Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 17/11: Toàn thân co cứng sau khi dùng cao thuốc chứa mã tiền

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/11/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 17/11/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Toàn thân co cứng sau khi dùng cao thuốc chứa mã tiền

Theo VietNamNet, ông Đ.Q.D (66 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) được chuyển viện cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng ngộ độc strychnin có trong hạt mã tiền.

Được biết, ông D. bị xương khớp và gout nên mua cao thuốc làm từ cây mã tiền về dùng. Ông lấy 1 thìa nhỏ pha với chén nước uống. 15 phút sau, toàn thân bệnh nhân bắt đầu co cứng, buồn nôn, toát mồ hôi và không cử động được. Người nhà phát hiện vội đưa ông D. đi cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đạt ở Trung tâm Chống độc chia sẻ, bệnh nhân ngộ độc strychnin có trong hạt mã tiền. Đây là độc tố thường được dùng trong nông nghiệp để diệt chuột, diệt thú có hại và trong y học cổ truyền với mục đích điều trị. Y học hiện đại không còn dùng strychnin làm thuốc chữa bệnh do độc tính nguy hiểm và tác dụng chữa bệnh rất hạn chế.

Sau 1 ngày cấp cứu, bệnh nhân vẫn còn co cứng các cơ, cổ ưỡn cong, tay co, chân duỗi cứng giống như người bị uốn ván kèm theo các cơn co giật. Thậm chí chỉ cần có tiếng động mạnh, ánh sáng chói, bệnh nhân lại bị kích thích cơ và co giật. 

Sau 1 ngày cấp cứu, người bệnh vẫn còn co cứng các cơ, cổ ưỡn cong, tay co, chân duỗi cứng. Ảnh: VietNamNet

Theo bác sĩ Đạt, các trường hợp nhiễm độc strychnin hay mã tiền thường do dùng bài thuốc dân gian, truyền tai nhau, uống nhầm rượu ngâm mã tiền để xoa bóp… Trường hợp nhiễm độc nặng, không được phát hiện, cấp cứu kịp thời sẽ gây giật cơ, cứng cơ, khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

Trong y học cổ truyền, sử dụng hạt mã tiền cần phải xử lý độc tố theo đúng quy trình để loại bỏ nguy cơ gây ngộ độc. Hạt mã tiền cũng được Bộ Y tế xếp vào danh mục những vị thuốc có độc tính cao, cần bảo quản riêng biệt, tuân thủ liều lượng sử dụng. 

Bác sĩ Đạt khuyến cáo, người dân nên cẩn thận với các loại thuốc y học cổ truyền trôi nổi, không rõ nguồn gốc, thành phần trên thị trường, lấy từ những cá nhân, người tự tuyên bố là thầy lang hoặc cơ sở chưa được cấp phép. 

Cô gái nhập viện với nhịp tim lên đến 137 lần/phút

Tạp chí Tri Thức đưa tin, trong thời gian lưu trú tại Phú Thọ, cô gái 23 tuổi (quê Quy Nhơn, Bình Định) phải đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cấp cứu do nhịp tim lên nhanh.

Thời điểm nhập viện, nhịp tim của bệnh nhân tăng lên 137 chu kỳ/phút, trong khi đó ở người trưởng thành, khi nghỉ ngơi không vận động, nhịp tim chuẩn sẽ dao động 60-100 nhịp/phút.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực nhiều, run tay, lòng bàn tay ra nhiều mồ hôi, xét nghiệm cho thấy chỉ số FT3, FT4 tăng cao, TSH giảm, tiền sử đang dùng thuốc điều trị Basedow.

Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán cường giáp, cần dùng thuốc kháng giáp trạng, giảm nhịp tim. Sau hơn một tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, được ra viện và tiếp tục duy trì thuốc hàng ngày.

Nhịp tim của cô gái ở thời điểm nhập viện tăng lên 137 chu kỳ/phút. Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo bác sĩ Mai Thị Hạnh ở khoa Nội tổng hợp, cường giáp trạng là hội chứng do tuyến giáp hoạt động tiết ra quá nhiều hormone giáp, rất nguy hiểm cho hệ tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, chúng sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim, lồi mắt và đặc biệt “cơn bão giáp” có thể dẫn đến tử vong.

Trái với bướu cổ đơn thuần, người bệnh Basedow cần có chế độ ăn hạn chế thức ăn có chứa nhiều iod, đồng thời duy trì chế độ dùng thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ để hạn chế các biến chứng của bệnh.

Cứu bé sơ sinh 1 ngày tuổi bị hạ đường huyết sau sinh dai dẳng

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 16/11, bác sĩ Nguyễn Thị Trúc ở khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhi (1 ngày tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bị hạ đường huyết sau sinh dai dẳng.

Bé trai là con của sản phụ H.T.T.T., sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh 2,2kg. Sau sinh, bé khóc ngay, tự thở, phản xạ khá. Tuy nhiên, 7 giờ sau sinh, bé xuất hiện tím tái, bú kém, phản xạ chậm. N

gay lập tức, bệnh nhi được chuyển sang khoa Hồi sức Cấp cứu sơ sinh để điều trị với chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh/hạ đường huyết. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, điều chỉnh đường huyết bằng cách duy trì dịch truyền có nồng độ và tốc độ cao, hỗ trợ bú mẹ, điều trị nguyên nhân.

Sau 30 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi ổn định, đường huyết bình thường, tự thở, bú khá lên cân tốt và được xuất viện.

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa điều trị thành công cho bệnh nhi bị hạ đường huyết sau sinh dai dẳng. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bác sĩ Nguyễn Thị Trúc chia sẻ, trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết khi lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, không được điều trị sẽ gây tổn thương não của bé, nặng hơn có thể bị tử vong. 

Những trẻ có nguy cơ hạ đường huyết là trẻ được sinh ra từ người mẹ bị bệnh đái tháo đường, trẻ cân nặng khi sinh thấp hơn so với tuổi thai, đẻ non.

Đối với trẻ sơ sinh, nên cho bú sớm ngay sau đẻ để phòng tránh hạ đường huyết. Với những trẻ sinh ra quá nhẹ cân, cho trẻ tiếp xúc da kề da ngay sau đẻ để chống hạ thân nhiệt.

Riêng đối với bà mẹ có tiền sử bệnh tiểu đường, cần phải có chế độ ăn hết sức nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ trước trong và sau khi sinh.  Việc đi khám định kỳ sẽ giúp sản phụ cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn cho bé, đồng thời có thể phòng tránh một số bệnh không mong muốn cho sản phụ.

Tin nổi bật