị bệnh chủ yếu sẽ phải phẫu thuật loại bỏ các khối mỡ và thay đổi lối sống, bao gồm việc giảm hoặc ngừng uống rượu. Vì vậy, việc quản lý bệnh lâu dài đòi hỏi sự theo dõi thường xuyên để ngăn ngừa tái phát và xử lý các biến chứng.

Tin nổi bật