Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 28/5: Xử lý khối u “khủng” nằm sát động mạch tử cung, đón bé trai chào đời

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Xử lý khối u “khủng” nằm sát động mạch tử cung, đón bé trai chào đời; Người đàn ông tử vong sau 4 tháng bị chó lạ cắn… là tin tức đời sống mới nóng ngày 28/5.

Xử lý khối u “khủng” nằm sát động mạch tử cung, đón bé trai chào đời

Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, một ca mổ đặc biệt vừa được các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương thực hiện thành công, mang lại niềm vui trọn vẹn cho cả mẹ và con. Đây là trường hợp sản phụ sinh mổ lần hai và mang theo một khối u xơ tử cung khổng lồ có đường kính lên tới 20cm.

Trước đó, bệnh nhân là chị C.P.K. (SN 1995, quê ở Tuyên Quang), nhập viện từ tuần thai thứ 30 để điều trị dọa đẻ non. Sau quá trình điều trị giữ thai thành công, đến tuần thứ 39, thai phụ được chỉ định mổ lấy thai lần hai.

Theo các bác sĩ, đây không chỉ đơn giản là một ca mổ sinh thông thường – bệnh nhân còn mang theo một khối u xơ tử cung rất lớn, đường kính lên tới 20cm.

Bé trai chào đời khỏe mạnh. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Với sự thận trọng tối đa, bác sĩ CKII Phạm Minh Giang – Phòng Nghiên cứu Khoa học và Phát triển công nghệ, Trung tâm Chẩn đoán trước sinh – người trực tiếp thực hiện cùng ekip đã đưa em bé ra ngoài an toàn. Bé trai nặng 2,6kg chào đời cất tiếng khóc to, hồng hào, khỏe mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn thực sự chỉ mới bắt đầu. Khối u xơ “khổng lồ” bám chặt vào thân tử cung và nằm sát động mạch tử cung, diện bóc u rộng khiến quá trình xử lý cực kỳ phức tạp.

Trong suốt ca mổ, sản phụ mất máu nhiều, không chỉ từ vị trí bánh rau mà còn lan rộng toàn bộ vùng bóc u. Hai đơn vị máu đã được truyền cấp cứu ngay trong lúc mổ, đồng thời các thao tác kiểm soát chảy máu, khâu phục hồi được thực hiện khẩn trương và chính xác tuyệt đối.

Sau gần 2 giờ đồng hồ căng thẳng, khối u nặng 1.600g được bóc tách và lấy ra trọn vẹn. Ca phẫu thuật khép lại trong niềm vui, sự nhẹ nhõm và tiếng thở phào của toàn bộ ekip y bác sĩ.

Sau gần 2 giờ đồng hồ căng thẳng, khối u nặng 1.600g được bóc tách và lấy ra trọn vẹn. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Theo bác sĩ CKII Phạm Minh Giang, điều khó nhất trong ca mổ này không chỉ là lấy thai an toàn mà là xử lý khối u xơ lớn, nằm sâu trong thân tử cung với diện bóc rộng và sát động mạch tử cung khiến nguy cơ mất máu rất cao. Nếu không kiểm soát tốt, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống và may mắn không có biến cố nào diễn ra ngoài dự kiến. Ca mổ thành công là nỗ lực của cả một ekip phối hợp chặt chẽ, từ kíp gây mê hồi sức đến kíp mổ sản khoa", bác sĩ Phạm Minh Giang chia sẻ.

Người đàn ông tử vong sau 4 tháng bị chó cắn

Tạp trí Tri Thức đưa tin, Viện Pasteur TP.HCM vừa ghi nhận một trường hợp không qua khỏi có liên quan đến bệnh dại tại phường Tân Hòa, TP.Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Nạn nhân là ông C.T.P. (53 tuổi). Theo điều tra, vào khoảng cuối tháng 1, ông P. bị chó cắn vào vùng mặt sau cẳng chân trong lúc đi môi giới bất động sản. Tuy nhiên, bệnh nhân sống một mình trong nhiều năm (vợ con ông đang sống ở TP.HCM), ít giao tiếp với hàng xóm nên đến nay vẫn chưa thể xác định được con vật cắn ông cũng như địa điểm xảy ra vụ việc.

Sau khi bị cắn, ông P. không đến cơ sở y tế để xử lý vết thương cũng như không tiêm phòng vaccine, huyết thanh kháng dại. Đến giữa tháng 5, người đàn ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau họng, nóng rát vùng cổ, nói khàn, nuốt khó và sốt không rõ nguyên nhân. Dù đã đi khám và được kê thuốc uống tại nhà, tình trạng sức khỏe người bệnh vẫn không cải thiện.

Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Ảnh minh họa: Freepik

Sáng 17/5, ông được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) trong tình trạng mệt mỏi, khó thở. Tại đây, người bệnh có biểu hiện kích động, gồng người, sợ gió, tăng tiết nước bọt… và được theo dõi theo hướng sảng rượu.

Sau hội chẩn, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vào lúc 3h45 hôm sau. Các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu nước bọt để xét nghiệm virus dại lúc 6h15. Tuy nhiên, đến 19h, gia đình xin cho ông về nhà.

Tình trạng sức khỏe của ông P. tiếp tục chuyển biến xấu. Đến khoảng 20h10 cùng ngày, ông không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm mẫu nước bọt sau đó cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại.

Ngay sau khi có kết quả, lực lượng y tế đã tiến hành các biện pháp xử lý dịch tễ tại khu vực nơi bệnh nhân cư trú bao gồm phun hóa chất khử trùng, làm sạch môi trường sống theo đúng quy định phòng chống bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tuy nhiên, đến hiện tại, cơ quan y tế địa phương vẫn chưa thu thập được mẫu bệnh phẩm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nhanh chóng rà soát các trường hợp từng tiếp xúc gần với bệnh nhân. Con trai ông P. cho biết đã bị cha cắn vào bàn tay trong lúc chăm sóc khi ông lên cơn co giật, tuy nhiên không có vết trầy xước. Trường hợp này đã được tư vấn tiêm dự phòng trước phơi nhiễm.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

- Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

- Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Sau đó, rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iod, không băng kín vết thương. Đưa người bị cắn đến ngay cơ sở y tế.

- Không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị bệnh dại.

- Hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

Chân người đàn ông hoại tử tím đen sau khi dẫm phải gai

Theo VietnamPlus, ngày 27/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thông tin các bác sĩ của bệnh viện tiếp nhận điều trị một bệnh nhân bị gai đâm khi lội đầm tôm, vết thương nhanh chóng biến thành hoại tử tím đen đe dọa tính mạng.

Ba ngày trước khi nhập viện, ông T.V.T. (55 tuổi, trú tại Thanh Hóa) bị gai đâm vào cẳng chân trái khi lội xuống đầm tôm. Ban đầu, vết thương chỉ là một nốt nhỏ nhưng sau hai ngày, vùng tổn thương sưng phồng, phù nề, bề mặt sần sùi và lan rộng dọc cẳng chân. Bệnh nhân xuất hiện các bóng nước rải rác, kèm theo khó thở, tụt huyết áp.

Gia đình đưa ông đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi tình trạng đã chuyển sang sốc nhiễm khuẩn và suy hô hấp nặng. Khi nhập viện, tổn thương da đã lan sang cả hai chân, tiến lên đùi và tay với tốc độ rất nhanh. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm mô bào lan tỏa, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng, phải thở máy, lọc máu liên tục. Đáng chú ý, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường nặng, dù trước đó bệnh đang được kiểm soát ổn định.

Các xét nghiệm cho thấy tiểu cầu giảm (50 G/L so với mức bình thường 150–450), dấu hiệu rối loạn đông máu. Men gan AST tăng cao (trên 200 U/L), phản ánh suy gan. Chỉ dấu hoại tử cơ tăng gấp 40 lần (4.000 U/L), báo hiệu hoại tử cơ. Procalcitonin (PCT) tăng vọt (60 ng/mL), chứng tỏ nhiễm trùng huyết nặng. Toan chuyển hóa, suy thận cấp, thiểu niệu.

Chân trái của bệnh nhân đã chuyển màu tím đen, phù to gấp rưỡi, da căng cứng, bóng nhẫy với các mảng hoại tử. Tổn thương lan từ cổ chân lên đùi chỉ trong vòng 24 giờ. Chân phải cũng xuất hiện các mảng da sậm màu, nguy cơ hoại tử toàn thân.

Hiện tại, bệnh nhân đang được hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu, kháng sinh liều cao và thuốc vận mạch. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhân rất dè dặt, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VietnamPlus

Bác sĩ Lê Sơn Việt ở khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm mô bào là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, khởi phát từ vết thương nhỏ nhưng tiến triển rất nhanh, đặc biệt ở người có bệnh nền như tiểu đường. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa tạng và tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo người có bệnh nền (tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch) cần tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như đầm lầy, ruộng nước; Mang đồ bảo hộ khi làm việc trong môi trường ẩm ướt; Rửa sạch và sát trùng kỹ các vết thương ngoài da.

Người bệnh khi có dấu hiệu cần đến ngay cơ sở y tế nếu xuất hiện dấu hiệu đỏ, sưng, nóng, đau, nổi bóng nước hoặc lan nhanh. Viêm mô bào chưa có vaccine phòng ngừa, do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng.

Tin nổi bật