Người Đưa Tin Pháp Luật dẫn thông tin từ HK01 cho hay, bác sĩ tiết niệu người Đài Loan (Trung Quốc) - Hoàng Duy Luân đã đăng một bài viết trên trang Facebook chia sẻ về vấn đề triệt sản.
Bác sĩ kể lại câu chuyện về một nam bệnh nhân đã được một người bạn của ông thực hiện phẫu thuật triệt sản. 3 năm sau, người đàn ông này cùng vợ đến khám và phát hiện vợ mình đã mang thai.
Người chồng khẳng định cả 2 đều chung thủy và nghi ngờ ca phẫu thuật triệt sản đã thất bại: "Bác sĩ, vợ tôi lại có bầu rồi, mà chúng tôi cũng không quan hệ với ai khác, phải chăng là ca triệt sản không thành công?".
Nghe vậy, bác sĩ đã yêu cầu người đàn ông đi xét nghiệm tinh dịch. Một tuần sau, người chồng cho biết vợ mình đã đi du lịch Nhật Bản cùng bạn bè nên chỉ có một mình quay lại khám. Khi nhìn vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ vô cùng sốc.
Ông đắn đo không biết làm sao để nói cho bệnh nhân biết rằng, trong tinh dịch của anh ta không có tinh trùng, điều đó có nghĩa là người vợ không thể mang thai con của chồng: "Khoảnh khắc đó, phòng khám bỗng trở nên tĩnh lặng...".
Người chồng đã thực hiện phẫu thuật triệt sản nhưng người vợ vẫn mang thai. Ảnh minh họa
Bài đăng này đã thu hút nhiều bình luận của cư dân mạng, một người hài hước bình luận rằng: "Cứ nói thẳng với anh ta là: Anh không có tinh trùng thì làm sao có con được?".
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Duy Luân cũng cho biết rằng, phẫu thuật triệt sản vẫn có thể thất bại. "Tỷ lệ thành công của phẫu thuật triệt sản ở nam giới trên 99% nhưng vẫn có một tỷ lệ thất bại rất nhỏ", bác sĩ nói.
Các nguyên nhân có thể bao gồm "bệnh nhân có nhiều hơn một ống dẫn tinh ở một bên", "nhiễm trùng hoặc chấn thương dẫn đến rò rỉ ống dẫn tinh" và "bác sĩ phẫu thuật không thực hiện kỹ thuật tốt".
VTV Times đưa tin, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cứu sống bé trai 12 tuổi bị xuất huyết não.
Cụ thể, ngày 24/9, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi K.C. (12 tuổi, trú tại Trần Đề, Sóc Trăng) trong tình trạng ngất xỉu, lơ mơ.
Qua tìm hiểu được biết, bệnh nhi chạy bộ tập thể dục tại trường, sau đó than mệt, nhức đầu, buồn nôn, lừ đừ, dẫn đến ngất xỉu. Bệnh nhi không có tiền sử bệnh lý.
Tại bệnh viện, mạch của bệnh nhi lúc này là 60 lần/phút, huyết áp 120/60 mmHg, nhịp thở 22 lần, phút, SpO2 98%, lơ mơ, môi hồng, chi ấm. Sau khi thực hiện các cận lâm sàng và tiến hành hội chẩn toàn viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị xuất huyết não, đã xử trí chống phù não, ổn định hô hấp, huyết động và cần chuyển viện can thiệp ngay, nếu thời gian kéo dài sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi thống nhất, Ban giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng nhanh chóng liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để lập tức chuyển bệnh nhi đến và tiến hành cấp cứu can thiệp.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, các bác sĩ đã tiến hành chụp DSA, ghi nhận có dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM) tiểu não trái, kích thước 15x30mm.
Sau gần 1 giờ, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã can thiệp thành công, gây tắc mạch bằng cách bơm keo sinh học giúp giảm lưu lượng máu vào khối AVM.
Hiện, sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi hồi phục tốt, tỉnh táo, không yếu liệt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Được biết, hoàn cảnh gia đình của bệnh nhi rất khó khăn nên Ban giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ hoàn toàn chi phí chuyển viện.
Qua trường hợp trên, bác sĩ CKII Chung Tấn Định - Giám đốc bệnh viện đưa ra khuyến cáo, phụ huynh hết sức lưu ý khi phát hiện các em có triệu chứng đau đầu âm ỉ kéo dài, co giật, yếu nửa người, nôn ói, lơ mơ…, cần phải đưa đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trường hợp gia đình chần chừ đưa các em đến trễ thời gian vàng sẽ bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và phát triển toàn diện của các em sau này.
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin chiều 2/10, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết các bác sĩ nơi đây cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục thông van tim can thiệp cứu sống một bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng.
Như vậy, bắt đầu từ tháng 1/2024 đến nay, tại Bệnh viện Từ Dũ đã thông van tim can thiệp bào thai cứu sống 4 trẻ bị dị tật tim bẩm sinh nặng.
Bệnh viện Từ Dũ cho hay trường hợp lần này đặc biệt hơn 3 trường hợp thông van tim can thiệp thành công khác, khi thai phụ H. là điều dưỡng làm việc tại khoa nội tim mạch của một bệnh viện đa khoa tại TP.HCM, công việc hàng ngày là chăm sóc cho các ca bệnh tim nặng.
Khám thai sàng lọc 3 tháng đầu kết quả tốt. Lúc thai 22 tuần siêu âm kiểm tra hình thái phát hiện bé bị dị tật tim bẩm sinh nặng, đề nghị chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ khám và điều trị.
Chị H. vô cùng lo lắng vì chị hiểu rất rõ những hậu quả nghiêm trọng của một trái tim không khỏe mạnh sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào. Ngày 7/6, tại Bệnh viện Từ Dũ, chị H. khám siêu âm tiền sản phát hiện thai nhi bị hẹp van động mạch phổi nặng, hở van 3 lá nặng 4/4.
Sau đó, Bệnh viện Từ Dũ phối hợp chuyên gia tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhi đồng 1 kết luận đây là một trường hợp không có lỗ van động mạch phổi - vách liên thất kín.
Ekip hai bệnh viện phối hợp thông van tim bào thai. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Ngày 26/6, khi thai được 25 tuần, chị H. tái khám, siêu âm đánh giá lại các bất thường của tim cho thấy diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn, thiểu sản thất phải nặng hơn. Các bác sĩ hội chẩn và tư vấn giải thích hướng điều trị sắp tới là cần can thiệp bào thai để tìm cơ hội cuối cùng cứu sống em bé vào thời điểm thích hợp nhất.
Chị H. tìm hiểu các thông tin và được biết trước đây Bệnh viện Từ Dũ từng can thiệp bào thai nong van tim thành công cho 3 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nặng nên quyết tâm nuôi hy vọng.
Hai tuần sau, tình hình diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn nữa. Lúc này, các bác sĩ quyết định thực hiện can thiệp nong van tim bào thai. Sáng 19/7, chị H. được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện phẫu thuật xuyên tử cung nong van tim.
Sau can thiệp thông van tim bào thai thành công, siêu âm kiểm tra tim thai lại thấy dòng chảy qua van động mạch phổi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim.
Sau khi xuất viện, mọi diễn tiến thai kỳ của chị H. đều ổn định. Sự phát triển của bé về các chỉ số chiều dài và cân nặng đều trong giới hạn bình thường. Chị H. vẫn đi làm mỗi ngày cho đến khi bé được hơn 38 tuần thì các bác sĩ sản khoa quyết định mổ bắt con.
Sáng 26/9, bác sĩ CKII Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cùng ekip can thiệp bào thai, bác sĩ CKII Trịnh Nhựt Thư Hương trực tiếp mổ bắt lấy thai một bé trai nặng 3.050g, khỏe mạnh.
Bé nhanh chóng được các bác sĩ tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 siêu âm tim kiểm tra, thấy các dòng chảy khá ổn định và chuyển bé về Bệnh viện Nhi đồng 1 theo dõi và điều trị tiếp. Sau 5 ngày hậu phẫu, sáng 2/10, mọi sinh hoạt của chị H. đều như bình thường và được xuất viện.